Huyền thoại Trường Sơn
17:44', 25/7/ 2007 (GMT+7)

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: VNN

Tháng 7, trời Quảng Trị nắng như đổ lửa. Từ  thị xã Đông Hà, qua con đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, dọc theo Quốc lộ 9 lịch sử, chúng tôi hành hương về với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Cái nóng ran của cơn gió Lào làm khô rạc cả du khách lẫn người dân nơi đây.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm trên khu vực đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nghĩa trang liệt sĩ Quốc  gia lớn nhất, quy tập phần mộ các thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến v.v… những người đã xây dựng và chiến đấu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự thanh thản của cuộc sống được tìm thấy tại nơi đây, nơi mà hơn mười ngàn nấm mộ nằm sát bên nhau, họ vẫn sát vái nhau như những tháng ngày oanh liệt năm xưa. Hơn mười ngàn bước chân xẻ dọc Trường Sơn, hơn mười ngàn đôi vai từng gánh vác Trường Sơn, giờ là hơn mười ngàn nấm mộ nằm kiêu hãnh giữa đại ngàn Trường Sơn.

Cái nắng của vùng đất Quảng Trị, nắng đến cháy da cháy thịt, vậy mà cái nắng ấy không làm khô nổi dòng nước mắt của mỗi người khi đặt chân lên vùng đất đại ngàn này.

Lặng lẽ đến tái tê khi anh Hồ Tất Ái, trưởng Ban quản lý nghĩa trang kể về những cuộc viếng thăm đầy xúc động, dòng người lắng sâu vào trong cảm xúc khi  được chứng kiến những mảnh đời khác nhau, những tiếng khóc cũng thống thiết khác nhau qua từng số phận.

Mẹ 89 tuổi, từ Hà Tĩnh vào nghĩa trang tìm con, run rẩy tay gầy, chỉ còn một bên mắt nhìn được lờ mờ, bước đi của mẹ phải nhờ tới cán bộ quản trang và những thanh niên tình nguyện nơi đây. Tiếng mẹ gọi con như thuở nào còn ấu thơ. “Q…ơi! Mẹ đây, mẹ đến với con trai mẹ đây!". Nụ cười móm mém, mẹ nhào ra phía trước mà quên rằng đang có người dìu mình. Cán bộ quản trang và những thanh niên tình nguyện lập tức tỏa đi tìm ngôi mộ liệt sĩ có cái tên “Q” theo địa chỉ mà mẹ đưa, đó là một mảnh giấy đã bị gấp nát, chắc chắn nó đã được mẹ mở ra rồi lại ngậm ngùi gấp lại không biết bao nhiều lần rồi. Một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua mà cái tên và địa chỉ ấy cũng chẳng thấy đâu, mẹ bật khóc, tiếng khóc của bà mẹ bị lạc con ngày nào giờ là tiếng khóc của bà mẹ bị mất con, mất luôn cả nắm xương tàn còn lại… những tiếng nấc ngân vang giữa không gian im ắng, từng khúc ruột quặn đau… Bức tượng bà mẹ tiễn con đi chiến đấu được đặt gần đó như cũng chuyển mình rưng rưng…

Chiến tranh đã qua đi, vết tích chiến tranh cũng đã lùi xa vào dĩ vãng. Còn lại đau đáu những nỗi nhớ, niềm thương. Đến nơi đây, giá trị của hạnh phúc sao mà thấm thía đến thế. Mỗi con người như bé lại trước vùng đất lửa đạn, trước những giá trị nhân văn cao đẹp của thế hệ: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Trời đã về chiều, cái chang chang của nắng cũng nhạt dần sau dãy Tây Trường Sơn. Thắp một nén nhang để giã từ những người con yêu của Tổ Quốc, chân bước đi mà lòng trĩu nặng. Chiếc xe chầm chậm chuyển bánh, rồi bất ngờ vút đi nhanh hơn như thoát khỏi nỗi bịn rịn, bỏ lại đằng sau một làn khói mờ hòa trong không gian tĩnh lặng của cõi vĩnh hằng.

. Theo Nhà báo và công luận

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dịch cúm gia cầm, heo tai xanh "náo loạn" miền Trung  (24/07/2007)
Cơ hội cho kinh tế vùng, miền  (22/07/2007)
Trên đại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất  (18/07/2007)
Thành lập Cảng vụ hàng không miền Trung  (18/07/2007)
Xích lô Hội An  (15/07/2007)
Không ngừng bước chân đi tìm mộ liệt sĩ  (12/07/2007)
Từ núi Đọ cổ xưa đến thành Tư Phố cũ  (10/07/2007)
Ở làng Kông Hoa  (09/07/2007)
Vết thương không xếp hạng  (06/07/2007)
Ninh Thuận mảnh đất đậm đà những sắc màu văn hóa  (06/07/2007)
“Con rồng” Tây nguyên đang vươn mình cất cánh  (05/07/2007)
Quảng Nam: Phát hiện 116 con voọc chà vá chân xám  (04/07/2007)
Chia tay trong không gian truyền thuyết  (01/07/2007)
Miền Trung: Thủy sản chết hàng loạt  (01/07/2007)
Khai mạc lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”  (28/06/2007)