Từ núi Đọ cổ xưa đến thành Tư Phố cũ
13:29', 10/7/ 2007 (GMT+7)

Núi Đọ, sông Chu (Thanh Hóa)

Trên dải đất xứ Thanh có rất nhiều vùng đất cổ. Dọc theo triền sông Chu và sông Mã từ chân núi Đọ- một trong những cái nôi của loài người- đến đất Giàng xưa- là một vùng đất cổ với biết bao di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Nơi  đây là một quần thể văn hóa đang tôn tạo và phải được bảo vệ, gìn giữ và lưu truyền mãi mãi…

Núi Đọ- cái nôi của người nguyên thủy, với những truyền thuyết từ thuở hồng hoang, hư hư… thực thực… mộng mộng… ảo ảo… cứ đan xen nhau, cứ  chồng chất lên nhau suốt cả bề dày của nhiều thiên niên kỷ… Một “Bàn chân tiên” hằn sâu trên mặt phiến đá lớn- dấu tích sự có mặt của người xưa… một vùng đất mang tên “Cồn chân tiên” như vẫn còn phảng phất đâu đây những “Dấu chân tiên” còn in trên mặt đất. Biết bao  những dấu vết của người nguyên thủy vẫn còn lại cho đến ngày nay. Nhiều mảnh tước, rìu tay nằm rải rác ven sườn núi- vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Xuôi theo dòng sông Chu là dãy núi Trịnh và núi Vồm ở hai bên dòng sông đã tạo nên một trong 10 cảnh đẹp của “Bàn A thập cảnh”, “Khánh bằng liệt trướng” (núi Đại Khánh và núi Bằng Trình xếp giăng hàng như một bức trướng).

Núi Vồm- tên chữ là “Bàn A Sơn”- danh thắng đã được xếp hạng. Thế núi quanh co, đồ sộ, gắn liền với một nhân vật thần thoại khổng lồ: “Ông Vồm”. Ở đây, hiện thực và huyền thoại quấn quýt đan xen nhau như một ánh hào quang lung linh tỏa sáng, tô thắm cho đời ngày càng thêm đẹp.

Động tiên Bàn A Sơn có chùa Vồm dựng ngay ở chân núi với những kiến trúc cổ xưa. Trong chùa còn pho tượng Phật di đà được khắc vào vách đá và cũng là tường hậu của ngôi chùa. Lưng chừng núi còn có “Nguyệt tam cung” thờ Liễu Hạnh công chúa- một trong 4 vị thần bất tử của nhân dân.

Xuôi theo dòng sông, gặp Ngã Ba Đầu, nơi hợp lưu của dòng sông Chu và sông Mã, là địa danh  trong 10 cảnh đẹp của “Bàn A thập cảnh”, được coi như “Lương Mã song phàm” (hai cột buồm trên sông Chu và sông Mã) và “Cổ độ kỳ đình” (nhà treo cờ ở bến đò xưa) như vẫn còn vương vấn cho đến ngày nay…

Từ Ngã Ba Đầu, xuôi sông Mã ta gặp làng Giàng cổ bên hữu ngạn với cánh bãi xanh rờn. Nơi đây đã 2 lần là thành đô: Thành Tư phố trước và sau công nguyên và Trấn thành thời Lê- Trịnh- Tây Sơn.

Tư Phố là một trong 7 huyện của quận Cửu Chân thời thuộc Hán. Sách “Thủy Kinh chú” ghi: Quận Cửu Chân mở năm Nguyên Đỉnh thứ 6”-(110 trước công nguyên) đời Hán Vũ Đế, trụ sở là huyện Tư Phố” (theo “Đất nước Việt Nam qua các đời’- Đào Duy Anh-KHXH.1964 trang 39). Thành Tư Phố thời thuộc Hán, nằm trên đất Dương Xá ngày nay, bao gồm cả một vùng rộng lớn từ núi Vồm đến làng Giàng cổ. Vì vậy, trên sườn phía tây núi Vồm vẫn còn địa danh mang tên “Tây trấn thành” dưới chân núi có địa điểm xưa gọi là “Trạm Trung đồ”. Tại đây có rất nhiều hiện vật như vũ khí bằng đồng, đồ gốm Hán, tiền Ngũ thù… Đặc biệt, có nhiều ngôi mộ thời Tây Hán, cho phép giả định rằng trung tâm Tư phố vào buổi ấy đã rất phồn vinh…

Đến đầu thế kỷ thứ X, ở làng Giàng lại xuất một trang trại trù phú, đó là Áp Giàng của Dương Đình Nghệ, một hào trưởng, một võ tướng có thế lực trong vùng. Đây chính là trung tâm chính trị, quân sự của Châu Ái một thời. Đến triều đại Lê- Trịnh và Tây Sơn, nó trở thành “Trấn thành Thanh Hóa”. “Đại Nam nhất thống chí” ghi: Trấn thành cũ ở bãi sông Dương Xá, huyện Đông Sơn, từ nhà Lê đến Tây Sơn, trấn thành ở đấy (Tập II- trang 240 KHXH- 1970).

Ngày nay Trấn thành đã hoang phế, nhưng dấu tích của tòa thành và những địa danh có liên quan đến tòa thành thì vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhân dân. Điều quan trọng là sự hoạt  động thương trường của hai chợ lớn: chợ Vồm  ở phía trên và chợ Giàng ở phía dưới cạnh Ngã Ba Đầu, được liệt vào danh sách những chợ hàng đầu của Xứ Thanh (Đại Nam nhất thống chí, trang 246) với hai nghề truyền thống nặn nồi đất và đan cốt nứa. Ngày nay nghề nồi đất đã bị mai một, nhưng nghề đan cót vẫn còn được duy trì. Và  sự hoạt động của các bến sông ở đây rất náo nhiệt.

Một vùng đất cổ xưa, trải dài trên hai triền sông lớn của một quần thể văn hóa với những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng một vùng… vẫn còn vang vọng, vẫn còn là niềm tự hào của người dân núi Đọ, bến Giàng.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ở làng Kông Hoa  (09/07/2007)
Vết thương không xếp hạng  (06/07/2007)
Ninh Thuận mảnh đất đậm đà những sắc màu văn hóa  (06/07/2007)
“Con rồng” Tây nguyên đang vươn mình cất cánh  (05/07/2007)
Quảng Nam: Phát hiện 116 con voọc chà vá chân xám  (04/07/2007)
Chia tay trong không gian truyền thuyết  (01/07/2007)
Miền Trung: Thủy sản chết hàng loạt  (01/07/2007)
Khai mạc lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”  (28/06/2007)
Ấn tượng cầu treo Buôn Đôn  (25/06/2007)
Làng nghệ nhân Đắk Wơk  (20/06/2007)
Chùa Thiên Mụ  (20/06/2007)
Miền Trung với bài toán về nhân lực  (17/06/2007)
Đất mở Quảng Nam  (12/06/2007)
Festival biển Nha Trang 2007: Lễ hội Caranaval “Đêm của biển”  (12/06/2007)
Dung Quất: Song hành cùng lọc dầu   (11/06/2007)