Trong gần mười năm chờ đợi dự án nhà máy lọc dầu triển khai tại Dung Quất, các nhà đầu tư gần như “quên” luôn khu kinh tế này. Thế nhưng, khi nhà máy lọc dầu đã vào cuộc thì Dung Quất đã trở thành một lực hút rất mạnh đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Từ một năm qua, song song với việc triển khai dự án nhà máy lọc dầu, hàng loạt các nhà máy khác cũng đang được tiến hành một cách khẩn trương tại đây.
Trước khi ra các quyết định thành lập Khu kinh tế Dung Quất cũng như chọn nơi đây để xây dựng nhà máy lọc dầu, Chính phủ đã xác định rằng nhà máy lọc dầu chỉ làm hạt nhân cho Khu kinh tế Dung Quất chứ Dung Quất không phải chỉ có mỗi một dự án là lọc dầu hoặc hóa dầu. Chính vì xác định như vậy nên tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần xuôi Nam ngược Bắc, hết Hà Nội đến TP HCM để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, sự khởi sắc mà Dung Quất có được hôm nay là nhờ vào việc triển khai dự án lọc dầu từ hơn một năm qua. Đúng như cổ nhân đã dạy: “Buôn có bạn bán có phường”!
|
Khởi công Khu công nghiệp nặng Doosan tại Dung Quất. Ảnh: T.Đ |
Nhộn nhịp các dự án
Cuối năm 2005, Dung Quất chưa hề có tên trên bản đồ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng đến nay, khu kinh tế này đã xếp thứ 5 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Có thể “điểm mặt” các dự án đã giúp cho Dung Quất trở thành một trong 5 “đại gia” hàng đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI. Đó là cụm công nghiệp nặng Doosan của Hàn Quốc (vốn 260 triệu USD), đã khởi công xây dựng từ cuối năm 2006 và Tập đoàn thép Tycoon của Đài Loan (vốn 1 tỷ USD), đang san ủi mặt bằng, chuẩn bị khởi công. Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Dung Quất cũng không quên “thị trường đầu tư nội địa”. Ví như Nhà máy đóng tàu Dung Quất (vốn 700 triệu USD), phân xưởng polypropylen sau lọc dầu (vốn 200 triệu USD)… Đến nay, Dung Quất đã thu hút 110 dự án, với số vốn đầu tư lên đến 5,5 tỷ USD. Đây được xem như khu kinh tế năng động nhất của khu vực miền Trung trong việc thu hút vốn đầu tư hiện nay.
Một mặt, Dung Quất mở toang cửa với nhiều cơ chế thông thoáng để thu hút vốn đầu tư, mặt khác, khu kinh tế này cũng đang vắt chân lên cổ để chạy đua trong việc chuẩn bị hạ tầng để “đón” khách đầu tư. Chẳng hạn như việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai khu đô thị Vạn Tường và Dốc Sỏi, kèm theo đó là hàng loạt các dịch vụ về nhà ở, vui chơi, giải trí nhằm mục đích “giữ chân” các chuyên gia và công nhân có thu nhập cao khỏi phải ra Hội An hay Đà Nẵng vào dịp cuối tuần. Hậu cần cho Dung Quất vẫn là khâu yếu nhất hiện nay tại đây nên ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất xác định tập trung đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Sẽ có một sê-ri cụm cảng liên hoàn tại Dung Quất sau bến cảng số 1 hiện nay. Cùng với việc tăng chuyến, đón máy bay lớn của sân bay Chu Lai trong một tương lai gần, sê-ri cụm cảng này sẽ “nối mạng” với bên ngoài thông qua đường biển, chắc chắn sẽ làm “yên lòng” các nhà đầu tư. Ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất khẳng định: “Với những cơ chế và chính sách hợp lý đã và đang triển khai tại Dung Quất, chắc chắn đến năm 2010, khu kinh tế này sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD”. Như vậy, song hành cùng lọc dầu, Dung Quất đã và sẽ có hàng loạt các dự án, với số vốn lên đến 3,5 tỷ USD, lớn hơn vốn của nhà máy lọc dầu hiện nay (2,5 tỷ USD).
|
Đặt ky tàu dầu 104.000 tấn tại Dung Quất. Ảnh: T.Đ |
Trăm mối bời bời
Lúc chưa triển khai xây dựng nhà máy lọc dầu, ai cũng kêu, ai cũng sốt ruột, giờ nhà máy sắp có dầu thì lại bời bời mối lo khác. Một vạn rưỡi công nhân đang thi công các dự án tại Dung Quất hiện nay đã làm “nặng” thêm vùng đất vốn yên bình này. Từ chỗ ăn, chỗ ngủ nghỉ đến khâu an ninh trật tự, tất cả đang rối mù lên. Hàng loạt các vụ mất cắp tại nhà máy lọc dầu mà không tìm ra thủ phạm đã nói lên tính phức tạp tại đây. Nhưng đó không phải là mối lo chính của những nhà quản lý ở Dung Quất! Ông Trần Lê Trung chia sẻ: “Càng thu hút nhiều nhà đầu tư thì khâu chuyển dân càng phức tạp. Chúng tôi xác định rằng, chuyện đền bù cho dân không quan trọng bằng lo cho cuộc sống của họ ổn định lâu dài. Đã có hàng loạt chính sách như nhận con em của những gia đình chuyển dời này vào làm tại các nhà máy, song như thế vẫn chưa bền vững”. Sở dĩ “chưa bền vững” là bởi, không phải gia đình nào ở Dung Quất cũng có con em đủ các điều kiện để vào làm việc tại các nhà máy. Mà dẫu có trở thành công nhân đi nữa thì cũng chỉ đủ nuôi thân, lấy tiền đâu nuôi thêm gia đình một khi đồng lương quá thấp?
Lo là vậy, song vui vẫn hơn lo. Sự đầu tư ồ ạt vào Dung Quất sau dự án lọc dầu là một tín hiệu vui. Vấn đề là làm sao để người dân Dung Quất mở ra các dịch vụ “ăn theo” để đón số tiền tiêu xài của người lao động tại đây. Nếu biết tận dụng cơ hội này thì việc “đổi đời” của người dân nơi đây hoàn toàn có thể làm được.
|