Đêm âm nhạc vì nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi:
Khi âm nhạc lên tiếng vì nạn nhân da cam
17:39', 6/8/ 2007 (GMT+7)

45 triệu lít chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống một nửa đất nước ta, 25.500 thôn bản ở miền Nam Việt Nam bị rải chất độc trong suốt gần 15 năm chiến tranh, khoảng 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam ở thế hệ thứ nhất và thứ hai, hơn nghìn em bé Việt Nam thuộc thế hệ thứ ba bị di chứng của chất độc này. Những con số khô khan khách quan đã dấu phía sau chúng những nỗi đau không thể tưởng tượng!

 

Giao lưu âm nhạc vì nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi.

 

Trong hàng vạn hàng vạn gia đình Việt Nam ở cả ba miền Nam - Trung - Bắc, cuộc chiến tranh của Mỹ vẫn còn tiếp diễn với tất cả những đau thương lặng thầm sau khi hòa bình lập lại đã 32 năm. Chị Hồng và anh Quí-hai nạn nhân chất độc da cam vừa tham gia đoàn nạn nhân da cam Việt Nam sang Mỹ khiếu kiện trước tòa án Mỹ và đã qua đời ngay sau khi trở về Việt Nam-chỉ là hai nạn nhân được biết tới trong số hàng vạn nạn nhân da cam đã chết lặng lẽ khuất lấp. Đất nước chúng ta, nhân dân chúng ta chịu quá nhiều nỗi đau, nhưng không nỗi đau nào dai dẳng, khủng khiếp, truyền đời truyền kiếp như nỗi đau da cam. Quảng Ngãi, một tỉnh nhỏ, là một trong những chiến trường ác liệt nhất thời chiến tranh chống Mỹ, hiện có hơn 16 nghìn nạn nhân chất độc da cam. Đa số họ đang có một cuộc sống hết sức khó khăn, họ là những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Hội nhạc sĩ Việt Nam vào cuộc                

Trong hai năm liền, Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi đã đứng ra phối hợp cùng Hội nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi tổ chức “Đêm âm nhạc vì nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi”. Năm ngoái, là đêm diễn của Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen (tp HCM), còn 1.8 năm nay là đêm giao lưu âm nhạc đầy xúc động với các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân-Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Tôn Thất Lập- phó chủ tịch Hội, nhạc sĩ Trần Long Ẩn-Ủy viên thường vụ Hội, nhạc sĩ-giáo sư Thế Bảo-Ủy viên ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng nhạc sĩ-nghệ sĩ ưu tú Nhất Sinh và các ca sĩ trẻ của thành phố Hồ Chí Minh. Gần như toàn bộ ban lãnh đạo Hội nhạc sĩ Việt Nam đã về Quảng Ngãi tham dự đêm giao lưu đầy ý nghĩa này. Chia sẻ với nỗi đau da cam, âm nhạc là nghệ thuật đầu tiên đã lên tiếng qua ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Thanh Trúc “Vì sao em chết ?” và nhiều ca khúc khác, trong đó có ca khúc “Những tấm lòng đồng cảm” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được chọn là tiết mục mở màn đêm giao lưu âm nhạc tại Quảng Ngãi.

Nạn nhân chất độc da cam.

Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nhạc sĩ Thế Bảo đã chân tình bày tỏ: được tham gia đêm giao lưu âm nhạc đặc biệt này vì nạn nhân da cam là vinh dự và trách nhiệm nghệ sĩ của các anh, cũng là một hoạt động mang tính xã hội cao mà Hội nhạc sĩ Việt Nam tiến hành để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Và những tấm lòng đồng cảm

Đại tá Hồ Quí Cây-Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi-một người lính từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Khu V-cũng là một nạn nhân chất độc da cam. Đứa con gái của ông, đã hơn 30 năm nay sống trong tình trạng vô thức và phải có người chăm sóc cho từng miếng ăn giấc ngủ. Có lẽ chưa có một Hội đoàn thể nào mà Chủ tịch Hội lại vừa là nạn nhân như Chủ tịch Hội da cam Quảng Ngãi. Với nhiệt huyết của người lính, với quyết tâm phải hành động để “những tấm lòng đồng cảm” được nhân rộng trong xã hội, đại tá Hồ Quí Cây cùng những cộng sự của ông, được sự hỗ trợ hết mình và vô tư của Hội văn nghệ Quảng Ngãi, trong hai năm nay đã quyên góp và xây dựng được hơn 50 ngôi nhà cho những nạn nhân da cam nghèo khổ tại Quảng Ngãi. Chương trình “100 ngôi nhà cho nạn nhân da cam Quảng Ngãi” trong 2 năm đã đi được nửa đường. Và “đêm giao lưu âm nhạc vì nạn nhân da cam” ngày 1.8 vừa rồi đã nhận về từ những tấm lòng đồng cảm trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi được 783 triệu đồng. Có những cụ già, những em bé đã gửi những món tiền ít ỏi nhưng với cả tấm lòng nhân ái của mình về cho ban tổ chức. Và cũng có những cơ quan, doanh nghiệp đã tổ chức quyên góp trong cán bộ công nhân viên đơn vị mình, như Hội người cao tuổi Quảng Ngãi trong hai năm liền đã đóng góp được 110 triệu đồng cho “Quĩ nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi”.

Hàng nghìn người Quảng Ngãi đã tham dự đêm giao lưu âm nhạc với tình cảm sẻ chia với những thể hiện cụ thể lòng nhân ái. Âm nhạc đã thực sự trở thành cầu nối giữa những nạn nhân da cam và cộng đồng. Những vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt trong đêm giao lưu và đã trực tiếp đóng góp “tiền túi” của mình vào “Quĩ nạn nhân da cam”. Nghệ thuật âm nhạc đã thực sự đồng hành cùng nhân dân.

  • Thanh Thảo

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bão số 2: Miền Trung đợi lệnh sơ tán hàng vạn dân  (05/08/2007)
Miền Trung hạn nặng  (02/08/2007)
Năng động và đa dạng khu tam giác du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP Hồ Chí Minh  (31/07/2007)
Ba tỉnh miền Trung quảng bá du lịch tại Thái Lan  (31/07/2007)
Có một “đại đội đòn gánh” trong chiến tranh  (26/07/2007)
Huyền thoại Trường Sơn  (25/07/2007)
Dịch cúm gia cầm, heo tai xanh "náo loạn" miền Trung  (24/07/2007)
Cơ hội cho kinh tế vùng, miền  (22/07/2007)
Trên đại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất  (18/07/2007)
Thành lập Cảng vụ hàng không miền Trung  (18/07/2007)
Xích lô Hội An  (15/07/2007)
Không ngừng bước chân đi tìm mộ liệt sĩ  (12/07/2007)
Từ núi Đọ cổ xưa đến thành Tư Phố cũ  (10/07/2007)
Ở làng Kông Hoa  (09/07/2007)
Vết thương không xếp hạng  (06/07/2007)