Làng nghệ nhân Đắk Wơk
18:34', 20/6/ 2007 (GMT+7)

Đoàn nghệ nhân làng Đắk Wơk chuẩn bị lên đường sang trình diễn tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian (Mỹ). Ảnh: ĐP

Làng Đắk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum rộn ràng như đang vào mùa lễ hội. Tiếng cồng chiêng, những làn điệu dân ca cổ Bahnar Rơ Ngao vang vọng khắp làng. A Thút - Phó chủ tịch UBND xã Hơ Moong chào khách bằng một câu nói đầy tự tin: “Dân làng Đắk Wơk đang... “sướng” cái bụng lắm. Nghệ nhân trong làng khẩn trương chuẩn bị để qua Mỹ trình diễn nét đặc trưng văn hóa đồng bào Tây Nguyên. Ở đây, số nghệ nhân lắm lúc nhiều hơn cả số nóc nhà có trong làng”.

Làng Đắk Wơk tọa lạc giữa núi rừng đại ngàn Tây Nguyên đã lập nên một kỳ tích. Trong số 39 nghệ nhân nước ta qua Mỹ tham gia Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian, Đắk Wơk có tới 16 nghệ nhân trình diễn trước đông đảo du khách quốc tế 4 loại hình di sản văn hóa: cồng chiêng, hát kể sử thi, đan gùi và đẽo thuyền độc mộc. 

Sau quãng đường 40 km từ thị xã Kon Tum, chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn Đắk Wơk từ phía đầu làng. Những ngôi nhà mới kiên cố san sát nhau, trông có vẻ phồn thịnh như ở phố. Trước đây, Đắk Wơk là làng cổ thuộc xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà. Khi triển khai thi công lòng hồ thủy điện Plei Krông, làng được di dời đến địa điểm mới hiện nay. Đắk Wơk chỉ có 237 hộ nhưng số nghệ nhân truyền thống lại rất đông. Hầu hết người lớn trong làng đều biết đánh cồng chiêng, đan gùi, đẽo thuyền độc mộc, dệt thổ cẩm... Chính nét đặc sắc truyền thống văn hóa này làng  Đắk Wơk lọt vào “mắt xanh” của Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) và Ban tổ chức Lễ hội Smithsonian.

Hàng trăm người quây quần bên gốc đa cạnh ngôi nhà rông cao lớn để xem các nghệ nhân làng Đắk Wơk đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, kể sử thi. A Thút bảo mấy tháng qua, chiều nào, đêm nào cũng thế, dù đã thành thục lắm rồi nhưng cấp trên dặn là không được chủ quan, phải kiên trì tập luyện cho đến ngày lên đường. Trong số các dụng cụ phục vụ việc trình diễn tại lễ hội đã đưa sang Mỹ có bộ cồng chiêng 13 chiếc được xem là báu vật của A Thút. Theo lời chủ nhân, âm thanh của bộ cồng chiêng khi tấu lên trầm vang lay động cả núi rừng. Khi mới cưới vợ, vì mê thứ âm thanh kỳ lạ ấy, A Thút đã bán hết gia sản mình có để mua về lưu giữ trong nhà. Mấy năm nay, nhiều tay săn lùng cổ vật tìm đến mua, nhưng A Thút vẫn một mực không bán. “Mình bán đi thì sẽ mất. Mà mất cái gì thì mất, chứ mất văn hóa thì coi như mất tất cả”, A Thút phân giải.

“Đi biểu diễn xa như vậy, lại có nhiều “ông Tây” chứng kiến, A Thút có run không?, tôi hỏi. A Thút khảng khái: “Cấp trên đã chọn mình đi, mình cứ thế mà làm. Làm thật tình. Làm hết sức. Làm cho người ta nhớ. Cớ gì mà mình phải lo, phải sợ, để cái tay, cái chân cứng đơ ra. Thế người ta cười mình thì xấu cái bụng lắm!”.

A Thút yêu mến làng Đắk Wơk như yêu 7 đứa con của mình. Vì không muốn bản sắc văn hóa đồng bào mình bị mai một, anh từng đứng lớp truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ trong làng. Dấu chân anh cũng in bước trên khắp vùng núi đồi rộng lớn dọc dòng Pô Kô, tìm gặp các già làng để sưu tầm dân ca, dân vũ, sử thi. A Thút kéo tôi về nhà khoe một tập tài liệu do chính anh chấp bút viết về lịch sử làng cổ Hơ Moong (nay là làng Đắk Wơk, xã Hơ Moong) mà đã trở thành tài liệu tham khảo cho nhiều nhà nghiên cứu trong cả nước.

Tại lễ hội Smithsonian, ngoài trình diễn cồng chiêng, A Thút sẽ cùng với 2 nghệ nhân “hoa khôi” làng Đắk Wơk là Y Gái (20 tuổi) và Y Gyăi (20 tuổi) hát bài dân ca lời cổ Chơng Brôk Píchi (Rủ nhau đi hái măng rừng) của tộc người Bahnar Rơ Ngao: “Hỡi em, anh mong bóng đêm. Hõi em, anh mong bóng đêm. Em, anh đợi chờ mỗi ngày. Em, anh đợi chờ mỗi ngày. Bao giờ ta bước chung đường? Bao giờ ta bước chung đường?... Anh mong em đến từng giờ... Nhớ những kỷ niệm xưa, ta đi hái rau giớn nào, đi ngắt lá mì vàng, bóc vỏ đót song mây...”.

Thuyền độc mộc do nghệ nhân làng Đắk Wơk đẽo. Ảnh: ĐP

Mỗi nghệ nhân làng Đắk Wơk được xem là một báu vật nhân văn sống trong việc truyền giữ văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nổi bật nhất trong chuyến đi lần này phải kể đến lão nghệ nhân A Bek (bố của A Thút). Ngót nghét tuổi 80 nhưng cụ A Bek còn rất minh mẫn. Cụ nổi tiếng khắp các buôn làng và cả giới chuyên môn bởi tài nghệ hát kể vanh vách hàng chục sử thi. Có những lễ hội, dân làng thức thâu đêm suốt sáng miệt mài ngồi lắng nghe cụ diễn xướng sử thi: Chàng Giôông ngăn sông, Đại bàng bắt chàng Giôông, Ông Rơh bị ốm, Chiếc nhẫn nàng Rang Hu rơi xuống sông... Khi chúng tôi vào nhà, cụ A Bek mở ngăn tủ, cẩn thận lấy ra chiếc áo thổ cẩm và bảo sẽ mặc nó khi qua Mỹ hát kể sử thi.

Tôi trở lại thị xã Kon Tum giữa trưa nắng gắt. Khi đề cập đến “sự kiện Smithsonian”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trương Thị Ngọc Ánh nói: “Đây là niềm tự hào không chỉ của làng Đắk Wơk mà của cả tỉnh Kon Tum, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Điều khiến các nhà quản lý hết sức thán phục khi đến Đắk Wơk là những trầm tích văn hóa dù trải qua bao năm tháng, biến thiên của lịch sử, đồng bào vẫn truyền giữ, gắn bó như máu thịt của mình. Di sản thường không “sinh thêm”, vì vậy, không chỉ cư dân bản địa mà mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy nó”.

...Tôi chợt nhớ lại “trích đoạn” sử thi Chàng Giôông ngăn sông  do lão nghệ nhân A Bek diễn xướng. Chuyện kể rằng, dân làng quý mến chàng Giôông tài hoa, hùng dũng vì đã xả thân bảo vệ sự yên bình, trù phú của buôn làng. Khát vọng ngăn lại dòng Kroong của chàng Giôông thuở ấy nay đã mở ra một dòng sông văn hóa chở mang trong mình những bản sắc không thể nhạt nhòa hội nhập với cả thế giới.

  • Đình Phú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Thiên Mụ  (20/06/2007)
Miền Trung với bài toán về nhân lực  (17/06/2007)
Đất mở Quảng Nam  (12/06/2007)
Festival biển Nha Trang 2007: Lễ hội Caranaval “Đêm của biển”  (12/06/2007)
Dung Quất: Song hành cùng lọc dầu   (11/06/2007)
Miền Trung- Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư  (01/06/2007)
Miền Trung mở tour du lịch “Con đường di sản Đông Dương”  (01/06/2007)
Xây dựng đồng bộ hệ thống sân bay, cảng biển  (31/05/2007)
Xứ Thanh một miền du lịch  (29/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (23/05/2007)
Quê nhà qua ống kính   (21/05/2007)
Một mùa sen đầy hương sắc  (17/05/2007)
Nhìn quê hương từ tâm hồn  (15/05/2007)
Về miền Trung mở ngân hàng  (11/05/2007)
Xây dựng đường đẹp nhất Tây Nguyên  (10/05/2007)