Ở làng Kông Hoa
15:26', 9/7/ 2007 (GMT+7)

* Ghi chép của Trần Đăng

Những ai trót yêu mến tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc xin đừng thất vọng khi đọc bài ghi chép này. Tôi đã qua rất nhiều ngôi làng dưới chân dãy Chư Lây thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, gặp và hỏi rất nhiều già làng người Bahnar nhưng không một ai biết đến tên làng trong cuốn sách đã mê hoặc nhiều thế hệ học trò ấy. Cho đến khi anh Đinh Quar, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kông Lơng Khơng “khà” một tiếng rõ to sau khi “chiêu” một ngụm rượu: “Vùng này thì làng nào mà chẳng là làng Kông Hoa!”. Tôi buộc phải nhập cuộc với Đinh Quar trong một cuộc  rượu xuyên trưa bất đắc dĩ.

 

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: T Đ

 

Thăm làng Anh hùng Núp

Qua khỏi thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai chừng 5 cây số rồi rẽ phải, men theo con đường đất đỏ gập ghềnh mưa tháng bảy chừng hai mươi cây số nữa, làng Kông Hoa hiện ra bằng ngôi nhà sàn “tân cổ giao duyên”, được mang tên “Nhà lưu niệm Anh hùng Núp”. Ông bạn tôi là dân thổ địa (quê ở An Khê) lắc đầu ngao ngán: “Làng Kông Hoa của Anh hùng Núp đó, ông thỏa mãn chưa?”. Nói rồi, anh hài hước: “Ngày ấy mà rừng trọc lóc như bây giờ, anh Núp, anh Trốn gì cũng khó sống được với bọn Tây, nói gì đến chuyện dựng làng kháng chiến, ông hử?”. “Hử” là giọng Bình Định, nghe vừa tức cười vừa tức… anh ách!

Chúng tôi bước lên cầu thang nhà sàn lưu niệm, chợt giật thột với hai bóng người, một nam một nữ đang đứng ở góc nhà. Hóa ra là hai bức tượng, tạc hai thanh niên Bahnar. Ảnh Anh hùng Núp và Chủ tịch Phidel Castro của Cuba treo ngay lối đi. Ba gian nhà im ỉm khóa. Có lẽ đã lâu lắm rồi, ngôi nhà này thiếu đi sự chăm sóc nên trông có vẻ hoang phế quá. Lịch sử ngôi làng Anh hùng Núp được gói gọn trong một tấm bảng, chưa đầy một mét vuông: “Tháng 7.1950, Pháp đánh vào làng, bắt dân dọn ra đường 19 để dễ cai quản. Tháng 9.1950, dân bỏ khu dồn về lại làng cũ, lập căn cứ trên núi để trường kỳ kháng chiến. Từ tháng 9.1950 đến tháng 12.1951, Pháp tiến hành 10 cuộc càn quét nhưng Thôn Đội trưởng Núp cùng với dân làng Stơr đều đánh bật 400 quân Pháp ra khỏi làng”. Hết. Hóa ra trong văn bản hành chính, ngôi làng này có tên Stơr, còn trong “Đất nước đứng lên” thì là làng Kông Hoa. Văn học có thể mang lại cho con người một thế giới khác, theo cách tưởng tượng của riêng mình. Kông Hoa trong tôi luôn là một ngôi làng hùng vĩ, là “thánh địa” của người Bahnar, là nơi lưu giữ những gì căn cốt nhất của một dân tộc tài hoa và hào phóng… Tôi đang trôi theo “thương nhớ” của riêng mình thì hàng loạt những tiếng sấm rền vang chợt đến sau dãy Chư Lây. Gió núi, mưa ngàn và tiếng rì rào của lá mía non đã đánh bật tôi ra khỏi làng Kông Hoa, lôi tuột tôi ra khỏi trang sách cũ. Một tiếng gọi của người quen đã kéo xệch chúng tôi vào ngôi nhà mới xây còn hăng nồng vôi vữa. Một nhóm người Bahnar đang chuẩn bị cho một bữa tiệc “mừng mía mới”.

 

Đồng mía An Khê. Ảnh: TĐ

 

Bắp cũ-mía mới

Đinh Quar nay 53 tuổi, tuổi trẻ anh kịp trải qua một mùa kháng chiến. Còn nguyên trong anh ký ức về những ngày đói cơm lạt muối thời chiến tranh chống Mỹ. Đã trải qua những năm tháng gian khó nhất cùng đất nước nên Quar càng thấm thía với những gì có được hôm nay. Anh luôn luôn nói lời ơn nghĩa đối với nhà nước dù số tài sản mà anh có được là kết quả của những năm tháng nhọc nhằn quăng quật với rẫy nương. Thế nhưng, Quar vẫn thú nhận với tôi rằng anh chưa bao giờ nghe đến tên làng Kông Hoa, cũng chưa tường mặt cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Ngọc. “Tôi chỉ xem phim về ông Núp thôi. Không có làng Kông Hoa nào hết. Cả huyện Kbang này, cả Tây Nguyên này đều là làng Kông Hoa mà”. Thì ra Đinh Quar đã hiểu ngọn nguồn của mảnh đất mình sinh ra, được nhà văn “điển hình hóa” trong tiểu thuyết.

Qua cuộc rượu xuyên trưa hết sức tình cờ này, tôi mới biết rằng, những ngôi làng Kông Hoa ở Kbang vừa trải qua một mùa vui sau bao nhiêu mùa thất lỡ. Họ đang bày tiệc liên hoan, giống như người Kinh “cúng cơm mới”. Có khác chăng là họ đang “cúng mía mới”. Trần Đức Tánh, trưởng Trạm mía số 6 của Nhà máy đường An Khê “khoe” rằng vụ mía vừa qua, chỉ riêng trạm của anh đã mua của đồng bào Bahnar ở đây đến 60.000 tấn mía. Bình quân 400.000đ/tấn, người trồng mía vùng này đã có được 24 tỷ! Tôi vặn anh chàng trạm trưởng, mặt non choẹt: “Vấn đề không phải là bao nhiêu tỷ mà là số tiền ấy chia cho bao nhiêu người?”. Tánh gãi đầu, không trả lời mà đưa tay khoanh một vòng trước mặt: “Anh cứ nhìn toàn bộ vùng đất này thì khắc biết”. Theo tay Tánh chỉ, thấy toàn một màu xanh của mía. Điểm xuyết vào giữa màu xanh bạt ngàn ấy là lác đác những ngôi nhà mái ngói của người Bahnar. Tiếp lời Tánh là tiếng anh Quar: “ Mật độ dân số ở đây rất thưa thớt nên mỗi nhà trồng ít nhất cũng được vài hecta mía. Tôi bận túi bụi vì phải làm cán bộ xã mà vẫn trồng được 5 hecta mía kia đấy”. Xẹt nhanh trong đầu tôi là phép tính nhân của một người không biết làm kinh tế: “Nếu năng suất bình quân 50 tấn/ha, mùa rồi anh có 250 tấn mía, bán được một trăm triệu?”. Quar lại cười khà, rượu văng tung tóe: “Tính như nhà báo, tôi mua được cả … máy bay. Đúng là được một trăm triệu nhưng phải tính đầu vào đầu ra nữa chứ! Năm mươi năm mươi là đã thắng rồi, ngày xưa trồng bắp, múc lên đổ xuống thôi”. Khái niệm “múc lên đổ xuống” có nghĩa là hòa vốn. Chế thêm một ly nữa, Quar quên mất là mình đang ngồi trong cuộc rượu: “Mình nghĩ, muốn ổn định Tây Nguyên, không phải chỉ rót tiền ào ào vào là được mà phải tìm đường đi cho đồng bào. Chúng tôi loay hoay mãi với “cây gì, con gì”, giờ mới tìm ra cây mía!”. Đúng là cán bộ mặt trận có khác.

 

Nhà máy đường An Khê vào vụ. Ảnh: TĐ

 

Gập ghềnh mùa vui

Đang là mùa vui nhưng những ngôi làng Kông Hoa của đồng bào Bahnar vẫn gập ghềnh toan lo phía trước. Tôi kể ra điều này không biết nên vui hay nên buồn: Dù đang thắng lợi với mùa mía vừa rồi nhưng đi qua nhiều buôn làng, tuyệt nhiên tôi không nghe vang ngân của tiếng chiêng cồng quen thuộc. Những năm đi bộ đội ở Tây Nguyên, tôi từng chứng kiến cảnh say xỉn lu bù sau mỗi mùa vui. Cồng chiêng ầm vang không ngớt. Thế mà bây giờ đã bặt tiếng im hơi. Trưởng công an xã Kông Lơng Khơng-Đinh Phir nói rằng tiếng cồng chiêng mà tôi từng nghe hơn hai mươi năm trước, giờ được thay bằng tiếng xe máy hết rồi! Cách đây mấy năm, nhân bàn đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc có cảnh báo rằng, cơ chế thị trường có thể mang lại cho đồng bào Tây Nguyên nhiều thứ nhưng ngược lại nó cũng tước đoạt của họ nhiều thứ. Như tượng nhà mồ chẳng hạn, giờ là tiếng cồng tiếng chiêng. Đúng như Đinh Phir đã nói, tiếng xe máy -kết quả của hai năm liền được mùa mía dần chôn luôn cả tiếng chiêng từng gắn với đồng bào hàng bao đời nay!

Nhìn dưới góc độ kinh tế thì đấy là tín hiệu vui. Không vui sao được khi chỉ cần qua một vụ mía, mỗi nhà có thể sở hữu một chiếc xe máy. Quan sát nhà anh Đinh Hoan, Làng Lung xã Tơ Tung thì khắc biết: Năm 2006, anh trồng 1,2 hecta, lãi ròng 22 triệu, năm nay trồng tiếp 2 hecta nữa. Những vật dụng đắt tiền trong nhà như tivi, xe máy, đầu đĩa xịn… đều có cả. Nhà máy đường An Khê đang cắm chân trên vùng đất mà cả bốn huyện An Khê, Kbang, Đak Pơ, Kon Chơ Ro suốt mấy chục năm rồi không tìm lối ra cho người nông dân, giờ mới phát hiện ra cây mía, dẫu có muộn mằn nhưng vẫn hơn là đang đi tìm “cây gì, con gì”. Trên 400 ngàn tấn là số mía mà nhà máy đường này mua được của nông dân bốn huyện nói trên. Đây là con số “trong mơ” của tất cả các nhà máy đường có mặt ở miền Trung hiện nay. Đó là chưa kể Nhà máy đường Bình Định cũng mua của vùng An khê này khoảng gần 200.000 tấn mía nữa! Từ 80 xe tải chuyên chở mía năm 2002, nay toàn vùng mía đã có 800 xe do dân tự mua sắm. Tôi hỏi một cán bộ ở trạm thu mua mía: “Trong số 800 xe chở mía ấy, người Bahnar có được mấy chiếc?”. Anh ta lắc đầu: “Không có chiếc nào!”. “Gập ghềnh mùa vui” là vậy. Những gì căn cốt nhất của văn hóa Tây Nguyên đã dần khuất theo năm tháng nhưng kinh tế mà cũng chỉ dừng lại ở 22 triệu đồng/hecta thì “hẻo” quá!

Chia tay làng Kông Hoa của Anh hùng Núp trong tiếng sấm rền lẫn trong tiếng xe máy nổ giòn của đám thanh niên Bahnar. Ấy là lúc tôi biết mình vừa thoát ra khỏi trang sách.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vết thương không xếp hạng  (06/07/2007)
Ninh Thuận mảnh đất đậm đà những sắc màu văn hóa  (06/07/2007)
“Con rồng” Tây nguyên đang vươn mình cất cánh  (05/07/2007)
Quảng Nam: Phát hiện 116 con voọc chà vá chân xám  (04/07/2007)
Chia tay trong không gian truyền thuyết  (01/07/2007)
Miền Trung: Thủy sản chết hàng loạt  (01/07/2007)
Khai mạc lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”  (28/06/2007)
Ấn tượng cầu treo Buôn Đôn  (25/06/2007)
Làng nghệ nhân Đắk Wơk  (20/06/2007)
Chùa Thiên Mụ  (20/06/2007)
Miền Trung với bài toán về nhân lực  (17/06/2007)
Đất mở Quảng Nam  (12/06/2007)
Festival biển Nha Trang 2007: Lễ hội Caranaval “Đêm của biển”  (12/06/2007)
Dung Quất: Song hành cùng lọc dầu   (11/06/2007)
Miền Trung- Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư  (01/06/2007)