|
Lễ hội cầu ngư của ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Bình Thuận ngày nay) |
Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP.Hồ Chí Minh vừa ký kết, kỳ vọng sẽ tạo ra khu tam giác năng động lực tăng trưởng ngành “công nghiệp không khói” của vùng.
Theo ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận thì việc Bình Thuận chọn TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng mà không phải địa phương nào khác để hợp tác liên kết phát triển là vì dựa trên điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tiềm năng thế mạnh về du lịch của 3 địa phương. Việc liên kết hợp tác để hình thành tam giác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh- Lâm Đồng- Bình Thuận theo tuyến quốc lộ 20, quốc lộ 28 và quốc lộ 1, sẽ tạo ra chương trình liên kết đặc thù theo hướng du lịch sinh thái biển- du lịch tham quan mua sắm, du lịch văn hóa- lịch sử- cách mạng, du lịch MICE và du lịch chữa bệnh. Tam giác du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng, sẽ trở thành tam giác động lực tăng trưởng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy sự hợp tác liên kết phát triển du lịch của 3 địa phương là tất yếu, chứ không phải Bình Thuận lựa chọn. Tuy tiềm năng thế mạnh du lịch của các địa phương đã khẳng định từ lâu, nhưng cho đến bây giờ mới ký là xuất phát từ nhu cầu thực tế phải đa dạng về sản phẩm, phong phú về dịch vụ, nhằm phục vụ du khách hoàn hảo. Đặc biệt kể từ khi gia nhập WTO, hình ảnh du lịch nước ta đã được du khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn, trong đó tam giác cần được xác định là một trong những khu vực trọng điểm, ưu tiên phát triển của du lịch Việt Nam vào những năm tới. Bởi TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội và là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đây là thị trường lớn về du lịch của Lâm Đồng cũng như Bình Thuận. Đối với thành phố Đà Lạt cũng là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng với khí hậu quanh năm mát mẻ. Nơi đây lại có nhiều danh thắng quốc gia, có thế mạnh phát triển các tour du lịch đặc thù như du lịch hoa, du lịch văn hóa cồng chiêng, du lịch văn hóa trà… Riêng thành phố Phan Thiết có tiềm năng về các loại hình du lịch sinh thái biển, thể thao trên biển và đã hình thành hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ biển. Bên cạnh, du lịch địa phương còn gắn kết với các lễ hội truyền thống như lễ hội Trung Thu, nghinh Ông, lễ hội cầu ngư, Bình Thuận Hội tụ xanh và loại hình văn hóa Chăm đặc sắc.
Chương trình hợp tác liên kết xúc tiến trên lĩnh vực quảng bá, tuyên truyền. Các hoạt động này triển khai chung cho 3 địa phương, và mang tính tập trung gắn kết có chọn lọc, nhằm giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc thù có chất lượng tốt nhất của mỗi địa phương. Tiếp nữa, 3 địa phương sẽ hợp tác liên kết về các sản phẩm du lịch và kêu gọi đầu tư. Trong đó xác định các dự án trọng điểm cần đầu tư phục vụ du lịch gồm: khu du lịch, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, các dịch vụ bổ sung, vui chơi giải trí…Một nội dung không thể thiếu còn là hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của ngành ngày mỗi chuyên nghiệp hơn.
Chương trình hợp tác liên kết sẽ mở ra cơ hội cho khu tam giác du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP Hồ Chính Minh sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức. Qua đó sớm hình thành vùng du lịch năng động và đa dạng không chỉ trong nước mà còn mang tầm khu vực. Và đây là điều kiện thuận lợi để khu tam giác du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP Hồ Chí Minh mở rộng thị trường, hấp dẫn nhà đầu tư lớn ngoài nước và thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế.
. Theo báo Bình Thuận
|