Miền Trung- Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư
15:54', 1/6/ 2007 (GMT+7)

Nhà đầu tư nước ngoài trình bày dự án đầu tư với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ảnh: VNN

Thu hút vốn đầu tư là một trong những vấn đề mang tính chiến lược đối với sự  phát triển của đất nước, của địa phương  trong điều kiện kinh tế hiện nay của nước ta. Để phát triển kinh tế- xã hội, trên hết cần có nguồn vốn đầu tư. Mức độ đầu tư càng cao thì tốc độ phát triển nền kinh tế càng lớn, không gian kinh tế ngày càng được mở rộng. Khu vực miền Trung- Tây Nguyên bước vào thời kỳ công nghiệp hóa với điểm xuất phát thấp, kết cầu hạ tầng kinh tế lạc hậu, manh mún, thiếu thốn, kinh tế thị trường chưa phát triển, năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập, đời sống của các tầng lớp nhân dân không cao. Khả năng sinh lợi của nền kinh tế thấp, cộng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã hạn chế hoạt động đầu tư tại khu vực này.

Để thu hút đầu tư đối với một khu vực mà khả năng sinh lợi thấp như miền Trung- Tây Nguyên, hàng loạt vấn đề đã đặt ra như: về cơ chế chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế bản thân nội lực các ngành kinh tế địa phương, hệ thống cơ sở dịch vụ, nguồn lao động, thị trường… kèm theo phải đạt ở mức độ nhất định mới đáp ứng yêu cầu để tiếp thu nguồn lực đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 19 tỉnh, thành phố của khu vực miền Trung và Tây Nguyên chỉ có 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có điều  kiện tương đối thuận lợi, có nhiều khả năng thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội, số địa phương còn lại phần đông là có tiềm năng lớn nhưng các điều kiện khác như cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông, điện nước, hệ thống tài chính, ngân hàng…còn rất hạn chế nên tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế, các địa phương đều tận dụng khá hiệu quả tiềm năng của tỉnh, thành phố mình đề hoạch định hướng đi, nhằm thu hút các nhà đầu tư như khuyến khích về giá thuê đất, về thuế và những thuận lợi về thủ tục đầu tư; tạo kết cầu hạ tầng đồng bộ cả về giao thông, thông tin liên lạc, tài chính ngân hàng, cung ứng điện, nước cũng như các công trình phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí… Nhờ vậy chỉ trong một thập niên gần đây, hầu hết các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có nhiều bước đột phá, tăng tốc, khơi thông các nguồn lực đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, trong đó Đà Nẵng nhờ thu hút được nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển nên 10 năm qua trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đã đạt được những thành tự đáng kể về các mặt kinh tế-xã hội. Trong những năm gần đây, kinh tế thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng trên 2 con số, liên tục và năm sau cao hơn năm trước (2003:12,62%; 2004: 13,2%; 2005: 13,9%). Năm 2006, GDP tăng 12,2% so với 2005 (GDP đầu người năm 2006 của thành phố 16,3% xếp thứ hai trong 8 địa phương lớn của cả nước, chỉ sau thành phố Cần Thơ 23,9%), tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 1997-2006 đạt 11,6%/năm.

Quảng Bình, một tỉnh còn nhiều khó khăn cũng đã thu hút gần 50 dự án đã và đang triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư, trong đó có 21 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động với số vốn khoảng trên 5.000 tỷ đồng và 28 dự án đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư với nguồn vốn 2.000 tỷ. Thừa Thiên - Huế, riêng trong quý 1-2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có 4 dự án được cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 282,7 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI được cấp phép lên 41 dự án, với tổng số vốn đăng ký 595 triệu USD. Bình Thuận có 757 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 15.516 tỷ đồng. Trong đó đầu tư trực tiếp của nước ngoài có 45 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 200,48 triệu USD. Ninh Thuận cũng đã thu hút đầu tư với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, riêng đầu tư nước ngoài tỉnh đã thu hút được gần 10 dự án vào khai thác tiềm năng nông-lâm- thủy sản, công nghiệp chế biến và nhiều nhà đầu tư trong nước khai thác tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái. Lâm Đồng có 280 dự án đầu tư trong và ngoài nước đang còn hiệu lực, trong đó có 176 dự án được thỏa thuận đầu tư với tổng vốn thỏa thuận 13.341 tỷ đồng. Riêng đầu tư nước ngoài hiện có 83 dự án của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đã đăng ký 287 triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Đắk Nông- một tỉnh mới hình thành, qua 3 năm cũng thu hút được 5 dự án đã hoạt động trong các lĩnh vực chế biến cà phê, trà, nông sản và khách sạn với tổng vốn đầu tư 15,5 triệu USD; có trên 150 dự án trong nước đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 10.000 tỷ đồng…

Có thể khẳng định rằng tuy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội còn khó khăn thấp kém, nhưng các địa phương trong khu vực đã rất năng động huy động tổng lực các nguồn vốn để bứt phá đi lên và đạt được những thành tựu to lớn, từng bước đuổi kịp tốc độ phát triển của hai đầu đất nước.

. Theo báo Đắk Nông

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung mở tour du lịch “Con đường di sản Đông Dương”  (01/06/2007)
Xây dựng đồng bộ hệ thống sân bay, cảng biển  (31/05/2007)
Xứ Thanh một miền du lịch  (29/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (23/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (21/05/2007)
Một mùa sen đầy hương sắc  (17/05/2007)
Nhìn quê hương từ tâm hồn  (15/05/2007)
Về miền Trung mở ngân hàng  (11/05/2007)
Xây dựng đường đẹp nhất Tây Nguyên  (10/05/2007)
Bình Thuận đi lên từ hai ngành: công nghiệp và du lịch  (08/05/2007)
Đà Nẵng: Tuần lễ EWEC sẽ mang tầm vóc quốc tế  (03/05/2007)
Quảng Ngãi thu hút đầu tư từ TP Hồ Chí Minh  (25/04/2007)
Phát triển các vùng kinh tế động lực ở Kon Tum  (23/04/2007)
Có một hành lang kinh tế Đông Tây 2  (19/04/2007)
Rong chơi cho hết miền Trung...  (18/04/2007)