|
Chùa Thiên Mụ | Nói đến Huế, ngoài những lăng tẩm cung điện của triều Nguyễn phải kể đến những ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa cổ hiện nay ở cố đô Huế, đó là chùa Thiên Mụ. Đã hơn bốn trăm năm qua, trải qua bao vật đổi sao dời, chùa Thiên Mụ vẫn uy nghiêm bên dòng sông Hương thơ mộng. Tiếng chuông chùa Thiên Mụ từ bao đời nay đã được coi như một âm hưởng đặc trưng của xứ Huế.
Xưa kia nơi đây là một quả đồi hoang thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà, nay là phường Kim Long, thành phố Huế. Đầu thế kỷ XVII để tránh sự kìm hãm của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để gây dựng cơ đồ riêng. Lúc đó trong dân gian đang lưu truyền một huyền thoại rằng trên đồi thường xuất hiện một bà già tóc bạc, áo đỏ, quần xanh nói rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến đây lập chùa thờ Phật để tụ linh khí”. Nguyễn Hoàng thấy mình đang được lòng dân nên tự nhận là chân chúa và cho xây chùa, đặt tên là chùa Thiên Mụ, đến đời Tự Đức đổi thành Linh Mụ nhưng tên gọi gốc thì vẫn được tiếp tục phổ biến cho đến bấy giờ.
Dưới con mắt của các nhà phong thủy thì vị trí của chùa Thiên Mụ quả là nơi đắc địa hiếm có. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều cây cối xanh tốt, phía sau là những dãy gò đống nối dài, trước mặt là dòng sông Hương như dải lụa ôm sát chân đồi tạo nên sự hài hòa thơ mộng giữa kiến trúc với thiên nhiên. Chùa có khuôn viên rộng tới gần 4 ha, được bao bọc bởi tường gạch chu vi hơn 800m, phía trước là tháp đình, phía sau là điện miếu, tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm, huyền ảo. Tháp Phước Duyên trước sân chùa, được coi là biểu tượng của chùa Thiên Mụ, xây năm 1844, có hình bát giác, cao hơn 21m gồm 7 tầng với những kiến trúc hoa văn độc đáo, mỗi tầng thờ một vị Phật ngồi trông ra cửa hướng Nam. Tầng cuối cùng có 3 pho tượng Phật bằng vàng nhưng năm 1942 đã bị quân Pháp lấy mất, phải thay bằng 3 tượng đồng.
Bên cạnh tháp Phước Duyên là những công trình kiến trúc nhỏ nhưng cũng được xây dựng rất công phu là đinh bia bốn mặt có trù cửa cuốn, trong đó có bia khắc bài “Thiên Mụ chung thành” (Tiếng chuông Thiên Mụ). Ở đây còn có quả chuông lớn bằng đồng rất đẹp và quý được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chư, chuông được cất trong tiểu đình lục giác, ai đến cũng khâm phục.
Giữa tháp và điện là cổng chính, gọi là nghi môn. Vào nghi môn sẽ gặp những pho tượng thần linh cai nghiêm như các vị thiên thần. Sau nghi môn là lầu chuông và lầu trống. Chuông lầu được đúc năm 1815, tuy nhỏ hơn quả chuông trước sân nhưng đây lại là quả chuông thường được ngân lên hàng ngày theo nhịp thời gian. Làm xao động lòng người qua bao thế hệ.
Nơi thờ Phật, trung tâm của chùa Thiên Mụ là điện Đại Hùng gồm 5 gian, hai chái, dài 30m, rộng 25 m, được bài trí rất tôn nghiêm, lộng lẫy. Qua thời gian, bão tố và những cơn binh lửa, kiến trúc ban đầu của chùa không còn nguyên vẹn. Nhưng qua những nền móng còn lại, vẫn thấy được nét độc đáo về kiến trúc của chùa. Ngoài những cổ vật có giá trị văn hóa nghệ thuật như tượng, chuông, hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng… Tại chùa Thiên Mụ còn lưu giữ chiếc ô tô do hòa thượng Thích Quảng Đức tự lái đến chỗ tự thiêu giữa TP Sài Gòn để phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm cùng với những tư liệu lịch sử về cuộc đấu tranh của phật tử yêu nước thời đó.
Lúc thanh bình, chùa là nơi để du khách vãng cảnh, thư giãn tinh thần, đáp ứng tâm linh. Khi thiên nhiên nổi giận, nước lũ trào dâng cao, với địa thế riêng của mình, chùa lại là nơi trú ngụ của chúng sanh, cứu vớt họ qua cơn hoạn nạn. Chùa Thiên Mụ xứng đáng được coi là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất nhì trong nước.
. Theo báo Xây dựng |