Phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng các cảng biển và cảng hàng không khu vực miền Trung sẽ phục vụ phát triển kinh tế không chỉ khu vực miền Trung mà còn cả một vùng kinh tế rộng lớn bao gồm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tại hội nghị liên kết các tỉnh miền Trung tổ chức mới đây tại Hội An, Quảng Nam, ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc VCCI miền Trung cho rằng, với vị trí lưng dựa vào Tây Nguyên, mặt quay ra biển Đông và khi hành lang kinh tế Đông- Tây vận hành, miền Trung sẽ có thêm nhiều động lực lớn để phát triển. Theo ông Cường, để kết nối với hai đầu đất nước, miền Trung cần hợp lực tạo ra một hệ thống cảng biển lớn, không manh mún như hiện nay.
Tiến sĩ Trương Đình Hiển, Nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia cảng biển miền Trung, khẳng định việc Chính phủ quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là cả một chiến lược, nghiên cứu lâu dài, gắn liền với sự ra đời của các cảng biển. Cụ thể với việc tìm ra cảng nước sâu Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) đã hình thành vùng kinh tế trọng điểm gồm 5 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định.
Cùng chung quan điểm với ông Hiển, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các tỉnh Trung có đặc điểm địa lý tương đối giống nhau, chiều ngang đất liền hẹp và cảng biển là thế mạnh. Cảng biển dù nhỏ nhưng là cơ hội để phát triển, để xoá đói giảm nghèo. Nhờ có cảng Chân Mây, Thừa Thiên-Huế đã hình thành nên khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào đây. Chỉ sau 5 năm khu kinh tế này ra đời, Thừa Thiên- Huế thu hút nguồn vốn FDI bằng 15 năm trước đây và sắp tới sẽ nhiều hơn nữa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, miền Trung có 17 cảng biển nhưng chỉ chiếm 13% tổng công suất hàng hoá của cả nước. Sân bay hầu hết là sân bay nhỏ, phần lớn là bay nội địa, với trung bình 2 chuyến/tuần bằng máy bay ATR72. Cơ sở hạ tầng kém so với các vùng khác là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào miền Trung gặp khó khăn.
Tính đến cuối năm 2006, miền Trung chỉ chiếm 6% về số dự án và 5,8% về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có 4 khu kinh tế đã được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên chỉ có khu kinh tế Dung Quất đã cơ bản hoàn thành hạ tầng. Các khu kinh tế còn lại Chu Lai, Lăng Cô - Chân Mây, Nhơn Hội vẫn đang trong quá trình triển khai.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế của Chính phủ nhận định, Chính phủ đang tập trung phát triển vào các tỉnh ven biển, nhưng bờ biển ở các tỉnh này tương đối ngắn nên rất cần sự liên kết với nhau. Theo bà Lan, mỗi tỉnh không nhất thiết cần có riêng một sân bay, cảng biển mà cần tạo ra những cảng biển, sân bay lớn để giải quyết về vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá cho cả miền Trung.
Nhận định này của Bà Lan phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, miền Trung chỉ đầu tư 5 cảng trọng điểm gồm Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn và cảng chuyên dùng Dung Quất. Toàn vùng có 9 sân bay: Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (T.T-Huế), Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà). Trong đó, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Khánh Hoà) và sân bay Đà Nẵng đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế.
. Theo TTXVN |