Mới đây, theo bảng xếp hạng của Hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt của Bình Định được xếp thứ 10 trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu thế giới về ảnh trắng đen, còn nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh xếp thứ 18. Dù được xếp trên 8 bậc nhưng bao giờ Đào Tiến Đạt cũng coi Lê Hồng Linh như “sư phụ” của mình trong nghề, nhất là ảnh đen trắng. Đầu tháng 5 vừa qua, Lê Hồng Linh trở thành “cầu nối” giữa một số nhà nhiếp ảnh ở các tỉnh phía nam với Quảng Ngãi.
|
Bừng sáng Dung Quất. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm |
Dù là đang lập nghiệp ở Đà Lạt hay sinh sống tại Sài Gòn, hoặc đang công tác ngay tại quê hương, phần lớn các nhà nhiếp ảnh này đều sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi. Vì vậy, quê nhà qua ống kính của họ thật da diết.
Tôi hỏi Lê Hồng Linh, người con của đất Bình Sơn-Quảng Ngãi nhưng xa quê đã mấy chục năm nay: “Quê nhà còn lại gì trong anh?”. Linh không một chút đắn đo để nói rằng: “Quê nhà luôn hiện hữu trong tôi nên không bao giờ “mất”, dù tôi đã xa quê mấy chục năm rồi”. Mang một tâm trạng đau đáu với quê như vậy nên ảnh của những nhà nhiếp ảnh xa quê này cũng vì thế mà tâm trạng hơn, da diết hơn và cũng nỗi niềm hơn.
Vài ba cuộc điện thoại “khơi khơi” nhưng ấm áp nghĩa tình giữa nhà thơ Thanh Thảo-Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi với nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh tại TP Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 4.2007, thế là thành “Trại sáng tác nhiếp ảnh tỉnh Quảng Ngãi năm 2007”. Trại có tên “Quảng Ngãi trong tôi”, lại thêm cái ngoặc đơn “Những khoảnh khắc đẹp”. Nhà thơ Thanh Thảo lý giải cho cái ngoặc đơn này như sau: “Quảng Ngãi trong tôi” cũng có thể “vận” vào một ông nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ nào đó có quê Quảng Ngãi. Nghệ sĩ nào mà chẳng có “trong tôi” quê hương mình, nhưng nhiếp ảnh là tiếng nói của những khoảnh khắc. Chúng tôi muốn tất cả những tay máy tham dự trại này đều có những “khoảnh khắc đẹp” chỉ dành riêng cho quê nhà Quảng Ngãi của mình”.
|
Bú tay. Ảnh: Lê Hồng Linh |
Dù rất bận rộn với công việc của một nhà giáo ở TP HCM nhưng Lê Hồng Linh vẫn dát mỏng chút thời gian hiếm hoi của mình để cù rủ những người bạn của anh, cũng là những nhà nhiếp ảnh tên tuổi ở các tỉnh phía nam, tay xách nách mang, lỉnh kỉnh máy ảnh, chân đèn, lên tàu về quê dự trại. “Quê nhà” được chọn ba nơi để đi thực tế: đảo Lý Sơn, Khu kinh tế Dung Quất và huyện vùng cao Sơn Tây. Thế là biển có, đồng bằng có mà miền núi cũng có.
Lý Sơn, hòn đảo kỳ ảo với những miệng núi lửa khổng lồ cùng những dấu tích lịch sử, văn hóa mấy trăm năm mở đất của cha ông như vẫn còn vang vọng tiếng gươm khua một thuở, đã chinh phục hoàn toàn các nhà nhiếp ảnh lần đầu đặt chân đến đây. Cũng các loại đặc sản tỏi và hành tồn tại cả trăm năm nay, vẫn những đứa trẻ vùng biển lấm lem đất cát ấy, cũng những thân dừa xứ đảo mỏng manh kia, rồi những hang động vùng Hang Câu và hòn Mù Cu, nơi bắt đầu của một ngày mới … nhưng qua cái nhìn của các nhà nhiếp ảnh đã làm cho người xem thật sự ngỡ ngàng. Quê hương được họ thu lại qua ống kính bằng những “khoảnh khắc” thật “đẹp”, thật ấn tượng. Mỗi một cú bấm máy là một lần các anh đã gửi vào đó một chút hồn vía của đời mình, vì vậy những tấm ảnh của các anh biết cựa quậy hơn, và lung linh hơn. Hay như các công việc hàng ngày trên đại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng được các nhà nhiếp ảnh “thu về” trong tầm mắt của mình bằng những bức ảnh vô cùng sinh động. Người ta sẽ không thấy cái ồn ã của đại công trường nhưng có thể cảm nhận được vóc dáng bề thế của một nhà máy trị giá 40 nghìn tỷ đồng Việt Nam qua cái nhìn của các nhà nhiếp ảnh này. Rồi Sơn Tây-một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, nơi có những rừng cau bạt ngàn lấp lánh trong nắng sớm, những thửa ruộng bậc thang trải một màu xanh ngút ngắt, nơi có những người đàn bà Cà Dong với đôi bầu vú thỗn thện nhưng rất “vô tư” khi phải “mở ra” cái nơi cần che giấu, trước một “rừng” ống kính của các nhà nhiếp ảnh… Họ không bỏ qua bất cứ một khoảnh khắc nào có thể mang lại những bức ảnh đẹp. 64 bức ảnh được chọn lựa để trưng bày lần này là chừng ấy cái nhìn về quê nhà. Mỗi cái nhìn là một khoảnh khắc đáng nhớ, đáng yêu.
|
Thu hoạch tỏi. Ảnh: Nguyễn Văn Xuân |
Có thể nói, đây là lần đầu tiên, các tay máy của Quảng Ngãi mới có dịp “ngồi lại” trong cùng một cuộc triển lãm, lại có cả những người bạn mới từ các tỉnh trở về. Cũng là lần đầu tiên họ được nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh trao đổi, góp ý một cách chân tình về bố cục, về ánh sáng qua từng khuôn hình. Đã có một sự “vỡ vạc” cần thiết đối với một số tay máy mới vào nghề qua cuộc trao đổi chân tình này của nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh. Nhưng có lẽ, điều đọng lại lớn nhất là các anh đã có những “khoảnh khắc đẹp” từ quê nhà, nơi mà các anh suốt đời đau đáu.
|