|
Sơ đồ hướng tuyến Đường Trường Sơn Đông (ảnh: Báo Kinh tế nông thôn điện tử) |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 313/2007/QĐ-TTg về việc xây dựng trên 10.000 km tuyến đường tuần tra biên giới và trên 800 km đường Trường Sơn Đông đã tạo ra một cơ hội lớn cho phát triển kinh tế tại những vùng biên giới rộng lớn và khu vực nằm giữa Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh.
Hai dự án mang tầm quốc gia này có quy mô như thế nào, sẽ được vận hành ra sao và bao giờ sẽ được hoàn thành đang là sự mong mỏi của hàng chục triệu người dân trải dài trên địa bàn 28 tỉnh có dự án đi qua. Vấn đề đầu tiên là cơ chế thực hiện dự án. Theo ông Nguyễn Năng Nguyễn, Thứ trường Bộ Quốc phòng thì với tính chất đặc biệt quan trọng của hai dự án trên, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư và để thực hiện, Bộ đã giao hai Ban quản lý dự án 46 và 47 làm đại diện chủ đầu tư. Cũng giống như các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khác, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, các dự án trên cũng được tiến hành theo thông lệ: chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các thủ tục hoàn công sẽ được tiến hành bình thường. Dự kiến, đơn vị tư vấn giám sát cho hai dự án này là Công ty QCI (Cu Ba) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc, vấn đề còn lại là các bên hữu quan thỏa thuận chi phí tư vấn giám sát. Mặc dù cả hai dự án trên đều lấy mục tiêu chính là đảm bảo an ninh quốc phòng đường biên giới đất liền và khu vực miền Trung- Tây Nguyên, song nếu nhìn nhận trên góc độ phát triển kinh tế, thì các dự án có ý nghĩa to lớn trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế vùng và xóa đói, giảm nghèo cho hàng chục triệu người dân trong một vùng rộng lớn chậm phát triển so với vùng đồng bằng ven biển của cả nước.
Theo số liệu của Ban Quản lý Dự án 47 (Bộ Quốc phòng) Dự án đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 sẽ xây dựng trên 7.800 km đường ô tô (hầu hết là đường có bề mặt 3,5m trên nền 5,5 m, với 10 km cầu bê tông vĩnh cửu có tải trọng H 13-X60) trong tổng số trên 10.000 km của toàn dự án. Như vậy, toàn bộ những vùng mà ngành giao thông chưa thể vươn tay tới được trong công cuộc cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, như khu vực phía Nam đường số 7 (Tây Nghệ An), Mường Lát (Tây Thanh Hóa), cũng như các vùng dọc đường biên của các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang… sẽ có được một trục giao thông thông suốt và nối với hệ thống giao thông dự kiến sẽ được ngành giao thông xây dựng nối các trung tâm hành chính của các xã (cũng sẽ được hoàn thành cùng thời gian). Ngoài ra, tính đồng bộ của hàng loạt dự án cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên sẽ khiến bộ mặt của các địa phương dọc đường biên có những thay đổi cơ bản bằng sự khai thông về kinh tế và văn hóa. Các dự án trên sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế vùng, miền. Thực tế cho thấy, cả một khu vực rộng lớn phía Tây đất nước đã chính thức được thay đổi khi Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được triển khai và đưa vào sử dụng. Khu vực nằm ở vị trí lọt giữa Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh cũng sẽ có một vị thế tương tự khi Dự án Đông Trường Sơn được triển khai. Theo Ban quản lý Dự án 46 thì sự liên thông giữa các hệ thống này với các quốc lộ 14B, 14E, 24, 19, 25, 26 sẽ tạo bước đột phá cho 7 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đăk Lắk, Lâm Đồng phát triển kinh tế. Và chắc chắn sẽ có một vùng đất rộng lớn được “đánh thức” tiềm năng và hàng chục triệu người dân sẽ thoát nghèo từ một chương trình lớn của Chính phủ.
. Theo báo Đăk Nông
|