|
Thành nhà Hồ |
Hãy còn văng vẳng đâu đây một lời tâm huyết, xứ Thanh một miền “ Địa linh, nhân kiệt”, như một người mẹ đôn hậu và thông minh đã sản sinh cho đất nước biết bao anh hùng và danh nhân văn hóa. Đây còn là quê hương của ba dòng vua ( tiền Lê, Nhà Hồ, Hậu Lê), là nơi hai dòng chúa: Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn.
Thanh Hóa có bề dày về lịch sử đấu tranh cách mạng từ bao đời và truyền thống văn hóa, lại có địa hình thiên nhiên sông núi phong phú đa dạng. Vì thế di tích và thắng cảnh xứ Thanh rất thơ mộng và đặc sắc.
Từ lâu bạn bè gần xa vẫn thiết tha đến với cái đẹp say lòng, với những miền quê vừa duyên dáng, vừa oai hùng của Hàm Rồng kỳ tú, rung động lòng người trong thập cảnh huyền ảo mộng mơ: Từ Thức gặp tiên, của Ngàn Nưa lịch sử, Cửa Hà giàu niềm thi cảm, của suối cá Cẩm Lương có một không hai và Sầm Sơn đón gió đại dương, của Son Bá Mười, đỉnh Pu-Luông (Quan Hóa), của vườn Quốc gia Bến En, rừng già Hà Trung, với những vùng núi- hồ- đảo- hang động – chim thú vô cùng phong phú đa dạng ... Thanh Hóa đã vang danh tên tuổi bởi văn hóa Núi Đọ, văn hóa Đông Sơn, mảnh đất của Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc và Lam Sơn tụ nghĩa của Lê Lợi mười năm làm rạng rỡ non sông đất nước; cũng chính là vùng đất văn hiến dày đặc các loại hình di tích (Lịch sử, văn hóa, cách mạng và kiến trúc nghệ thuật). Những di tích từ Đinh- Lê - Lý- Trần - Nguyễn và cả sau này được phân bố hầu hết các vùng trong tỉnh mà nổi tiếng và giá trị hơn cả là thành Nhà Hồ uy nghi tráng lệ và Lam Kinh bề thế trang nghiêm, nơi vọng vang Bình Ngô Đại Cáo.
Qua cuốn “Thanh Hóa Chu thần lục” và các tài liệu thống kê sơ bộ , thì xứ Thanh có hàng ngàn điểm di tích, thắng cảnh có giá trị về nhiều phương diện (trong số đó có hơn 130 di tích, thắng cảnh được Trung ương ghi nhận cấp Quốc gia và hơn 400 di tích được tỉnh ra quyết định bảo vệ, tôn tạo).
Thanh Hóa còn là đất của văn hiến giàu nghệ thuật. Hò sông Mã dào dạt sóng thiêng. Dân ca Đông Anh ngọt ngào bao thời còn đó! Vẫn âm vang tiếng trống Tuồng quê Thanh thao thức lòng người, làng trên xóm dưới, các lễ hội trò diễn Xuân Phả, tú huần, giai điệu Khặp, Xường, hát ru của người Thái, người Mường và dân ca Đông Anh đã làm hài lòng du khách đến xứ Thanh.
Trở lại thành phố Thanh Hóa, ta có thể dừng chân vài ngày đến thăm Nhà Bảo tàng, nơi đây lưu giữ hàng vạn hiện vật quý từ bao đời, từ thời đồ đá cũ sơ khai của loài người cho đến những hiện vật trong công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha ta, thư viện, nhà thờ, các chùa chiền khu Hàm Rồng lịch sử (di chỉ văn hóa Đông Sơn, động Long Quang, đồi C4, làng Đông Sơn và núi Mật với giếng Ngọc và đền thờ Trần Khát Chân, đền thờ Tống Duy Tân- lãnh tụ nghĩa quân thời Cần Vương), thăm Thái miếu Nhà Lê, tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi, chợ Vườn Hoa phong phú hàng hóa, bốn mùa hoa trái, du khách đi làng Giàng- “đất trấn thành xưa” nơi có đền thờ Dương Đình Nghệ (người anh hùng dân tộc thế kỷ X), thăm khu văn hóa sinh thái Kim Quy, rồi về phía Tây vài ba cây số là được chiêm ngưỡng thắng cảnh Bàn A Sơn thập cảnh với chùa Vồm nổi tiếng, sau đó lên núi Đọ, di tích cách đây vài chục vạn năm. Xa xa là hòn Vọng Phu thiên tạo đã ngàn đời vẫn sừng sững với thắng cảnh nổi tiếng của Đông Sơn. Ngược phía Tây Bắc là thành Tây Đô (Vĩnh Lộc). Đến Tây Đô là đến thăm thành đá đồ sộ duy nhất ở Việt Nam còn lại cho đến hôm nay để rồi tự hào trước trí tuệ và công sức vĩ đại của nhân dân ta ở thế kỷ XIV đã tạo nên một công trình thành đá kỳ vĩ mà hậu thế thán phục và ngạc nhiên trước nghệ thuật tài năng phi thường này của ông cha ta. Đến Tây Đô ai mà không nhớ đến động Kim Sơn, Tiên Sơn phong cảnh sơn thủy, hữu tình thơ mộng.
Trên đường về thành phố Thanh Hóa ghé xem động Hồ Công (Vĩnh Ninh) và đền thờ Nguyễn Nghi- di tích kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc đá ( Đông Thanh – Đông Sơn) thế kỷ XVII. Về Thọ Xuân cung đường dài 50 cây số, trong buổi sáng có thể viếng đền Lê Lợi, thăm khu trung tâm điện miếu, bia mộ Lê Thái Tổ, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Thánh Tông, Ngô Thị Ngọc Giao và bia Vĩnh Lăng. Ngược chừng ba cây số là đền Lê Lai, đền Lê Hoàn (cách mười cây số). Trên đường về du khách dừng lại ở Tứ Trụ mua đặc sản bánh gai nổi tiếng và dâng hương ở đền Nguyễn Nhữ Lâm - khai quốc công thần thời Lê - một nhà kiến trúc tài ba chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng Lam Kinh. Từ thành phố Thanh Hóa đi Vườn quốc gia Bến En, quãng đường dài bốn chục cây số, đi mất một giờ là đến.
Trong một ngày du khách chỉ đến khu vực hồ 1 và hồ 2 của Bến En, Như Thanh. Ở đây cảnh trí như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Khu vực rừng Cấm rất phong phú, có nhiều các loại động - thực vật rất quý hiếm và đa dạng, khó mà tưởng tượng nổi, khi bơi thuyền trên hồ thật thú vị, đẹp đẽ biết nhường nào, khi bạn ngắm mây trời nhởn nhơ bay trong tiếng nhạc rừng, chim hót xốn xang chào khách. Trên đường đi khách có thể dừng chân thăm Lò Cao kháng chiến ở Hải Vân ( Như Thanh), một địa danh lịch sử đã góp phần thắng lợi của cách mạng chống Pháp ở Thanh Hóa. Về Nga Sơn- vùng đất của huyền thoại, chỉ một ngày thôi, với cung đường hơn bốn chục cây số từ thành phố Thanh Hóa, ta có thể đến thắng cảnh nổi tiếng liền kề nhau: Động Từ Thức, động Bạch Ái, chùa Tiên, Phù Chèo, Thần Phù, Mai An Tiêm, hồ Đồng Vua và vườn Đào Tiên. Đây là quần thể di tích thần tiên đầy sức hấp dẫn, nên thơ của đất mới Nga Sơn. Đến Nga Sơn để leo núi, vào hang, du thuyền trên hồ Đông Vua và cửa Thần Phù thì thú vị biết chừng nào, ở đây nổi tiếng dưa hấu, các hàng đan lát bằng cói và hải sản tôm cua, cá nhệch, sẽ vừa ý du khách thập phương. Qua Lạch Bạng - Nghi Sơn (Tĩnh Gia) là tuyến du lịch thú vị. Nhà máy xi măng do ta liên kết với Nhật xây dựng - đang là một hứa hẹn. Đến Lạch Bạng là đến vùng cửa biển, còn đến Nghi Sơn là đến vùng di tích thắng cảnh đảo, một căn cứ hải quân thời Tây Sơn, một thương cảng cổ ở Thanh Hóa. Cả hai cụm di tích này có thể đến bằng đường bộ hoặc từ Sầm Sơn bằng tàu thuyền, ta càng thấy thú vị được ôm gió biển vào lòng.
Cụm di tích Lạch Bạng có: Chùa Đót Tiên, đặc biệt là đền thờ anh hùng dân tộc Quang Trung, Lạch Bạng có nhiều đặc sản biển như cá, mực, nước mắm Do Xuyên. Ở đây còn có nhà thờ Ba Làng là một trong số nhà thờ được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam. Trên đường về thành phố Thanh Hóa, du khách dừng lại làng Hoa Trai ( Nguyên Bình – Tĩnh Gia ) để dâng hương tại đền thờ Đào Duy Từ - một danh nhân văn hóa ở quê Thanh. Từ thành phố Thanh Hóa đi Bỉm Sơn- phố Cát chỉ hơn ba chục cây số. Bỉm Sơn là vùng căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn trong phòng tuyến Tam Điệp hùng vĩ đã lừng tiếng một thời oanh liệt.
Nói về tín ngưỡng Bỉm Sơn là một trong những trung tâm thờ Mẫu lớn và ảnh hưởng rộng của cả nước, đó là khu đền Sòng và đền Chín Giếng. Mùa hội kéo dài hết cả tháng Hai, cuốn hút khách hành hương trong cả nước, có tới hàng chục vạn người tham dự. Về Bỉm Sơn là đến đèo Ba Dội của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với bài thơ nổi tiếng “Một đèo lại một đèo ...”, dãy Tam Điệp, hồ Cánh Chim, đường Thiên Lý, động Cửa Buồng và các hang động có nhiều thạch nhũ hình tượng khá độc đáo đẹp mắt. Từ Bỉm Sơn ta ngược về Tây Bắc, dừng thăm quê hương nhà Nguyễn và lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu (xã Hà Long) sau đó lên phố Cát- nơi có đền Mẫu được coi là rất thiêng. Chính nơi đây là một khu thắng cảnh nổi tiếng với nhiều tầng tháp và các “ đàn cá thần”, phố Cát còn có đặc sản ba ba tiến vua lừng tiếng một thời. Trên đường về thành phố Thanh Hóa dừng lại ở Triệu Lộc để dâng hương tưởng niệm đền Bà Triệu một cảnh quan vừa hùng tráng, uy nghi, vừa duyên dáng như Triệu Trinh Nương - Ngàn Nưa thuở ấy. Ai đó, một chuyến đi du lịch Thanh Hóa có thể ghi nhận hoặc hòa đồng với non xanh nước biếc, “Địa linh nhân kiệt xứ Thanh”.
. Theo Thanh Hóa online |