|
Lễ hội đã được khai mạc tối 27-6. |
Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản” đã chính thức khai mạc vào tối 27-6, được mở màn với chương trình nghệ thuật thể hiện đậm nét chủ đề chính của lễ hội “Cuộc hội ngộ các di sản văn hoá Đông Dương”.
Những làn điệu dân gian miền Trung, nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên cùng giao lưu với điệu múa Apsara, kịch hát Riêmkê (Siêm Riệp, Campuchia), múa cung đình, các vũ điệu Lămthon (LuangPrabang, Lào), “Lời dẫn” cho cả chương trình là lối hát xướng bằng làn điệu dân ca xứ Quảng. Tất cả đã tạo ra cho đêm lễ hội một không gian văn hoá mở đặc sắc. Đêm khai mạc lễ hội đã cố gắng thoát khỏi sự tái hiện, sân khấu hóa, cảnh diễn hóa lịch sử và các giá trị văn hoá phi vật thể một cách đơn thuần, để gắn với không gian đường phố, sông nước.
Trước đó, khởi động cho đêm khai mạc là một cuộc trưng bày và diễu hành dành cho những người yêu xe cổ đến từ mọi miền đất nước tại khu nghỉ mát Palm Garden Resort (Vườn Cọ) thuộc vùng bờ biển Hội An. Đây là cuộc "họp mặt" hiếm có của những chiếc xe đạp, xe gắn máy "vang bóng một thời". Những chiếc xe này sẽ có một cuộc diễu hành trên “con đường di sản” vào ngày hôm nay (28-6), từ phố cổ Hội An lên thánh địa Mỹ Sơn, ghé thăm làng đúc đồng danh tiếng Phước Kiều ở Điện Bàn và làng nghề truyền thống dệt lụa tơ tằm ở Duy Xuyên.
Đến với Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” lần thứ 3 này du khách không nhận thấy một chương trình lễ hội bị dàn trải không gian như các lần trước, mà được tổ chức thành 2 tour du lịch "trên nền" các di sản Mỹ Sơn - Hội An, giới thiệu các sản phẩm mới như đêm Mỹ Sơn - Vatphu, du lịch đêm ở Mỹ Sơn, giao lưu nghệ thuật dân tộc Việt - Chăm - Cà Tu.
Một nét mới trong công tác tổ chức năm nay đó là “cái bắt tay” giữa các cộng đồng các doanh nghiệp làm du lịch. Phần lớn chi phí cho lễ hội năm nay do các doanh nghiệp du lịch đứng ra huy động lực lượng, đầu tư kinh phí, liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng các chương trình. Chẳng hạn như, cuộc diễu hành xe cổ do khu nghỉ mát Palm Garden Hội An cùng với Công ty Pepsi, Ngân hàng cổ phần Phương Đông phối hợp tổ chức. Số tiền bán vé xem triển lãm và tham gia bình chọn xe cổ sẽ đưa vào quỹ ủng hộ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã thể hiện “cái mới” của mình trong việc chọn thời gian tổ chức lễ hội. Bời vì đây là khoảng thời gian thấp điểm du lịch, nhất là ít du khách quốc tế. Do đó, tổ chức lễ hội vào thời điểm mùa hè để thu hút khách du lịch ASEAN và nội địa. Điều này dường như đã đem lại những kết quả khả quan khi hơn 70 khách sạn tại Hội An với 3.600 phòng đã được các nhà tổ chức tour và các đoàn khách về dự lễ hội đặt kín chỗ (Tính đến hết ngày 27-6).
Với cuộc “hội ngộ” của 6 di sản văn hoá thế giới thuộc 3 nước, gồm Hội An, Mỹ Sơn - Quảng Nam, cố đô Huế (VN) Luang Prabang, Wat Phou (Lào) và Angkor Vat (Campuchia), mục tiêu tương lai mà những người làm lễ hội hướng đến là mở ra con đường gắn kết các di sản, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, phát triển du lịch liên vùng... Bên cạnh đó, một thương hiệu du lịch mới đầy bản sắc văn hoá được hình thành đó là thương hiệu du lịch xứ Quảng.
. Theo VnMedia
|