|
Xích lô ở phố cổ Hội An |
Hình ảnh chiếc xích lô từ lâu đã khá thân thuộc với người dân Hội An và du khách. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xích lô là phương tiện vận chuyển chủ yếu, có ngày vận chuyển trên dưới nửa tấn quả từ Hội An đến các xã của huyện Điện Bàn. Đến đầu thập niên 90, đời sống kinh tế của người dân thị xã có phần khá hơn, khách du lịch đến tham quan ngày càng nhiều, nên dịch vụ xích lô trở nên thông dụng. Chính quyền thị xã giao cho Phòng quản lý đô thị tổ chức sắp xếp lại để phục vụ khách du lịch. Và tại Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 1997-1999, Đội xích lô Hội An ra đời. Lần lượt qua các kỳ đại hội, Đội xích lô Hội An được tổ chức hoạt động có nền nếp và quy củ hơn.
Năm 1999, khi các quần thể kiến trúc của Đô thị cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, loại hình dịch vụ này có phần lên ngôi. Lãnh đạo thị xã Hội An giao cho Liên đoàn lao động thị xã phối hợp với Phòng quản lý đô thị thống nhất thay đổi tên gọi và mô hình tổ chức hoạt động của đội xích lô. Cái tên Nghiệp đoàn xích lô Hội An ra đời từ đó. Đến nay, nghiệp đoàn có 102 lao động, chia thành 4 tổ. Các thành viên trong tổ phải đậu đỗ tại các bến bãi theo quy định, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho khách trong quá trình vận chuyển. Hoạt động theo phiên, theo chuyến. Hoạt động có nền nếp, hình ảnh người xích lô Hội An luôn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Dẫu không phải là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, nhưng du khách theo những chuyến xích lô tham quan phố cổ cũng hiểu được phần nào về lịch sử và văn hóa của một vùng đất qua hướng dẫn của những người hành nghề xích lô.
Đời sống mọi thành viên trong nghiệp đoàn tương đối ổn định, thu nhập bình quân từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nghiệp đoàn đã xây dựng nguồn quỹ khuyến học để khen thường những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Các thành viên trong nghiệp đoàn còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác…
Từ ngày thị xã thực hiện chủ trương phố cổ không có tiếng động cơ xe máy, xích lô là phương tiện vận chuyển chủ yếu và ngày càng “có giá” vì không gây ra ô nhiễm môi trường. Và càng có giá hơn qua các mùa lễ hội. Qua các mùa lễ hội nghiệp đoàn đã đưa du khách tham quan các làng nghề truyền thống như làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế. Du khách còn có dịp tự điều khiển những chiếc xích lô Từ Hội An lên Mỹ Sơn và ngược lại. Tại Lễ hội Quảng Nam: “Hành trình di sản” lần thứ 3 vừa qua, những chiếc xích lô với cờ hoa theo du khách nước ngoài về nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn khác trong và ngoài thị xã.
Trên những con phố Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Châu Trinh, đâu đâu cũng gặp những thành viên của nghiệp đoàn xích lô Hội An trong trang phục của mình với thư thế sẵn sàng phục vụ. Loại hình dịch vụ du lịch này đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và người Hội An đến với du khách xa gần. Kinh tế Hội An ngày càng phát triển trong đó có sự đóng góp rất lớn của du lịch. Và nghiệp đoàn xích lô góp phần giữ lửa cho văn hóa Hội An trường tồn. Hy vọng trong tương lai không xa Hội An sẽ có thêm danh hiệu Nghiệp đoàn xích lô văn hóa.
. Theo báo Quảng Nam |