Miền Trung với bài toán về nhân lực
15:59', 17/6/ 2007 (GMT+7)

Việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt rót vốn vào các khu công nghiệp ở miền Trung, trong thời gian gần đây đã xảy ra một nghịch cảnh nhưng rất đáng phấn khích: Thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Thực trạng này đã được dự báo từ nhiều năm trước, một số nhà quản lý và nhà khoa học ở tầm vĩ mô đã cảnh báo về thực trạng sẽ xảy ra này, song các địa phương gần như chỉ chú trọng đến việc “trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư hơn là việc chuẩn bị nguồn nhân lực để “đón” các nhà đầu tư. Lẽ ra việc “kêu gọi đầu tư” và “chuẩn bị nguồn nhân lực” phải được tiến hành cùng lúc chứ không phải đợi có cơm rồi mới lo đi mua chén bát. Đáng tiếc là nghịch lý này đã và đang xảy ra đối với nhiều tỉnh ở miền Trung hiện nay.

 

Nhà máy đóng tàu Dung Quất-nơi đang cần 5.000 lao động nhưng tuyển không được người. Trong ảnh: Công nhân nhà máy đang gò hàn. Ảnh: T.Đ

 

Khoảng 10-15 năm trước đây, khi tình trạng nông nhàn đã bắt đầu xuất hiện, một bộ phận nông dân đã “thất nghiệp” ngay trên đồng ruộng của mình thì vấn đề về giải quyết việc làm đã bắt đầu hé lộ những bức xúc. Đối với số con em miền Trung đang theo học ở các trường đại học tại TP HCM hoặc Hà Nội, họ muốn về quê để được “gần nhà”, song điều kiện không cho phép nên họ đành phải đi tứ tán tìm việc. Chính thực tế đó đã khiến không ít nhà lãnh đạo một số  tỉnh tỏ ra chủ quan trong việc hoạch định các chiến lược có tính “dài hơi” về vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Khi nguồn nhân lực bị dư thừa (nhất thời), không có nơi để “tiêu thụ” thì tỉnh nào cũng kêu, nhưng lúc người ta cần đến người làm được việc thì tất cả cùng chạy quáng quàng lên để “đào tạo cấp tốc”! Việc “cấp tốc” này hoàn toàn mang tính “phủi nóng” chứ không mang tính căn cơ, vì rằng chỉ cần doanh nghiệp đó đổi mới công nghệ là số “lao động cấp tốc” này không theo kịp và sự đào thải lúc bấy giờ sẽ diễn ra.

Tỉnh Quảng Ngãi đã “cấp tốc” một lúc 700 kỹ sự lọc hóa dầu hệ tại chức nhưng không một người nào trong số họ tìm được việc làm như nghề mình học đã nói lên sự “ngây thơ” trong việc đào tạo nhân lực của địa phương này. Phong trào mỗi tỉnh “một nhà máy đường một trường đại học” đã mọc lên như nấm sau mưa, song các trường đại học này lại đào tạo những sinh viên mà nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại các khu công nghiệp ở miền Trung lại không cần! Bài toán “cần và có” đã đặt trên bàn của lãnh đạo nhiều tỉnh nhưng sự kết nối giữa đào tạo và sử dụng gần như bị thả nổi.

Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại chỗ khiến ngày nào trên các báo và đài truyền hình địa phương cũng đều đăng thông báo tuyển dụng người. Mà tuyển dụng toàn “hàng hiệu” chứ không tuyển lao động chân tay, bưng bê kê dọn. Các doanh nghiệp tuyển người, nhất là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, họ không quan tâm nhiều đến các loại bằng cấp mà chú trọng đến năng lực thật sự của người được tuyển dụng. Vì thế, những cuộc sát hạch “nóng” thường diễn ra ngay trên công trường, ngoài thực địa. Ai đáp ứng được yêu cầu, họ tuyển dụng ngay, ai không đạt, xin lui ra. Chuyện “gửi gắm” rất ít xảy ra. Nếu có đi chăng nữa thì những người được “gửi gắm” này không làm chuyên môn mà chỉ là “thợ đụng” (đụng gì làm nấy, tất nhiên là làm những việc  lặt vặt).

 

Công nhân may tại Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam). TN

 

Trong nội dung các thông báo tuyển dụng người, có một câu thật ấn tượng: “Lương thỏa thuận”. Câu này nó khu biệt rõ nhất đẳng cấp của người được tuyển dụng (chứ không phải đi xin việc). Nó hàm chứa sự công bằng trong việc cống hiến và hưởng thụ. Người tài có dịp được thể hiện mình, người kém cũng bị “lộ sáng” qua công việc của anh ta. “Lương thỏa thuận”, nghĩa là không bên nào ép được bên nào. Anh làm đạt yêu cầu thì anh sẽ được hưởng đúng như những gì anh bỏ ra. Nó xóa đi một lề thói đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người suốt một thời gian dài. Đó là sự “cào bằng” trong lao động và hưởng thụ. Thậm chí người tài lại hưởng ít hơn kẻ bất tài.

Đang “cháy” lao động nhưng các doanh nghiệp không phải tuyển người bằng mọi giá. Không hiếm những người giỏi giang là con em của miền Trung có cơ hội để thể hiện mình, có dịp để “thỏa thuận” về lương với giới chủ. Tuy nhiên số này quá hiếm hoi. Đó là một điều đáng buồn cho các tỉnh miền Trung-nơi vẫn được xem như “đất học” của cả nước. Bài toán về nhân lực vẫn chưa thấy hé lộ điều gì sáng sủa về đáp số của nó.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đất mở Quảng Nam  (12/06/2007)
Festival biển Nha Trang 2007: Lễ hội Caranaval “Đêm của biển”  (12/06/2007)
Dung Quất: Song hành cùng lọc dầu   (11/06/2007)
Miền Trung- Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư  (01/06/2007)
Miền Trung mở tour du lịch “Con đường di sản Đông Dương”  (01/06/2007)
Xây dựng đồng bộ hệ thống sân bay, cảng biển  (31/05/2007)
Xứ Thanh một miền du lịch  (29/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (23/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (21/05/2007)
Một mùa sen đầy hương sắc  (17/05/2007)
Nhìn quê hương từ tâm hồn  (15/05/2007)
Về miền Trung mở ngân hàng  (11/05/2007)
Xây dựng đường đẹp nhất Tây Nguyên  (10/05/2007)
Bình Thuận đi lên từ hai ngành: công nghiệp và du lịch  (08/05/2007)
Đà Nẵng: Tuần lễ EWEC sẽ mang tầm vóc quốc tế  (03/05/2007)