NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27.7):
Có một “đại đội đòn gánh” trong chiến tranh
19:52', 26/7/ 2007 (GMT+7)

Đều là những cô thôn nữ tuổi đôi mươi, họ bước vào cuộc chiến vệ quốc theo tiếng gọi của lý tưởng cao cả. Những chiến tích thời thanh xuân họ lập nên đến nay vẫn còn in sâu tâm trí nhiều người. Trở lại làng quê sau ngày đất nước thống nhất với những khát khao bình dị, mỗi người mỗi số phận bước tiếp hành trình dựng xây mái ấm gia đình. Không ít nỗi niềm vẫn vây kín cuộc đời các nữ anh hùng chân đất từng tham gia vào quân đội mà người dân thuở ấy quen gọi bằng một cái tên thật dân dã: đại đội đòn gánh!

 

Một số thành viên đại đội Hồng Gấm trong chiến tranh. (Ảnh TL của ĐP)

 

Ký ức thời gian

Một ngày tháng 7. Tôi tìm gặp đại tá về hưu Võ Công Cự để rõ hơn hoàn cảnh ra đời của "đại đội đòn gánh". Thời trẻ từng kinh qua chức Chính trị viên huyện đội Đức Phổ, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhưng trông ông đại tá về hưu này hết sức giản dị. Căn nhà sát bên Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi mà gia đình ông đang cư ngụ lúc nào cũng đông vui với sự góp mặt của nhiều cựu chiến binh. Họ gần nhau bây giờ không phải để vạch ra “kế hoạch tác chiến” mà là cùng đánh cờ tướng, thư thả uống trà. Ông Cự như trẻ lại khi kể về những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Đức Phổ mà ông từng kề vai sát cánh trong hàng loạt trận đánh. Nơi mảnh đất này, không chỉ có anh hùng-bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh cả cuộc đời mình gắn bó với đồng bào, với cách mạng mà còn là quê hương sinh tử của những nữ chiến sĩ "đại đội đòn gánh". 

Những năm chiến tranh, Đức Phổ (Quảng Ngãi) là vùng đất cách mạng, là cửa khẩu cung ứng lương thực, thuốc men cho lực lượng kháng chiến. Nhiều người dân nơi này vẫn còn ám ảnh bởi sự chết chóc do B52 rải thảm khắp nơi, từ vùng đồi núi đến tận ruộng vườn, nhà dân. Phía địch tìm đủ mọi cách đánh chiếm Đức Phổ để làm bàn đạp tấn công và phong tỏa đường tiếp tế vào căn cứ quân ta ở phía tây Quảng Ngãi, chia cắt chiến trường Khu 5. Đại đội 219 và 120 là lực lượng nòng cốt của ta lúc ấy ở Đức Phổ. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, có thời điểm quân số chỉ còn lại vài chục người. “Trước tình hình hết sức khó khăn này, Huyện ủy Đức Phổ sáng kiến tổ chức trại Xuân Hè 1972 để kêu gọi, động viên thanh niên địa phương lên khu căn cứ, gia nhập hàng ngũ chiến đấu. Việc xây dựng lực lượng lúc này được đặc biệt quan tâm. Trong đợt vận động ấy, nhiều cô gái tuổi đời còn rất trẻ tình nguyện xung phong ra chiến trường. Anh em hồi đó suy nghĩ nếu gộp chung vào đại đội nam thì sẽ nảy sinh phiền hà, chuyện nội bộ phái mạnh phái yếu lắm lúc lại ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, sức chiến chiến của từng người. Sau một thời gian bàn bạc, tính toán thận trọng, Hội nghị quân chính của tỉnh đã quyết định thành lập hẳn một đại đội nữ. Từ cấp chỉ huy cho đến chiến sĩ, liên lạc viên đều là “tóc dài”, đại tá Võ Công Cự nhớ lại.

... Ngày 22.2.1972, tại khu rừng dưới chân dốc Ba Hầm, đại đội chính thức được thành lập với hơn 60 cô thôn nữ, trực tiếp cầm súng tác chiến. Sao lại gọi là đại đội đòn gánh?, tôi hỏi. Ông Cự lý giải: “Chuyện cái tên cũng khiến nhiều anh em trăn trở lắm. Lúc đầu định đặt tên của nữ anh hùng dân tộc trong buổi đầu lịch sử Trưng Trắc - Trưng Nhị. Sau đó, ý kiến thống nhất đặt tên Hồng Gấm (tên của nữ anh hùng Nam Bộ Lê Thị Hồng Gấm) cho gần gũi, dễ nhớ. Chị em chiến đấu hết sức kiên cường; bám dân, bám địa bàn để chống các trận càn quét dữ dằn của địch. Người dân Đức Phổ kính nể lắm. Vì không biết tên chính thức, họ cứ gọi là đại đội đòn gánh. Gọi miết rồi thành quen luôn”.

 

... và bây giờ. (Ảnh TL của ĐP)

 

Năm tháng không quên

Nhiều chị trong đại đội đòn gánh ngày ấy giờ đã toan về già. Năm tháng phôi pha, họ lặng lẽ sống qua gần hai phần ba cuộc đời của mình. Nhiều chị thủ thỉ không hiểu sao ngày ấy mình lại dũng cảm đến thế. Trong điều kiện khó khăn về phương tiện quân trang, quân dụng thế mà cả đại đội vẫn đánh ngang ngửa, tiêu diệt kẻ thù. Chỉ trong 4 năm tồn tại (sau ngày đất nước thống nhất, đại đồi giải thể), đại đội Hồng Gấm được tặng thưởng 3 huân chương chiến công, 2 cờ quyết thắng cùng nhiều bằng khen của Quân khu và của Tỉnh ủy Quảng Ngãi...

Dũng sĩ diệt Mỹ, chị Trịnh Thị Mai trong hàng ngũ đại đội đòn gánh ngày ấy giờ là mẹ của 3 kỹ sư và 1 cử nhân. Chị Mai là một trong số ít người may mắn tạo dựng được mái ấm gia đình, có con cái đề huề khi rời khỏi cuộc chiến trở lại quê nhà ở xã Phổ An. Chồng của chị Mai cũng là một đại tá về hưu. Họ đã yêu thương và cưới nhau giữa những lúc gian khó nhất. Đến nay chị vẫn còn mang thương tật từ cuộc chiến. Cũng như những đồng đội cũ, chị Mai lưu giữ ký ức hào hùng qua muôn nẻo đường mưu sinh. Ánh mắt chị rạng ngời kể lại những kỷ niệm chiến đấu: “Hồi đại đội mới thành lập, nhiều người không biết cầm súng, chỉ qua mấy bận luyện tập, thế mà đã xung phong ra trận địa. Bắn mục tiêu cố định thì dễ, nhưng trong các trận càn, quân địch di chuyển ngang dọc nhiều khi làm chị em hoa cả mắt. Đạn dược ít lắm. Có trận đánh chỉ được trang bị 20 viên. Bóp cò cú nào phải thắng chắc cú đó, chứ địch đến gần mà súng hết đạn thì nguy - Chị Mai bất chợt cười dòn, kể tiếp - Có nhiều khi không cầm súng gì trọi, chị em mặc bộ đồ bà ba, tay quảy thúng mủng thong dong như dân thường đi chợ. Mấy anh lính rằn ri thấy chị em xinh đẹp lại dở trò lăng nhăng. Chờ lúc bọn chúng sơ suất, chị em nhanh tay “khai hỏa” các quả mìn tự tạo mang theo sẵn rồi tìm cách thoát chạy vào hậu cứ”.

Từ ý nghĩa đặc biệt và thành tích của đại đội Hồng Gấm, Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã có đề nghị Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trước đó, có 8 liệt sĩ, 36 thương binh từng tham gia đại đội Hồng Gấm được công nhận.

Chị Mai nhớ nhất là trận đánh “ra mắt” ở địa bàn xã Phổ Thuận (Đức Phổ) trong chiến dịch 1972. Đại đội đòn gánh phối hợp với đại đội 120 phục kích, chặn đánh 1 đại đội bảo an của địch đi mở đường theo QL 1A. Địa hình phục lót dưới đồng ruộng đầy cỏ lùng và đỉa trong khi chị em chỉ vận quần đùi. Đỉa bám hút máu liên hồi nhưng "đại đội đòn gánh" vẫn cứ kiên trì bám trụ từ 4 giờ đến 9 giờ sáng, tiêu diệt hàng chục tên địch lăm lăm tay súng. Ông Võ Công Cự kể thêm một chi tiết về chiến công của đại đội đòn gánh: “Với loại pháo cối, người sử dụng cần phải có trình độ để tính toán định vị mục tiêu chính xác. Chị em Hồng Gấm có người không biết chữ mà vẫn ngắm bắn trúng mũ sắt của địch khiến bọn chúng tán loạn. Anh em tụi tui cứ luôn miệng khen: “Mấy em đòn gánh quả là tài thật!”. Có khi chị em bắn cối 60 ly lọt lô cốt. Ngay cả với đại đội nam hồi đó, làm được như thế đâu dễ có mấy ai”. Ông Cự bảo, trong chiến tranh, Hồng Gấm là đại đội nữ bộ binh đầu tiên không chỉ của Khu 5 mà là của cả nước. Nữ thanh niên xung phong ở khắp 3 miền cầm súng chiến đấu thì nhiều, không kể xiết; nhưng độc lập tác chiến với tư cách một đại đội "tóc dài" như Hồng Gấm là chuyện rất ư đặc biệt, xưa nay hiếm.

 

Chị Trịnh Thị Mai, dũng sĩ diệt Mỹ lúc tham gia đại đội Hồng Gấm. (Ảnh TL của ĐP)

 

Thời chiến tranh, cố đạo diễn Trần Minh Đại là phóng viên chiến trường năng nổ, từng lăn lộn khắp các trận địa Khu 5. Theo lời kể của nhiều thành viên đại đội, lúc đó ông đã trực tiếp ghi lại cảnh sống, chiến đấu ác liệt của đại đội Hồng Gấm suốt thời gian gần một năm gắn bó. Đáng tiếc là những thước phim sống động về những năm tháng không thể nào quên sau đó đã bị thất tán trên đường hành quân. Trước khi ra đi lần cuối, vào năm 2003, cố đạo diễn Trần Minh Đại đã có dịp trở về Đức Phổ tìm gặp những cô thôn nữ kiên trung, bất khuất thuở nào để thực hiện ước nguyện làm lại bộ phim tài liệu Những cánh chim Hồng Gấm mà ông ấp ủ đằng đẵng 30 năm. Nỗi nghẹn ngào ngày hội ngộ đã khiến nước mắt chảy dài trên khuôn mặt mỗi cựu chiến binh. Có người đến nay vẫn côi cút, lẻ loi sớm khuya chong đèn “một mình dọn một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch”.

Chúng ta đã kinh qua một cuộc chiến tranh vệ quốc huyền thoại. Có những sự hy sinh cũng đã trở thành huyền thoại không thể phai nhòa. Giữa lúc đạn bom, 8 cô thôn nữ anh hùng trong đại đội đòn gánh đã vĩnh viễn gửi tấm thân xuân sắc vào lòng đất mẹ. Mỗi ngày xuân, mỗi dịp kỷ niệm, đồng đội còn sống vẫn thường đến nghĩa trang Đức Phổ thắp nén tâm hương. Mỗi lần như thế, họ lại ngân lên lời thơ mà cả đại đội cùng viết trên chiến trường xưa cũ: Nước mắt quê hương đã thấm ướt/ Hôm nào đăng bóng em lại cười nhỏ nhẹ/ Chắc anh cũng thầm thương cô gái trẻ/ Bước theo chân chị Hồng Gấm anh hùng/ Đội tóc dài trên đất mẹ kiên trung/ Mang trái tim biết bao điều mơ ước/ Cho quê hương mình trọn một mùa xuân...

  • Đình Phú
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huyền thoại Trường Sơn  (25/07/2007)
Dịch cúm gia cầm, heo tai xanh "náo loạn" miền Trung  (24/07/2007)
Cơ hội cho kinh tế vùng, miền  (22/07/2007)
Trên đại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất  (18/07/2007)
Thành lập Cảng vụ hàng không miền Trung  (18/07/2007)
Xích lô Hội An  (15/07/2007)
Không ngừng bước chân đi tìm mộ liệt sĩ  (12/07/2007)
Từ núi Đọ cổ xưa đến thành Tư Phố cũ  (10/07/2007)
Ở làng Kông Hoa  (09/07/2007)
Vết thương không xếp hạng  (06/07/2007)
Ninh Thuận mảnh đất đậm đà những sắc màu văn hóa  (06/07/2007)
“Con rồng” Tây nguyên đang vươn mình cất cánh  (05/07/2007)
Quảng Nam: Phát hiện 116 con voọc chà vá chân xám  (04/07/2007)
Chia tay trong không gian truyền thuyết  (01/07/2007)
Miền Trung: Thủy sản chết hàng loạt  (01/07/2007)