|
Thuyền vạn đò TP.Huế đã được chằng buộc kỹ, tránh va đập khi bão đến. |
Cùng với việc kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn, các tỉnh duyên hải miền Trung đã sẵn sàng phương án di dân khỏi các vùng triều cường, lũ quét và hàng vạn lồng tôm trên biển.
Phú Yên: Sơ tán 1.000 hộ dân vùng triều cường
16h chiều 4.8, BCH Quân sự tỉnh cũng đã điều một đại đội sẵn sàng cơ động với các thiết bị cần thiết. Mỗi huyện cũng chuẩn bị 1 đại đội dân quân cơ động, một đến hai xuồng cao tốc để hỗ trợ dân tránh bão. Đồng thời dự trữ tại kho của Tỉnh đội 80 nhà bạt, 800 phao tròn cùng 1.500 áo phao để hỗ trợ các địa phương trong những tình huống khẩn cấp.
Ngành Công an cũng đã chuẩn bị lực lượng cơ động để xử lý sự cố các tuyến giao thông nếu xảy ra ách tắc.
Điều quan trọng nhất trong lúc này là chuẩn bị các phương án di dời dân ở các vùng xung yếu. Phú Yên có gần 1.000 hộ dân trong vùng triều cường cần được di dời tại một số địa phương An Phú (TP Tuy Hòa) An Hòa, An Hải,An Ninh Tây (huyện Tuy An), Xuân Hải, Xuân Thịnh huyện Sông Cầu. Các địa phương này nằm ở hạ lưu các sông lớn, kết hợp với triều cường trong các trận bão những năm trước đã bị bị uy hiếp nghiêm trọng.
Các lực lượng cơ động của tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực sẵn sàng giúp dân di dời đến nơi an toàn. Lực lượng BCH Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì chế độ trực 24/24 và cơ động quân số đến những nơi nguy hiểm.
Ngoài ra các địa phương và lực lượng chức năng sẵn sàng cơ động để có thể di chuyển hơn 1.000 lao động đang ở trên 2.700 lồng tôm vào nơi an toàn, nhất là khu vực huyện Sông Cầu, vùng có khả năng ảnh hưởng lớn bão số 2.
Theo Sở Thủy sản Phú Yên, 2 huyện Tuy An và Sông Cầu hiện có 2.00 lồng bè tôm hùm và cá; 650 ha diện tích hồ nuôi tôm sú đang giữa vụ 2 có khả năng bị ngập.
Thông tin từ các địa phương tỉnh Phú Yên cho biết, một số ngư dân vẫn cho tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ vì chủ quan cho rằng mùa này bão khó đổ bộ vào vùng biển miền Trung. Ngày 4.8, lực lượng biên phòng Phú Yên đã ngăn chặn 20 tàu đánh cá với 75 lao động xuất bến.
Quảng Nam: Di dân khỏi 100 điểm sạt lở nặng
Tính đến 17h30 chiều 4.8, mọi phương án phòng chống bão đã được chính quyền địa phương các cấp tại Quảng Nam triển khai đồng bộ. Đặc biệt tại các huyện ven biển, vùng ven sông, vùng ngập lụt phương án di chuyển dân đã được chuẩn bị sẵn sàng để đề phòng nước dâng cao.
Đáng lo ngại là tại địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, tình trạng sạt lở đất đã xảy ra khi có mưa lớn. Tại hàng trăm điểm sạt lở tại địa bàn 6 huyện miền núi cao, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời dân.
Ngay tại các khu tái định cư nhà máy thủy điện A Vương thuộc hai huyện Đông Giang và Tây Giang, đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đời sống và an toàn tính mạng của bà con.
Vì vậy, đến chiều 4.8, công tác di dời số hộ dân tại các khu tái định cư này đến nơi an toàn đã được triển khai xong.
Tại vùng ven sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng hạ lưu thường xảy ra ngập lụt, phương án sơ tán dân cũng đã hoàn tất. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện điều động hàng trăm phương tiện để chuẩn bị di chuyển dân khi có lệnh.
Ông Bríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định, huyện không lo chuyện bão, nhưng lo ảnh hưởng của bão sẽ có mưa lớn phát sinh lũ quét và ách tắc giao thông lên địa bàn các xã vùng cao. Vì vậy, cách đây mấy ngày, huyện đã vận chuyển lương thực, thực phẩm dự trữ lên các xã vùng cao để đề phòng mưa lớn xảy ra tắc đường.
Đến 17h chiều ngày 4.8, Đại tá Lê Thanh Tùng cho biết, toàn bộ tàu thuyền của bà con ngư dân Quảngđã vào nơi trú ẩn an toàn. Một số tàu ngoài khơi đã được hướng dẫn tránh bão và thường xuyên nối liên lạc với trung tâm tìm kiếm cứu nạn mỗi giờ 1 lần.
TT-Huế: Khoanh"điểm đen" lũ quét để di dân
Rút kinh nghiệm từ những cơn bão lớn trong năm 2006, TT-Huế rà soát lại các phương án di dân ra khỏi những vùng xung yếu ven biển, và những nơi có nguy cơ ngập nặng.
Tại huyện Phú Lộc, các thôn ven biển thuộc các xã Vinh Hiền, Lộc Bình, Thị Trấn Lăng Cô và các xã ven biển vùng khu 3 đã bố trí lực lượng dân quân tự vệ giúp dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các phương tiện để di dân đến chỗ an toàn khi có lệnh.
Tại hai huyện miền núi Nam Đông và Alưới, hiện nay đang có mưa rất to (lượng mưa trung bình trên 70mm). Việc di dân ra khỏi các vùng có khả năng chịu lũ quét được đặt lên hàng đầu. Lực lượng Bộ đội biên phòng, quân đội, công an và dân quân tự vệ được lệnh ứng trực tại những vùng xung yếu để sẵn sàng di dân.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet sáng 5.8, nước sông Hương đã dâng cao sau một ngày mưa to. Một số đường nội thành TP.Huế như: Đống Đa; Nguyễn Huệ; Bến Nghé; Trần Quang Khải; Hùng Vương...đã bị ngập nước. Các phương tiện đi lại rất khó khăn.
Cũng trong sáng cùng ngày, các thuyền chài trên sông Hương đã tập trung về nơi an toàn. Đặc biệt, tại phường Phú Hậu - nơi tập trung rất nhiều thuyền vạn đò, lực lượng công an phối hợp cùng nhân dân chằng néo thuyền kỹ các thuyền để tránh va đập khi bão đến.
Đà Nẵng: Chằng kỹ nhà cửa, trữ sẵn lương thực
Rút kinh nghiệm hậu quả bão Chanchu, bão Xangsane năm ngoái, từ sáng đến tối 4.8, ngư dân Đà Nẵng tất bật chuẩn bị "đón" bão.
Hàng trăm ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang (Sơn Trà), Xuân Hà, Thanh Khê 1, Thanh Khê 2 (Thanh Khê) và Hòa Hiệp Nam , Hòa Hiệp Bắc, Hòa Minh (Liên Chiểu) cùng người già, trẻ nhỏ đã tập trung ra bờ biển, dùng đòn bẩy hè nhau đưa những con thuyền nặng hàng tấn lên bờ trú bão.
|
Người dân ven biển Đà Nẵng chèn chống lại nhà cửa, đề phòng bão số 2 đổ bộ. |
Tối 4.8, hàng trăm tàu thuyền, thúng máy và ngư lưới cụ đã được đưa lên chật kín đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, đường Nguyễn Tất Thành...
Ghi nhận tại quận Sơn Trà cho thấy, phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân chủ yếu là tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ. Tuy thời tiết chưa đến mức lo ngại nhưng đến cuối giờ chiều đã có 100% tàu thuyền của ngư dân phường Mân Thái được đưa lên bờ tránh bão. Các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc… cũng đã đưa phần lớn tàu thuyền của ngư dân vào bờ.
Không quá âu lo như khi xảy ra siêu bão Xangsane song việc phòng chống bão số 2 đổ bộ của người dân Đà Nẵng cũng đang khá tích cực. Đặc biệt ở vùng ven biển, bà con đã chuẩn bị những thứ cần thiết cho “cuộc chiến với bão” như: mì tôm, dầu, muối mắm, chăn màn... Các hàng quán ven biển bắt đầu thưa vắng khách. Chủ các nhà hàng, hàng quán tức tốc mua dây thép, cây gỗ chèn níu nhà cửa và tháo dỡ những lều bạt có nguy cơ bị gió cuốn bay...
Số vật tư như bao tải, dây thép... sắm từ năm ngoái để phòng chống bão Xangsane, Cimaron nay được đem ra tận dụng. Các bao tải chứa đầy cát lại được hối hả chất lên nhiều mái nhà. Anh Võ Sơn ở tổ 11B Lộc Phước, Thọ Quang vừa dùng dây thép néo lại mái tôn vừa nói: “Mái nhà của tui năm ngoái bị bão Xangsane lột hết trơn, nên bây giờ nghe có bão là vợ hối thúc leo lên néo lại cho chặt. Cẩn trọng vẫn hơn, lỡ bão có đổ thẳng vào Đà Nẵng thì cũng bớt lo!”.
Tin mới nhất từ BCH Phòng chống lụt bão Đà Nẵng cho biết, thông qua Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và một số phương tiện liên lạc tại các địa phương đã kịp thời gọi 308 tàu đang đánh bắt trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão trở về nơi neo đậu an toàn.
Phần lớn số tàu còn lại đã nắm được thông tin về bão số 2, đang trên đường trở về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn.
Đà Nẵng đang có những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2. Một số tuyến đường, khu dân cư bị ngập úng cục bộ. Cùng với những nỗ lực kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ hoặc chủ động tìm nơi tránh bão, công tác phòng chống bão trên đất liền cũng bắt đầu khẩn trương hơn.
Ông Nguyễn Xuân An 65 tuổi ở làng chài Hà Đông (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho rằng, bão trên biển Đông vào mùa hè rất có ích vì đem mưa giải hạn cho vùng biển miền Trung.
Mặc khác, theo kinh nghiệm của một người gắn bó cả đời với biển như ông thì những cơn bão đầu mùa như thế này thường ít có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng mà chủ yếu đi vào khu vực Phú Yên - Quảng Ngãi hoặc đi chếch ra phía Bắc, đổ vào khu vực TT - Huế đến Quảng Bình.
. Theo VNN
|