Dung Quất: Nhìn gần
19:2', 17/4/ 2007 (GMT+7)

“Nhìn gần” chừng vài năm nữa thôi là có thể “sờ” được dự án với số vốn lên đến 2,5 tỷ USD đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng Dung Quất bây giờ không phải chỉ có lọc dầu, đó chỉ là cú hích cần thiết để kéo theo nó cả một sê-ri nhà máy với số vốn hàng tỷ USD khác. Có thể kể ra đây trong giai đoạn “nhìn gần” này là Khu công nghiệp nặng Doosan 260 triệu USD, Tập đoàn thép Tycoons trên 1 tỷ USD, Cụm công nghiệp đóng tàu 700 triệu USD. Tất cả các dự án nói trên sẽ đi vào hoạt động trước năm 2010.

 

Công nhân ngành dầu khí thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Tăng tốc

Gần 10 năm chuẩn bị, giờ đây, Dung Quất mới thực sự bước vào giai đoạn tăng tốc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I ở Dung Quất khá tốt đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều dự án. Tính đến nay, Dung Quất đã có trên 100 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD. Đáng chú ý là trong số này, ngoài Nhà máy lọc dầu 2,5 tỷ USD còn có hai dự án đầu tư 100% vốn FDI qui mô lớn là Nhà máy luyện cán thép của Tập đoàn Tycoons-Đài Loan, vốn đầu tư 1,056 tỷ USD và Nhà máy công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan-Hàn Quốc, vốn đầu tư 260 triệu USD. Một dự án khác cũng khá nặng ký, đó là Nhà máy sản xuất PholyPropylen với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Quảng Ngãi đã vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách các tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI và là một trong ba tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư năm 2006. Chỉ trong năm 2006, Dung Quất đã thay đổi hẳn gương mặt vốn u buồn của mình suốt 10 năm qua nhờ hàng loạt các dự án vừa nêu. Các dự án này đã góp phần quyết định để đưa Quảng Ngãi gia nhập “Câu lạc bộ nghìn tỷ” vào cuối năm 2006. Con số bất ngờ này đã nằm ngoài dự đoán của các nhà quản lý. Bởi vì, đã bao nhiêu năm nay, Quảng Ngãi luôn luôn đưa vào kế hoạch thu thuế tại Dung Quất nhưng năm nào cũng “bể” nên người ta không còn tin vào Dung Quất nữa. Nhưng đến cuối năm rồi, nguồn thu đã vọt tiến với một tốc độ chóng mặt. Thế mới biết vai trò của công nghiệp lớn lao như thế nào.

 

Thi công phân xưởng hóa dầu.

 

Nhưng có lẽ điều mà người dân vùng đất này quan tâm hơn cả là việc các dự án đã và đang triển khai tại Dung Quất sẽ mang lại cho chính cuộc sống của họ những gì? Đời họ có thực sự đổi thay nhờ vào các dự án này hay không? Hay đó là những dự án lớn, mang tầm quốc gia nên chỉ có “quốc gia” mới hưởng, còn người dân sống trên vùng đất ấy thì chịu thiệt vì phải  dời nhà, bỏ làng, nhường đất cho các công trình xây dựng?

Băn khoăn

Nguồn vốn khổng lồ của hàng loạt dự án đã và đang triển khai tại Dung Quất đã đặt ra cho những nhà quản lý nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. 1.500 gia đình nông dân và ngư dân tại Dung Quất đã phải ra đi nhường đất cho các dự án, giờ họ sống ra sao, giải quyết công việc tại nơi ở mới như thế nào… vẫn là điều làm đau đầu nhà chức trách. Hàng nghìn gia đình đã “lỡ ra đi” cách nay gần mười năm giờ dở mếu dở khóc vì cuộc sống ở nơi ở mới quá khó khăn với họ. Trong khi đó, những ai “ù lỳ”, giờ lại sướng. Chỉ cần mở một cái quán cóc bên cạnh Nhà máy lọc dầu là có thể thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng. Rút kinh nghiệm những người “chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước” từ mười năm trước, hiện nay nhiều gia đình trong diện chuyển dời đã “co cụm” lại, thậm chí cố thủ để đòi quyền lợi. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án. Quan điểm chung của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay là, những gia đình đã chuyển dời đến nơi ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Đúng là chỗ ở thì vẫn tốt hơn đấy, song “chỗ làm” mới là điều mà người dân đang cần. Vì họ ở chừng vài năm, ăn hết số tiền đền bù thì sẽ trắng tay! Các doanh nghiệp đến đầu tư tại Dung Quất đều thực hiện cam kết này: Sẽ ưu tiên nhận con em tại Dung Quất, nhất là những gia đình có nhà phải di dời. Đúng là như vậy, song có những gia đình không có con em là thanh niên, hoặc có thì không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nên cũng đành chịu. Trường đào tạo nghề Dung Quất đã mở toang cửa để đón con em Dung Quất vào học nghề mà không phải qua kỳ thi đầu vào, song số con em quê Dung Quất thì lại quá ít vì phải qua hết bậc PTTH thì mới vào trường này, trong khi con em ở đây chỉ học mới lớp 4 lớp 5 là đã lao ra biển rồi.

 

Một góc TP Vạn Tường thuộc Khu kinh tế Dung Quất.

 

5 tỷ đô la, tức 80 nghìn tỷ đồng đang trút vào Dung Quất, chỉ tính mỗi một chuyện “rơi vãi” của chừng ấy tiền thôi, dân Dung Quất cũng đã thay đổi đời họ rồi. Có điều, làm cách nào để “hưởng hoa rơi” kia mới là điều cần tính đến. Tỉnh Quảng Ngãi gần như không có phản ứng gì trước một cơ hội lớn như thế ngoài việc ngồi chờ… thu thuế từ các dự án xây dựng tại Dung Quất.

Mười lăm nghìn công nhân đang có mặt tại Dung Quất. Các dịch vụ như lương thực, thực phẩm, chỗ ở cùng hàng loạt vấn đề khác mở ra để “hầu” toàn bộ số người này quả là không hề nhỏ. Nguồn thu nhập của người dân Dung Quất chính là chỗ này chứ không phải “thu nhập” từ việc bán dầu của Nhà máy lọc dầu như một số người vẫn nghĩ.

Tăng tốc trong đầu tư tại Dung Quất thì vui đấy, song không biết tận dụng những cơ hội để cải thiện cuộc sống của người dân thì có lỗi với họ vậy.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung: bỏ cục bộ, cùng liên kết  (16/04/2007)
Quảng Ngãi: Thêm một lợi thế về du lịch sinh thái biển   (15/04/2007)
Hàm Rồng điểm nhấn của du lịch xứ Thanh  (09/04/2007)
“Đà Lạt thứ hai” trên cao nguyên xanh  (08/04/2007)
Miền trung: cùng dàn hàng ngang để... đứng đầu  (08/04/2007)
Đà Lạt mơ màng và hảo hớn  (04/04/2007)
Xanh trên hàng rào điện tử năm xưa  (03/04/2007)
Để có một Hòn La như kỳ vọng  (01/04/2007)
Lên đỉnh Olimpia cùng Lê Viết Hà  (28/03/2007)
Thăm các di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Quảng Bình  (27/03/2007)
Mảnh đất bên dòng Sêrêpôk huyền thoại  (25/03/2007)
Nghệ An khai thác giá trị di tích- danh thắng phục vụ du lịch  (22/03/2007)
Lâm Hà với nghề trồng dâu, nuôi tằm  (20/03/2007)
Trăn trở con đường di sản miền Trung   (16/03/2007)
Lâm Đồng- Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch   (15/03/2007)