|
Mũi Né. |
Ai đó từng có lý khi ví Mũi Né chính là một kiểu “Phuket” của Thái Lan tại Phan Thiết. Và điều thú vị hơn, trong khi hầu như tất cả các vùng biển miền Trung đều bị sự cố dầu tràn trên biển, thì bờ biển Phan Thiết- Mũi Né không phải gánh chịu hiện tượng này. Đây là một trong những lợi thế để Mũi Né thu hút rất đông du khách đến trong thời gian nghỉ lễ vừa qua. Không chỉ thu hút khách trong nước, tên tuổi Mũi Né đã vang rộng ra thế giới.
Đến Mũi Né vào dịp hè, những tháng oi bức nhất trong năm mà thỏa sức vẫy vùng với biển thì tuyệt vời như thế nào, nhất là với những quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Nhưng đối với du khách phương Tây thì ngược lại, những ngày cuối Thu và mùa Đông của Việt Nam. Mũi Né là nơi hết sức lý tưởng để họ tìm đến… “trú đông” nghỉ ngơi, dưỡng sức. Không chỉ là nơi vui chơi giải trí lý tưởng, Phan Thiết- Mũi Né còn đáp ứng nhu cầu du lịch dã ngoại của các đoàn lớn. Khu đồi Hồng, hòn Rơm là nơi lý tưởng để tổ chức những đêm lửa trại, các trò chơi vận động ngoài trời cho hàng trăm khách. Chưa kể một lợi thế khác, tình hình an ninh ở Phan Thiết- Mũi Né rất an toàn. Thiên nhiên ưu đãi cho Phan Thiết- Mũi Né một eo biển thật lãng mạn, với những đồi cát nằm trải dài bên những rặng dừa ru mình nghe sóng vỗ. Mũi Né còn là bãi biển có nhiều gió, phù hợp với các môn thể thao trên biển mà người Châu Âu đặc biệt ưa thích.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thu: Hiện Bình Thuận đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng thành phố Phan Thiết thành đô thị du lịch vào cuối năm 2008. Nguồn kinh phí để phát triển thành phố biển này ít nhất khoảng 140 tỉ đồng, chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; tăng cường hệ thống chiếu sáng, cây xanh… đồng thời mở rộng dịch vụ mua sắm, giải trí cho du khách ngay trung tâm thành phố và dọc sông Cà Ty. Hiện, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà nghỉ để làm mới bộ mặt của “vương quốc resort” Mũi Né- Phan Thiết nhằm thu hút du khách. |
Hiện nay, toàn tỉnh Phan Thiết có 125 cơ sở lưu trú với 4.440 phòng được xếp hạng, riêng Mũi Né chiếm đến trên 95%, với 6 resort gần 600 phòng đạt 4 sao; 9 resort với hơn 600 phòng đạt 3 sao và 25 resort với 1.100 phòng đạt 2 sao. Tỷ lệ phòng trung bình khoảng trên 60%, nhưng vào những ngày cuối tuần thì chẳng lúc nào còn phòng trống. Vào thời gian cao điểm như Giáng sinh, tết Tây, tết Âm lịch nếu khách không đặt phòng trước ba tháng thì thật khó để tìm một chỗ ở.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng cục du lịch Việt Nam đã từng khảo sát Phukét của Thái Lan. Về mặt tự nhiên, rõ ràng Mũi Né không thua kém gì, nhưng chúng ta còn thu họ việc qui hoạch. Hơn nữa là vấn đề môi trường và quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ của chúng ta còn yếu… Như môn đua lướt ván trên biển, qui mô từng khu du lịch của Mũi Né hiện còn nhỏ và manh mún; có những resort chỉ rộng chưa đến 2 ha. Mà du khách phương Tây lại thích rộng rãi và thoáng mát. Mặt khác, Mũi Né chưa đáp ứng được các điểm vui chơi giải trí cho khách quốc tế, nhất là về đêm.
Trong tổng số 391 dự án du lịch của tỉnh BÌnh Thuận thì đã có 110 dự án đi vào hoạt động. Năm nay, dự kiến sẽ có thêm một trăm dự án nữa khai trương. Đặc biệt, một vũ trường hiện đại ở Mũi Né đã hoạt động. Tỉnh đang xin phép Chính phủ cho triển khai dự án Casino trên đào Cù Lao Câu. Năm 2007, báo hiệu bước ngoặt vượt bậc của Mũi Né- Phan Thiết khi Tổng cục Du lịch liệt kê thắng cảnh này trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam.
. Theo Thời báo Ngân hàng |