Hội tụ tài hoa, tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa, đình Hoành Sơn(thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23(tức vào tháng 2-1763) và đến cuối năm sau thì hoàn thành. Tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng bên dòng sông Lam thơ mộng, đình được bố cục gồm sân, bái đường và hậu cung với chất liệu chủ yếu là gạch ngói và gỗ lim. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc- ông đổ cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông(1740-1786) làm tri phủ huyện Kỳ Sơn(phủ Tương Dương), ông thuộc gia đình dòng dõi thế tộc và có quyền uy rất lớn trong vùng. Khi nghỉ hưu, gặp năm được mùa đời sống nhân dân sung túc, các tầng lớp sĩ, nông, công, thương đều làm ăn phát đạt, ông bèn chọn đất tốt và huy động tiền của trong dân để mua gỗ quý đồng thời chiêu vời các toán thợ giỏi về xây đình cho làng ngay trên vườn nhà mình.
Tương truyền nhiều toán thợ có tiếng đến nhận đề tài rồi bí mật làm vì toán nào làm đẹp nhất thì được thưởng lớn. Toán thợ Nam Hoa Thượng không được mời đến, họ bày mưu cử người thợ giỏi nhất tên Chuẩn giả dạng ăn mày đến chỗ làm đình xin ngủ lại rồi cố tình đốt cháy một vì ở phía Nam của ngôi đình, Đặng Thạc vô cùng tức giận nhưng người ăn mày đã xin được làm lại, chỉ trong một thời gian ngắn một bức chạm đã khiến cả hội đồng kỳ mục phải kinh ngạc và thán phục. Đó cũng là lý do giải thích tại sao các nét chạm trổ và nghệ thuật trang trí ngôi đình lại đa màu sắc đến thế. Sau này nhân dân đã suy tôn Đặng Thạc và người thợ tên Chuẩn thành những vị phúc thần của làng.
Nhân vật được thờ chính tại đình Hoành Sơn là Uy minh vương Lý Nhật Quang , con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, là người văn võ song toàn, tư chất hơn người nên tháng 11 năm 1041 vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm tri châu Nghệ An. Với tài thao lược về quân sự, tầm nhìn về vấn đề “kinh bang thế thế” trong thời gian đó ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Ông đã làm một con đường tại Tương Dương, đến nay vẫn là con đường giao thông huyết mạch của vùng núi Nghệ An. Năm 2004, sau gần 10 thế kỷ cùng với dự án nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nhà nước đã cho mở rộng xây dựng con đường này tiện cho việc giao thông của nhân dân trong vùng, đó chính là đường Vẽ- Yên Hòa ngày nay. Ngoài ra đình còn thờ “Tứ vị Thánh nương” và Phật Thích ca Mâu Ni.
Sự hoành tráng, đồ sộ và uy nghi của ngôi đình được thể hiện tập trung nhất ở bái đường có 8 vì, 7 gian với tổng số 32 cột gỗ lim tròn, trong đó có 12 cột cái cao 5,75m, đường kính 0,45m và 20 cột quân cao gần 4m, đường kính 0,42m, ngoài ra rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoanh và 42 đường xà. Nhưng có lẽ điều tạo nên nét đẹp của ngôi đình không chỉ ở kết cấu xây dựng mà chính là nghệ thuật trang trí điêu khắc của nó.
Nếu như trên các ván nong thuyền thể hiện cuộc sống, sinh hoạt và một số phong tục tập quán địa phương nói riêng cũng như xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII như cảnh đi nơm, chơi cờ người, chơi tu tiên, vinh quy bái tổ, đua thuyền trên sông Lam thi trên các giá chiêng, kẻ, con rường, con đấu và nghé kẻ…là “tứ linh”(long, ly, quy, phượng) và “tứ quý”(mai, điểu, tùng, lộc) . Các nét chạm khi tỉ mỉ công phu, khi mềm mại, khi khỏe khoắn khoáng đạt những cũng có lúc rắn rỏi, dữ dằn. Cũng là phượng nhưng bên tả thì chạm phượng đơn, bên hữu lại là phượng rậm hoặc bên tả thì long ẩn còn bên hữu thì long chầu nguyệt. Lý giải điều này, nhiều cơ sở cho rằng 2 tốp thợ phụ trách việc chạm trổ, phần do tài nghệ, phần do bí mật dấu nghề nên đề tài làng cho đều như nhau nhưng cách thể hiện lại rất khác nhau. Trên các đầu dư là hình tượng “long vân” còn trên các bờ nóc, tàu mái lại là hình tượng “long triều nguyệt”.
Một điều khá thú vị là trên các bức cốn tập trung thể hiện các điển tích xưa, đặc biệt là những biến cố của lịch sử Trung Hoa đã thu hút các nghệ nhân , các sáng tác được thể hiện khá đâm nét như: vua Thành Thang đi rước ông Y Doãn, vua Văn Vương đi rước Thái công, sứ nhà Hán đi mời 4 ông lão. Những điển tích đó đều nói lên sự trung thành của bề tôi đối với triều vua đã sụp đổ. Nguợc dòng lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ họ Trịnh đã lấn quyền của vua Lê, vì thế các bức chạm này thể hiện tư tưởng lớn, không chỉ gửi gắm một tấm lòng trung quân mà còn kêu gọi lòng trung quân của các quan lại đương thời. Tư tưởng trung quân còn được thể hiện trên 5 bức vọng được đục chạm cầu ký nổi bật trên các lá đề là dòng chữ Hán trang trọng “Hoàng thượng vạn vạn tuế” và “Tử thần khí tránh văn chương”.
. Theo báo Xây dựng
|