Cố đô Huế nổi tiếng với những thành quách, lăng tẩm, di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình bên sông Hương, núi Ngự và một đời sống văn hóa phong phú… đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh những địa điểm du lịch đã trở nên quen thuộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã và đang phục dựng lại những di tích lịch sử cách mạng ghi nhớ công ơn các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc, đồng thời hình thành nên những địa điểm du lịch mới phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
|
Di tích Chín Hầm. (Ảnh: khamphahue.com.vn) |
Ngục Chín Hầm là khu di tích lịch sử quốc gia, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận từ năm 1993 và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xây dựng Khu tưởng niệm và Tượng đài bất khuất, hoàn thành vào dịp 30.4.2006. Đến ngục Chín Hầm, chúng ta biết thêm về một chứng tích lịch sử cách mạng từ lâu đã được ghi trong sử sách như là hiện thân của tội ác man rợ mà chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã gây ra cho những chiến sĩ cách mạng và đồng bào vô tội ở miền Trung từ 1956-1963. Nằm cách trung tâm thành phố Huế 6 km về phía tây nam, ngục Chín Hầm trước đây chỉ là chín hầm đạn do thực dân Pháp xây dựng năm 1941 nhằm đối phó với nguy cơ bị Nhật hất cẳng. Tuy nhiên, ngày 9.3.1945 Nhật đã đảo chính Pháp và tới đây lấy đi tất cả vũ khí, chỉ để lại một ít quả bom nhỏ, hoen rỉ. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cho người đến canh giữ và khi kháng chiến nổ ra đã lấy đi số bom này, từ đấy khu Chín Hầm bị bỏ trống. Đến năm 1956, Ngô Đình Cẩn được Ngô Đình Diệm phong cho chức “Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong nước và hải ngoại”, đã ra sức đàn áp, bắt bớ cán bộ cách mạng, những người chống đối, thì khu vực Chín Hầm được tận dụng làm nơi nhốt tù nhân đặc biệt, trong đó có 4 hầm được gia công kiến cố để nhốt những người cộng sản. Đây chính là ngục mà ít người biết đến, một nhà ngục nằm ngoài hệ thống quản lý của chế độ Sài Gòn.
Những hầm này nằm trên những sườn đồi, nửa âm xuống đất, nửa nhô lên, cấu trúc cả chín cái đều hình chữ nhật, có chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, chiều cao trung bình 3,35m. Diện tích các hầm to nhỏ khác nhau, hầm lớn nhất 85m2, hầm nhỏ nhất hơn 41 m2 nên số xà lim từng hầm cũng khác nhau… Chúng nhốt mỗi người trong một xà lim theo kiểu chuồng cọp chỉ rộng hơn chiếc quan tài một tí. Hàng ngày cơm hẩm hai bát sáng chiều với vài ngọn rau muống, dăm ba hạt muối hoặc là một ít nắm thối, nước uống thì được múc từ dưới hồ lên nhưng lúc có lúc không. Ban ngày, ánh sáng buồng giam mờ ảo, ban đêm thì tối đen như mực và cơ man nào là muỗi, chuột. Không khí thiếu đến ngột thở. Mùa hạ trong hầm nóng như lò lửa, mùa mưa nước dột lênh láng. Cả căn hầm tràn ngập mùi hôi thối bốc lên từ xác chết của chuột, mùi sủng mục của nước ứ đọng, mùi máu mủ từ các vết thương lở loét của tù nhân, trộn lẫn với cả mùi phân người.
Dù cách Huế không xa nhưng người dân nơi đây chẳng hề biết đến nhà ngục này bởi nó quá hẻo lánh và được canh phòng cẩn mật. Đến năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, quân đảo chính đến nhà ngục này thì chỉ còn lại 3 tù nhân, trong đó có ông Nguyễn Dân Trung, một nhà tình báo, người đã sáng tác ra truyện thơ Sống trong mồ 3.000 câu ngay tại tử ngục này. Năm 1964 ông được tha, ra căn cứ rồi về Hà Nội làm ở Cục Tình báo- Bộ Quốc phòng.
Qua thời gian, khu Chín Hầm không còn được nguyên vẹn, những căn hầm đều bị sạt lở, ngoại trừ hầm số 4, nhưng khi đến đây, mọi người vẫn có thể hình dung về tử ngục một thời đã được khắc ghi trong sử sách và thắp nén nhang tưởng niệm về người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất này.
. Theo báo Bình Thuận
|