Cuộc chiến tranh đi qua đã 32 năm nhưng bỏ lại phía sau lưng nó không biết bao nhiêu số phận bi thương. Hàng triệu người đã gửi vào đất đai của Tổ quốc một phần thân thể của mình. Có thể nói, bao nhiêu thương bệnh binh là từng ấy cuộc chiến đã đi qua các anh. Nhưng có lẽ, điều làm cho nhiều người trong số ấy phải bận lòng đến đau đớn không chỉ là những vết thương cụ thể mà họ đang mang trên người mà là những chuyện trớ trêu của số phận. Đó là những vết thương mà không một hội đồng giám định y khoa nào có thể xếp hạng được. Sau đây là vài mẫu chuyện như thế ở tỉnh Quảng Ngãi.
|
Ông Nguyễn Lê (trái) và tác giả.
| Con của vợ
Một dạo, cứ đều đặn một tuần hai lần, bà Nguyễn Thị Minh lại cộc cạch trên chiếc xe đạp cũ vượt hơn 20 cây số từ xã Tịnh Đông-một xã miền núi của huyện Sơn Tịnh, xuống nơi làm việc của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi nhờ các anh trong hội can thiệp để bà được mua một chiếc xe Wave Alpha đúng như giá trong cửa hàng. Dạo ấy, loại xe này đang “sốt”, người mua phải đăng ký dài ngày nhưng chưa chắc đã mua được xe. Một bà già đã qua tuổi 60 mà còn còng lưng đạp xe trên quãng đường hơn hai chục cây số chỉ có thể gợi chút trắc ẩn nào đó đối với những nhà báo dễ mủi lòng chứ khó mà làm cho các doanh nghiệp bán xe máy phải bận tâm! Sau nhiều ngày chầu chực đăng ký mua xe không được, bà Minh ra về và như chẳng hề gì. Hình như mấy chục năm nuôi ông chồng thương binh hạng ¼ đã giúp bà xem các sự cố như thế chỉ là “chuyện vặt”. Bà chỉ khẽ chép miệng: “Giá mà nhà nước còn giữ chế độ ưu tiên như thời bao cấp, tôi mua được xe rồi”. Chút nuối tiếc thoảng qua ấy đã nhanh chóng biến mất khi đồng hồ báo 10 giờ sáng. Bà quày quả ngược hai chục cây số để trở lại xóm núi chăm ông. Tôi hỏi: “Ông thì nằm một chỗ, bà thì suốt ngày xớ rớ trong vườn, xe cộ làm gì?”. Bà gạt mồ hôi, khuôn mặt chợt rạng lên: “Thằng con chuẩn bị ra trường. Tôi mua xe để cho nó có phương tiện đi làm chứ già rồi, ham hố gì mà xe với cộ!”. Đứa con trai duy nhất của ông bà đang học năm thứ 4 Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nó là nguồn an ủi, là niềm tự hào nhưng nó cũng là vết thương lòng, là bánh xe đầy đinh ốc đã lăn qua đời họ suốt mấy chục năm qua. Tôi lại phải vượt hơn 20 cây số, ngược lên Tịnh Đông để nghe họ kể về “nó”.
Thấy khách lạ đến nhà, ông Nguyễn Lê gượng ngồi dậy. Gần ba mươi năm rồi, ông cũng chỉ làm được mỗi một động tác là “gượng dậy” như vậy thôi. Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào để cho ông có thể kể một cách tự nhiên về “nó”, bởi đụng đến sợi tơ lòng ấy, dẫu một chút xíu thôi, cũng đủ làm bật lên bao nhói buốt trong ông. Hóa ra chính ông cụ 76 tuổi này đã tự nguyện xé toạc mọi lớp rào cản cứ ngỡ đã được ông chôn chặt mấy chục năm rồi: “Năm 1962, một mảnh đạn đã xuyên ngang cột sống. Cứ tưởng chết rồi, nhưng lại không chết. Tôi đã vượt Trường Sơn để ra Bắc chữa trị bằng chiếc võng với hai người khiêng. Một năm sau thì tôi có thể tựa vào chiếc xe lăn để đi cà nhắc một mình. Trong một buổi “giao lưu” giữa hai trại thương binh, tôi gặp cô Minh. Hỏi chuyện mới biết cô ấy cùng xã Tịnh Đông này. Ban đầu thì xưng “chú -cháu”, được một tuần thì chuyển sang “anh-em”. Ở miền Bắc trong những năm chiến tranh, gặp đồng hương cùng xã như thế như gặp được…vàng. Mấy anh thương binh tại trại an dưỡng thấy chúng tôi “tâm sự” thường xuyên như thế, họ “xúi” vô. Tôi thì mặc cảm: vừa lớn hơn cô ấy 14 tuổi, lại bị thương vào chỗ “nghiệt” nên trong bụng thì ưng mà miệng thì không dám mở nửa lời. Thế rồi những “tín hiệu” từ hai phía đã bắt được “sóng” của nhau. Cô ấy đồng ý lấy tôi. Đó là năm 1972. Tôi đã phải “thú nhận” tất cả về sự khiếm khuyết của mình với cô ấy, song không những cô ấy nản lòng mà còn thương tôi hơn. Ba năm, rồi bảy năm trôi qua, cô ấy vẫn là…con gái! Tôi khuyên cô ấy nên tìm một mối nào đó để kiếm đứa con. Hồi đó không có “ống nghiệm ống nghiếc” như bây giờ nên chỉ có một cách là “bí mật” đi tìm con. Nghe tôi gợi ý như vậy, cô òa nức nở. Cho đến năm thứ mười, những sợi tóc bạc bắt đầu xuất hiện trên đầu. Một lần nữa, tôi lại thuyết phục cô ấy. Và lần này thì cô đồng ý. Thằng con ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Nó vẫn mang họ Nguyễn nhưng…”. Ông đột ngột ngừng kể. Tôi đã hiểu ra lai lịch của “nó”, và không muốn ông nói gì thêm về giọt máu mà hai mươi hai năm rồi ông vẫn nhận là của mình. Như đọc được suy nghĩ ấy của tôi, ông xua tay: “Tôi đã nói với nó tất cả rồi. Nó đã ôm chầm lấy tôi và khóc như một đứa trẻ lên năm: “Ba ơi, hãy tha lỗi cho mẹ con!”. Người đáng thương nhất trong việc này là cô ấy chứ không phải là tôi hay nó. Đã mấy chục năm nay, cô ấy đã chăm sóc tôi trong nỗi dằn vặt khôn cùng. Cũng may là thằng con học giỏi. Nó vừa là nỗi đau nhưng cũng là niềm an ủi. Bây giờ, nếu ông trời không cho sống nữa, tôi chỉ mong sao nó có một chỗ làm. Nghe nói bây giờ phải chạy chọt dữ lắm mới được, mà vợ chồng tôi thì không có gì ngoài hai cái thẻ thương binh!”. Tôi chỉ còn biết an ủi ông một câu đã cũ: “Chắc là em nó sẽ có việc thôi chú à”. Ông nhìn tôi bằng cái nhìn hy vọng. Tôi như thấy tan biến hết mọi nỗi đau đã từng đi qua đời ông khi nhìn thấy ông cười.
Vết thương- nỗi ám ảnh
|
Anh Phạm Ngọc Thắng trước ngôi nhà “tình thương” của mình. |
Nhiều người lính khi rời quân ngũ, họ hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng nỗi ám ảnh về súng đạn và chết chóc cộng với những cơn sốt rét rừng tái phát đã vô tình biến họ thành con người khác. Anh Phạm Ngọc Thắng 43 tuổi ở xã Bình Chương huyện Bình Sơn là một trường hợp như thế. Tôi đến thăm Thắng khi người nhà vừa tháo xiềng cho anh. Chính quyền địa phương vừa xây cho vợ chồng Thắng một ngôi nhà. Nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng này vẫn còn lắm nhọc nhằn mưa nắng, buồn thương. Bây giờ, mọi ký ức của người cựu binh Phạm Ngọc Thắng chỉ gói gọn vào ba tiếng: “tọa độ” và “máu”. Qua một người bạn của Thắng, tôi mới biết “lai lịch” của những chữ này. Thắng từng là lính thông tin nên hai chữ “tọa độ” đã ám vào anh kể từ khi Thắng không còn là người bình thường nữa. Xuất ngũ năm 1984, Thắng vẫn là một chàng trai khỏe mạnh. Anh đã lấy vợ và đã có ba mặt con. Chị Thanh kể: “Lúc mới cưới, thỉnh thoảng ảnh có lên cơn sốt rét. Nhưng khi sinh cháu thứ ba, công việc nhà nông quá vất vả, ăn uống lại thiếu thốn nên những cơn sốt đến với ảnh mỗi lúc một nhiều. Cứ mỗi lần ốm, ảnh lại nói nhảm. Qua những câu lảm nhảm không đầu chẳng cuối ấy, em chắp nối được một câu chuyện thế này: Anh Thắng ám ảnh về những cái chết của đồng đội mình. Có lần lên cơn sốt, ảnh cứ hỏi một câu: Sao tôi lại là người được trở về bình yên? Tại sao tôi không chết?””. Những cơn sốt rét liên miên nhưng không có tiền chạy chữa đã dần biến Thắng thành người điên. Thắng chuyển từ việc “nói lảm nhảm” sang quậy phá. Mỗi lần lên cơn điên, vợ và ba đứa con của Thắng phải trốn ra vườn cả đêm. Và, người ta buộc phải làm cái việc chẳng đặng đừng: xích anh lại và cho vào cũi! Chị Thanh, một nách ba con, vừa phải lo cái ăn cho cả nhà bằng một sào ruộng mà thóc không đủ nuôi một đàn chim sẻ, lại vừa phải bươn bả kiếm tiền chạy chữa cho chồng.
Tôi không muốn kể ra đây về những tháng ngày Thắng bị xích và nhốt trong cũi-cách đối xử của những kẻ tuyệt lộ- mà chỉ nhắc lại câu hỏi của chị Thanh: “Chồng em như thế thì nhà nước xếp hạng thương binh loại mấy, anh?”. Rồi chị khóc: “Giá như đừng đi lính, chắc là không bị như vậy!”. Không phải tất cả những người đã từng đi lính đều “bị như vậy”, song có một điều là có đi lính mới bị sốt rét rừng. Và Thắng không phải là trường hợp cá biệt. Nhưng, khổ thay cho Thắng, cái “vết thương” mà anh đang mang trong người ấy không nằm trong một “khung” nào để người ta có thể xếp hạng thương tật cho anh, dù là hạng bét nhất, để mỗi tháng anh còn kiếm được vài trăm ngàn mua gạo nuôi con.
Ông Lê hay anh Thắng cũng chỉ là những “đại diện” cho hàng triệu người Việt Nam đang gánh trên vai mình sự nghiệt ngã của số phận. Lê Trọng Minh, ở thành phố Quảng Ngãi, từng là lính “tình nguyện” ở Campuchia gần 30 năm trước, sau 21 năm bị người anh “biệt giam”, do báo chí phản ảnh nên vừa được "giải phóng", cũng là một số phận thật chua xót. Những vết thương mà không biết xếp hạng như thế nào ấy mãi mãi sẽ còn đeo bám vào nhiều số phận nếu như không có sự điều chỉnh về chính sách dành cho họ.
|