|
Ô tô tải gầm cao còn có thể lầm lũi bò... (Ảnh chụp tại Hà Tĩnh chiều 7.8) |
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, những cơn mưa xối xả suốt mấy ngày nay và đặc biệt từ tối ngày 6 đến sáng ngày 7 đã nhấn chìm Hà Tĩnh, Quảng Bình trong biển nước sâu 1m. Đập Sông Trí dung tích 73.000m3 vừa vỡ. Hàng vạn người đang mò mẫm tìm các khoảnh đất cao trú thân.
Tại Hà Tĩnh lúc 15h ngày 7.8, đường sắt Bắc - Nam đoạn ga Tân Ấp - Bố Trạch đã bị nước cắt thành 17 đoạn, trong đó có 4 đoạn ngập sâu 0,8-1,2m. Đường tàu sạt lở rất nặng, taluy bị cuốn trôi toàn bộ.
Tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, đến 19h cùng ngày nước lũ đã cô lập 8.000 nhà dân. Trên quốc lộ 1A đoạn qua các phố Hưng Long - Hưng Thịnh - Hưng Lộc (thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh), khoảng 200 xe khách không thể vượt qua biển nước sâu đến 1m, đã ùn lại trên suốt quãng đường 3km. Hàng trăm hành khách trên xe đã dò từng bước, vượt nước vào tá túc chật cứng tại trụ sở UBND thị trấn này.
Chủ các phương tiện phải nhờ người đẩy thuê với giá 100.000 đồng/ôtô, 20.000 đồng/xe máy.
Trong thị trấn, nhiều hộ dân tự tìm cách sơ tán đến các nhà cao tầng. Trên các con đường giờ đã thành sông nước chảy xiết, thỉnh thoảng lại thấy vài thanh niên cõng, kiệu trẻ em, người già, bước mò mẫm trong nước (đã lên ngang ngực), mắt dáo dác tìm ngôi nhà cao tầng gần nhất.
Trên các tuyến phố đoạn đầu thị trấn Kỳ Anh (quốc lộ 1A, đoạn Hưng Lộc), lúc 15h, nước đã dâng trên 1m (ngang cổ người). Khoảng 500 nhà dân đã ngập sâu; mọi mọi phương tiện và vật dụng đều phải sơ tán lên tầng 2.
Từ thời điểm này, thị trấn Kỳ Anh đã bị cô lập hoàn toàn trong nước; không thể liên lạc bằng bất cứ phương tiện nào.
Không chỉ thị trấn Kỳ Anh, các địa phương khác ở huyện Kỳ Anh như xã Kỳ Châu, Kỳ Hoa, Kỳ Hưng cũng thành ốc đảo. 17h, toàn huyện Kỳ Anh mất điện. Các tuyến giao thông qua huyện bị cắt đứt hoàn toàn.
Thông tin lúc 17h cho thấy, đập Sông Trí ở Kỳ Anh vỡ. Đập có dung tích 73.000m3, cung cấp nước cho toàn huyện Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng, được khởi công tháng 2.2006 với vốn đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng. May mắn là người dân xã Kỳ Hoa (địa bàn có đập) đã được sơ tán hết.
Tại xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ An), nước đã ngập đến gần cổ người. Nhiều người phải mượn áo phao của phóng viên để về cứu gia đình.
Toàn bộ các phương tiện có thể nổi trong nước, như phao cứu hộ, can nhựa đã được huy động theo người đi sơ tán.
18h30, trời vẫn mưa như trút. Nếu mưa tiếp diễn thế này, cả huyện Kỳ Anh sẽ thành biển nước sâu; thiệt hại về người không thể lường trước.
Thông tin của phóng viên từ huyện Kỳ Anh: tại huyện này đã có 2 người chết (một trẻ 12 tuổi ở xã Kỳ Tân đi chăn trâu bị nước từ đập Sông Trí vỡ cuốn đi, và một trẻ khác cùng tuổi ở xã Kỹ Phương chết đuối), 1 người ở xã Kỳ Trinh đi đánh cá bị mất tích.
Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân ngập sâu chờ cứu hộ
Tại Quảng Bình, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) hứng mưa lớn từ sáng, hàng ngàn hộ dân đang chìm trong nước. Đường 12 qua Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Mai Hóa đang ngập nặng cắt đứt xã Mai Hóa.
Đập Bẻ ở Tuyên Hóa đang trước nguy cơ ngập, địa phương đang điều động quân đội giúp dân thoát ra khỏi vùng ngập. Người dân địa phương cho biết trận lụt này lớn hơn trận năm 1993.
Xã Mai Hóa, Tiến Hóa đang lập đội xung kích giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập. 15h, trời ngừng mưa, tuy nhiên nước sông dâng cao, tràn sang hai bờ, dồn vào các xã Văn Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch). Nhà dân nào cũng ngập ngang ngực người.
17h, nước lũ dâng cách cửa tràn đập Bẻ chỉ 0,5m. Nguy cơ vỡ đập cận kề.
Lúc này, 2 tàu 300 mã lực của Hải đội 2 được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình điều động đã về các vùng ngập sơ tán dân.
18h, trời tối hẳn. Thông tin từ UBND xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch): 500 hộ dân ở 4 trong 7 thôn của xã đã ngập nặng, gồm các thôn Vĩnh Thọ, Thượng Thọ, Kinh Nhuận, Lập Sơn. 50% nhà nước ngập lút nóc.
3 thôn còn lại, nước đã ngập sâu 1 nửa diện tích.
Tại trụ sở UBND xã Cảnh Hóa (nơi duy nhất chưa bị nước tràn vào), 200 người dân tụ tập, bồn chồn nhìn về vùng ngập đã bị bóng tối bao trùm. Không ai kịp mang theo lương thực, bởi lũ dâng quá nhanh.
18h30, 6 ca nô (trọng tải 10 người/chiếc) của lực lượng Công an và biên phòng xuất phát, hướng tới biển nước mêng mang.
19h30, chưa ca nô nào đưa người về. Ông Hoàng Trung Chính - Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết: "Trước mắt, xã bằng mọi giá đưa 100% dân vùng ngập đến nơi an toàn. Ngày mai, sẽ vận động nhân dân vùng cao (cách vùng lụt 1,5-3,5km) chia sẻ lương thực, chỗ ở cho đồng bào sơ tán...".
* Ngày 7.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tẫn Dũng đã có Công điện khẩn gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên và các Bộ, ngành liên quan thực hiện ngay một số việc cấp bách phòng chống lụt bão.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo các huyện, xã ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm và các vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh mình để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của lũ và công tác khắc phục hậu quả. Tiếp tục tổ chức tốt việc di dời dân ở vùng nguy hiểm, nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ngành Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ thường xuyên thông báo cụ thể về diễn biến bão, lũ, thiên tai, để các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp và nhân dân biết chủ động phòng tránh. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo ngay các Bộ, ngành, địa phương có phương án đối phó với tình huống khẩn cấp về lũ, thiên tai; thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến mưa lũ và đề xuất các biện pháp cần thiết.
. Theo VNN, TTXVN
|