Đà Nẵng tăng tốc phát triển
19:52', 15/8/ 2007 (GMT+7)

Cầu sông Hàn. Ảnh: Du lịch Đà Nẵng

Với vị trí chiến lược là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông-Tây, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên, Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước. Trong mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2010, Đà Nẵng phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân 14% trong 5 năm nhằm đưa GDP đầu người đến năm 2010 đạt 2.000 USD.

Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng như điểm tựa của hai đầu đòn gánh Hà Nội- TP Hồ Chí Minh, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa- dịch vụ của miền Trung- Tây Nguyên, khu vực ASEAN và thế giới qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Đà Nẵng bỗng choàng dậy và dường như phút chốc trở thành công trường lớn trong cả nước. Thành phố thay đổi diện mạo nhanh đến ngạc nhiên. Đường sá, nhà cửa, cơ sở hạ tầng đã cùng với thành phố lớn lên từng ngày. Hiện Đà Nẵng đang sở hữu 6 khu công nghiệp lớn. Các khu công nghiệp này được đánh giá cao về vị trí thuận tiện, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giá đất và giá các loại dịch vụ khá cạnh tranh.

Để trở thành “địa chỉ đỏ” cho các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã khẩn trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; kịp thời nắm bắt và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng mắc về hạ tầng, dịch vụ… Năm 2006 tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng có những tín hiệu khả quan: 19 dự án với tổng vốn là 340 triệu USD và từ đầu năm 2007 đến nay, thành phố thu hút  thêm 8 dự án FDI, nâng số dự án FDI lên tới 103 dự án, với tổng số vốn đầu tư 1,037 tỷ USD. Trong số đó, vốn thực hiện ước đạt 405,3 triệu USD.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh hứa sẽ đảm bảo cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư mong muốn cùng hợp tác đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đã và đang triển khai dự án hoạt động tại thành phố Đà Nẵng tiếp tục duy trì và phát triển, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn song hành cùng doanh nghiệp. Riêng trong tháng 5, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 121 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 343,3 tỷ đồng.

Năm 2006, tổng sản phẩm xã hội đạt 96,8% kế hoạch(tăng 12,2% so với năm 2005); sản xuất công nghiệp, tiểu thu công nghiệp ước đạt 91% kế hoạch(tăng 17,9%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ước đạt 100%(tăng 25,8%); Đến tháng 5-2007, doanh thu từ các doanh nghiệp tài thành phố ước đạt 72 triệu USD(tăng 12% so cùng kỳ năm 2006); xuất khẩu ước đạt 49 triệu USD(tăng 18%) và tạo việc làm cho 26 nghìn lao động.

Nắm được xu thế phát triển dịch vụ theo hướng tiếp cận các loại hình dịch vụ, mà Việt Nam đã và sẽ ký kết với các tổ chức khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn  vào năm 2010, với dự kiến sẽ đón 1,74 triệu du khách trong và ngoài nước. Cùng với phát triển về du lịch, thành phố còn chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với phát triển đa dạng cách dịch vụ cảng biển nhằm khai thác lợi thế tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây; xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, phấn đấu lượng hàng hóa thông qua cụm cảng đạt mức 7 triệu tấn vào năm 2010 và xây dựng cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu của hội nhập.

Thành phố cũng rất quan tâm tới việc tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường vốn, các loại hình trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, để huy động vốn nhàn rỗi, kiều hối và thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục đa dạng hóa và hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng, từng bước hình thành thị trường chứng khoán, nhằm đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính- tiền tệ của khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước. Thấy rõ tiềm năng của thành phố trọng điểm này mà hiện nay, gần 40 ngân hàng đã có mặt tại TP Đà Nẵng trong đó có cả các ngân hàng nước ngoài.

Đà Nẵng đã thực sự thay đổi mạnh mẽ từ lượng đến chất; cả về kinh tế lẫn văn hóa. Nhưng cái được lớn nhất ở đây là lòng dân. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Và chính sự đồng thuận đó đã trở thành nguồn lực to lớn ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, trở thành bệ phóng để Đà Nẵng tăng tốc và cất cánh như Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định.

. Theo Thời báo ngân hàng

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về điểm hẹn mới của Huế bây chừ  (12/08/2007)
Bắc miền Trung: Lụt ngập đầu người, giao thông tê liệt  (08/08/2007)
Tây Nguyên: Mưa lũ lớn, 20 người chết, mất tích  (06/08/2007)
Khi âm nhạc lên tiếng vì nạn nhân da cam  (06/08/2007)
Bão số 2: Miền Trung đợi lệnh sơ tán hàng vạn dân  (05/08/2007)
Miền Trung hạn nặng  (02/08/2007)
Năng động và đa dạng khu tam giác du lịch Đà Lạt- Phan Thiết- TP Hồ Chí Minh  (31/07/2007)
Ba tỉnh miền Trung quảng bá du lịch tại Thái Lan  (31/07/2007)
Có một “đại đội đòn gánh” trong chiến tranh  (26/07/2007)
Huyền thoại Trường Sơn  (25/07/2007)
Dịch cúm gia cầm, heo tai xanh "náo loạn" miền Trung  (24/07/2007)
Cơ hội cho kinh tế vùng, miền  (22/07/2007)
Trên đại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất  (18/07/2007)
Thành lập Cảng vụ hàng không miền Trung  (18/07/2007)
Xích lô Hội An  (15/07/2007)