|
Tháp Poklongarai |
Sự giàu có thể hiện ở kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Ninh Thuận. Về văn hóa vùng, Ninh Thuận hội đủ văn hóa biển, văn hóa đồng bằng và văn hóa núi. Về văn hóa dân tộc, nơi đây có sắc màu phong phú và đậm nét của văn hóa các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Chu ru, Hoa. Trong mảng màu văn hóa Chăm ở Việt Nam, Ninh Thuận là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa truyền thống lâu đời nhất. Văn hóa Raglai cũng vậy, so với các tỉnh có người Raglai sinh sống như Khánh Hòa, Bình Thuận, người Raglai ở Ninh Thuận có số lượng đông nhất và đang lưu giữ văn hóa cổ truyền Raglai đậm đà nhất. Về văn hóa tôn giáo, mảnh đất này hội đủ sắc màu văn hóa của những tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài và sự ảnh hưởng các các tôn giáo truyền thống trong cộng đồng người Chăm như Bàlamôn, Bàni và Hồi giáo. Ngược lại, cũng có thể khám phá một cộng đồng cư dân thuần khiết văn hóa bản địa, chưa chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào như văn hóa Raglai, Chu ru.
Ngoài những di tích lịch sử cách mạng như Đề pô xe lửa Tháp Chàm, Đình làng Vạn Phước, bẫy đá Pi Năng Tắc, Núi Cà Đú v.v… Ninh Thuận còn có những di tích lịch sử văn hóa như hệ thống đình, đền, chùa với kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại hàng trăm năm. Toàn tỉnh có 48 ngôi đình lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 8 đình được xếp hạng di tích quốc gia, có giá trị lịch sử văn hóa quan trọng. Ở Phan Rang còn có chùa Ông với kiến trúc độc đáo đã trên 200 tuổi và những ngôi nhà cổ của người Hoa.
Di tích văn hóa Chăm gồm các cụm tháp Chăm đẹp và hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam. Các quần thể tháp Chăm đã được xếp hạng di tích quốc gia như tháp Pô Kongirai, tháp Pô-ro-mê, tháp Hòa Lai (Ba tháp), đền Pô Inư Nưgar. Khác với đa phần các di tích Chăm ở miền Trung đã thành phế tích, những di tích Chăm ở Ninh Thuận vẫn được gắn với lễ hội của người Chăm.
Bên cạnh những di sản văn hóa, Ninh Thuận còn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, có thể sánh ngang với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Dải đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi đá ăn ra tận biển nên tạo thành những vũng, vịnh đẹp như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná. Thiên tạo đã dành cho vùng đất này những núi đá chồng với những tảng đá cao ngất ngưởng xếp hờ lên nhau, tưởng chừng như khẽ động vào là sẽ lăn xuống đất. Về du lịch, Núi Đá chồng là những tác phẩm của quá trình tạo sơn lạ mắt hấp dẫn du khách. Về kinh tế, đây là kho đá granít với trữ lượng lớn. Những người am hiểu về du lịch đều nhận xét rằng, đồi cát Nam Cương là một trong những đồi cát đẹp nhất nước với hai dải màu cát trắng và vàng tuyệt đẹp. Ninh Thuận còn được biết đến bởi những làng nghề truyền thống độc đáo như nghề gốm cổ có hàng nghìn năm tuổi ở Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp.
Kho tàng văn hóa phi vật thể của Ninh Thuận với hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng. Như lễ hội cầu ngư với hò Bả trạo, múa náp, lễ hội cá Ông. Các làn điệu dân ca của cư dân miền Trung vẫn được bảo tồn. Lễ hội Katê, Ramưval và hàng loạt những lễ nghi nông nghiệp vẫn giữ được sắc màu văn hóa truyền thống Chăm đậm nét.
Ninh Thuận là mảnh đất đậm đà những sắc màu văn hóa. Chỉ tiếc rằng, tất cả kho tàng di sản văn hóa thiên nhiên và nhân tạo ở Ninh Thuận vẫn còn nằm ở dạng tiềm năng, chưa phát huy được thế mạnh trong phát triển. Trong những năm qua, Ninh Thuận đã làm tốt công tác nghiên cứu, bảo tồn kho tàng di sản văn hóa truyền thống. Nhưng giữa văn hóa và du lịch còn một khoảng cách lớn. Du lịch chưa gắn với văn hóa và ngược lại, những hoạt động văn hóa cũng chưa gắn với du lịch. Trong một xã hội đang trên con đường phát triển, bảo tồn không chưa đủ. Kho tàng đậm đà những sắc màu văn hóa ở Ninh Thuận là một tiềm năng vô giá trong phát triển du lịch. Làm sao những sắc màu văn hóa ấy phải được giới thiệu, quảng bá và thực sự trở thành những sắc màu hấp dẫn du khách muôn phương.
. Theo Người làm báo Ninh Thuận
|