Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
17:22', 4/1/ 2008 (GMT+7)
  • TS. Nguyễn Đăng Vũ

(Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi)

1. Nguồn gốc và chức năng đội Hoàng Sa:

Về quần đảo Hoàng Sa đã có một số tư liệu  của tác giả trong và ngoài nước, đặc biệt là của các sử thần, các học giả thời phong kiến Việt Nam. Nguồn tư liệu đầu tiên có nhắc đến đảo Hoàng Sa và đội Hoàng Sa là mấy dòng trong lời chú Toản tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ của Đỗ Bá (năm Chính Hòa thứ 7.1686): “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa Đại Chiêm kéo đến cửa biển Quyết Mông (cửa Sa Kỳ -TG). Gió tây nam thuyền đi phía trong sẽ dạt lại đó. Gió đông bắc mà thuyền đi cũng bị mắc tại đây, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại. Mỗi năm đến tháng cuối đông (Chúa Nguyễn) đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc”. Sau những ghi chép của Đỗ Bá là các ghi chép liên quan đến Hoàng Sa và đội Hoàng Sa của chúa Nguyễn của Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự (1697), của Pière Poivre, của Bá tước D’Estaing (tài liệu chữ Pháp - 1701)[1].

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn (lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa, 1776) đã ghi về đội Hoàng Sa như sau: “Trước Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về”[2]. Sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú, phần về phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng ghi: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”[3]. Sách Đại Nam thực lục (tiền biên), quyển 10, cũng có ghi về đội Hoàng Sa có nội dung tương tự. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển II, phần về tỉnh Quảng Ngãi, ngoài phần ghi chép như các sách trước còn ghi thêm rằng: “ …lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo”. Trong sách này (dịch và in năm 1970) còn có phần Phụ lục riêng về Quần đảo Hoàng Sa  do học giả Đào Duy Anh (người hiệu đính) trích từ các sách  đã in trước đó như Việt sử cương giám khảo lược, Hải quốc kiến văn lục, Phủ biên tạp lục. Có lẽ cũng dựa vào các sách trên, các tác giả sách Quảng Ngãi tỉnh chí, Quảng Ngãi nhất thống chí cũng có đề cập đến đội Hoàng Sa với nội dung tương tự.

Qua các tư liệu đã dẫn trên kia, có thể thấy, với ý thức về chủ quyền lãnh thổ và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá ở Biển Đông, nên ngay từ  khi vào trấn nhậm phương Nam Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được thành lập chính xác vào năm nào chưa rõ, chỉ biết vào “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước”, tức  sớm nhất cũng  phải  vào cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII, và bị “triệt bãi” có lẽ là vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Các nguồn tư liệu trên cũng cho thấy, 70 suất đinh phiên chế hàng năm cho đội Hoàng Sa trước hết là của làng An Vĩnh, về sau còn có thêm người của làng An Hải.

Về hai làng này, có thể nói thêm như sau: An Vĩnh và An Hải đều nằm theo ven cửa biển Sa Kỳ, trước đây đều thuộc huyện Bình Sơn, đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) một phần đất Bình Sơn được tách ra thành châu Sơn Tịnh, và đến năm 1899  mới có tên gọi là huyện Sơn Tịnh như ngày nay. Làng An Vĩnh và An Hải vào thời nhà Nguyễn bao gồm phần đất An Vĩnh, An Hải trong đất liền và An Vĩnh, An Hải ngoài đảo Cù Lao Ré (tức Lý Sơn). Sở dĩ như vậy là vì, theo các gia phả của các dòng họ và văn tế ở đình làng Lý Hải còn lưu lại cũng như những ghi chép trong sách Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt thì vào đầu thế kỷ XVI có 7 ngư dân ở làng An Vĩnh trong đất liền dùng thuyền ra đảo  sinh cơ lập nghiệp  gọi là thất tộc (Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Trần), lập nên phường An Vĩnh; 8 ngư dân từ làng An Hải cũng trong cửa biển Sa Kỳ ra chiếm phần đất phía đông của đảo lập nên phường An Hải, gọi là bát tộc (Nguyễn, Trương, Dương, Nguyễn, Nguyễn, Trần, Lê, Võ). Vì thế trong buổi đầu khai phá, An Vĩnh phường và An Hải phường ở Cù lao Ré trực thuộc An Vĩnh xã và An Hải xã trong vùng cửa biển Sa Kỳ, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa. Đến ngày 11 - 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) mới được tách ra thành 2 xã độc lập (theo đơn phường An Vĩnh xin tách ra khỏi xã An Vĩnh còn lưu tại nhà thờ họ Phạm Quang, Lý Vĩnh), và ngày 1.1.1993 hai xã này được tách riêng ra khỏi huyện Bình Sơn để thành huyện Lý Sơn.

Căn cứ trên các tư liệu đã nói, đội Hoàng Sa được thiết lập dưới thời chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn, là người của làng An Vĩnh, An Hải  trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn, nhưng chủ yếu là người của hai làng An Vĩnh (Một số tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng 70 phiên chế hàng năm trong đội Hoàng Sa chỉ là người trên đảo Lý Sơn)[4]. Và đến đầu thế kỷ XIX trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh (nay là Lý Vĩnh) trên đảo Lý Sơn. Xác định được điều đó là nhờ một phần căn cứ vào việc vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh, thuộc họ dòng Phạm tại An Vĩnh - Lý Sơn, làm cai đội đội Hoàng Sa vào năm 1815 (sau đó là Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám…), và trên các tư liệu điền dã thu thập từ những nhà thờ thuộc các tộc họ: Pham Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Mai (còn gọi là Ma), Nguyễn…, cũng như sự xác lập nguồn thông tin trên của nhân dân trên đảo Lý Sơn lẫn nhân dân ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Theo nhân dân Lý Sơn, 70 định suất đi Hoàng Sa (và sau này cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, và được theo nguyên tắc luân phiên nhau, người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tư, người con thứ phải đăng lính. Vì thế hầu như toàn bộ các tộc họ thuộc làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.

 

Mộ Phạm Hữu Nhật (được cử làm cai đội ở Hoàng Sa). Ảnh: ĐV

 

2. Các di tích gắn với đội Hoàng Sa:

Hiện nay tại làng An Vĩnh vùng cửa biển Sa Kỳ và trên đảo Lý Sơn còn nhiều di tích (chính) gắn với đội Hoàng Sa năm xưa:

- Trong đất liền: chủ yếu tại làng An Vĩnh (nay thuộc Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh): 1. Vườn Đồn - nơi lính Hoàng Sa  đóng doanh trại. 2. Dấu tích Miếu Hoàng Sa - nơi đội Hoàng Sa tế thần trước khi lên thuyền một đi không trở lại. Trước đây trong miếu có thờ cốt ông Hoàng Sa (xương cá voi), gọi là thần Hoàng Sa, mà những người lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo này, cách đây chừng 300 năm. 3. Đình làng An Vĩnh, nơi những binh phu Hoàng Sa trong đất liền lẫn Cù lao Ré tế tự trước khi xuất hành, lẫn khi trở về (căn cứ trên những tài liệu hiện còn có thể xác định được đội Hoàng Sa xuất hành tại cửa biển Sa Kỳ, chứ không phải tại Lý Sơn)[5].

-Trên đảo Lý Sơn: 1. Âm linh tự (Lý Vĩnh), nơi còn đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, hàng năm đều có tế tự lính Hoàng Sa và những người bỏ mình trên biển. 2. Miếu thờ và mộ cai đội Phạm Quang Ảnh (tương truyền được phong Thượng đẳng thần). 3. Nhà thờ tộc họ Phạm có nhiều người đi lính Hoàng Sa (trong nhà thờ còn câu đối thể hiện chí khí và lòng trung thành của dòng họ vì đất nước: Trung can huyền nhật nguyệt/Nghĩa khí quán càn khôn). 3. Dinh Ông Thắm, thờ cai đội Võ Văn Khiết (dân trong thôn xem ông như Thành Hoàng, cũng tương truyền được phong thượng đẳng thần). 4. Khu mộ gió, là một khu nghĩa địa giành cho lính Hoàng Sa, nhưng bên dưới không có xác người (vì chết mất xác), nhưng trên mỗi ngôi mộ đều có tên tuổi những người lính Hoàng Sa.

3. Nghi lễ - phong tục:

3.1. Nguồn gốc nghi lễ:

Cho đến nay, người dân vùng biển Quảng Ngãi vẫn còn lưu truyền câu ca:

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lời ca buồn bã, não ruột trên đây là lời tóm tắt số phận của người đi lính thú Hoàng Sa  thuở xa xưa ấy. Không mấy ai còn được trở về. Họ đã như Kinh Kha một đi không trở lại. Biết số phận mỏng manh giữa trời mây non nước, trước khi ra đi, mỗi người phải chuẩn bị cho riêng mình: một đôi chiếu, sẽ là vật dùng để quấn xác nếu không may gục ngã; 7 đòn tre, sẽ là vật nẹp quanh thân; 7 sợi dây mây, sẽ được dùng để bó xác người. Thi thể người lính nếu không may xấu số ấy sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán nếu thi thể chưa kịp làm mồi cho cá dữ, khi sóng cả chưa làm tan tành những nẹp tre cùng mấy sợi dây mây. Mà hình như, qua hình ảnh nghĩa địa gió không xác người ở làng An Vĩnh còn lại đến bây giờ, người đời sau đã kịp nhận ra: không mấy chiếc thẻ tre quay về làng cũ, dù chỉ cần không còn nguyên vẹn. Một đoạn bài văn tế lính Hoàng Sa não ruột sau đây, đã là lời minh chứng cho một nguồn gốc một tục thờ cúng không nơi nào có:

Cúi nghĩ: Cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu: Thủy phủ khiến sức nước ngưng, buổi sáng trong veo như trang điểm, cho hồn các vị tựa hàng tiên. Tiếng sóng động đông dài, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt, ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…”[6].

 

Một góc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: ĐV

 

3.2. Nghi thức tế tự:

Để có chút niềm hy vọng người ra đi còn may mắn trở về, người dân  làng An Vĩnh làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nếu là cho người sắp bước xuống thuyền để lênh đênh cùng trời mây và bọt biển, còn nếu là để tưởng nhớ đến người lính Hoàng Sa không may xấu số thì cũng làm lễ khao lề nhưng để  tế lính Hoàng Sa. Và thường là cho cả hai, thế người còn sống và tế người đã chết.

Hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, tức trước ngày những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo thực hành lễ khao lề thế lính, với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình trên dặm dài sóng nước. Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa (khao tế), hay khao lề thế lính Hoàng Sa (khao quân) là việc của gia đình và tộc họ, cũng có khi là việc của làng (nhưng hiếm khi làng tổ chức, bởi làng cũng tế ở đình làng vào thời gian này, và trong tế đình có khấn mời đầy đủ các tên tuổi những người lính Hoàng Sa đã bỏ mạng trên biển). Tộc trưởng (hay chủ nhà) sẽ là người chủ bái trong khi hành lễ. Trưởng các chi phái sẽ là bồi tế. Ngày xưa, theo trí nhớ của những người cao tuổi, người đi lính Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt thời gian tế lễ. Ngoài các thành viên trong tộc họ, các gia đình, con cái, cháu chắt, những người đầu quân, trong lễ tế này phải có thầy phù thủy (thầy pháp). Thầy phù thủy với mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài là người điều hành lễ tế .

Ngày 20 là ngày tế chính, nhưng cả tộc họ phải chuẩn bị mọi thứ lễ vật, phân công công việc cho các thành viên trong từng chi phái, từng gia đình trước đó nhiều ngày. Kinh phí thực hiện lễ từ nguồn đất hương hỏa, hoặc ghe thuyền (ghe bầu, ghe buồm) của Ông Bà để lại mà con cháu canh tác hoặc sử dụng. Ngày nay, đất hương hỏa lẫn ghe thuyền Ông Bà để lại cũng đã từ lâu không còn, nên các tộc họ phải quyên góp trên cơ sở sự tự nguyện. Từ ngày 17 lễ cúng tế đã được bắt đầu và dềnh dàng suốt cả 3 ngày, nhưng lễ vật chỉ có trầu rượu, hoa quả. Trong 3 ngày này mọi thứ lễ vật được tiếp tục chuẩn bị, như làm thuyền lễ và bài vị. Đến 3 ,4 giờ chiều 19 chiêng trống gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đến để làm lễ yết. Trong lễ yết thầy pháp bắt đầu điều hành việc cúng tế ngoài sân. Đó là lúc thầy pháp nặn những hình nhân bằng bột gạo, hoặc bằng rơm rạ. 9 giờ tối người ta mổ heo gà. Đến nửa đêm, vào giờ chuyển ngày, lễ tế chính sẽ được kéo dài hàng vài tiếng đồng hồ sau đó.

Lễ vật hiến tế trong nhà cho ông bà, tổ tiên, và các thần linh độ mạng (nhà thờ họ) có heo, gà và những thứ sanh tươi khác, tùy điều kiện, và theo các bước từ sơ hiến, á hiến, chung hiến. Thầy pháp không tham dự lễ cúng này. Lễ hiến tế ngoài sân cho  những linh hồn đã chu du chín suối vì phải đi lính Hoàng Sa, Trường Sa theo lệnh vua, như câu ca Hoàng Sa đi có về không, lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi, cho Thủy thần, các âm hồn, cho cả những người chết sông, chết biển khác, ngoài những thứ như trầu, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè bắt buộc phải có: 1 con gà, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám. Đó là lệ bắt buộc, là thứ “xưa bày nay làm”, không ai giải thích được vì sao phải cúng các phẩm vật như vậy. Bên cạnh các thứ phẩm vật đã nêu, trên đàn lễ còn có: muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu…, là những thứ mà lính Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền (và cũng là những thứ mà người đi làm biển phải mang theo).

Đặc biệt trong lễ tục này còn có các linh vị, thuyền lễ và các hình nộm. Các linh vị được làm bằng giấy màu đỏ. Mỗi linh vị cao chừng 20cm, rộng 7cm, ở trên có danh tánh người lính Hoàng Sa trong tộc họ đã bị tử nạn. Trong tộc họ có bao nhiêu người tử nạn vì đi lính Hoàng Sa là có bấy nhiêu linh vị. Linh vị được dán trên bìa cứng, có nẹp gỗ, hoặc tre phía sau, và được cắm trên đài chuối cây (cắt theo chiều ngang thân chuối). Người ta đặt các linh vị này trên đàn cúng. Phía trước mỗi linh vị có 1 cây nến thắp sáng. Khi thầy pháp khấn cầu Bà Thủy Long cùng các thủy thần trả linh hồn người chết về cho tổ tiên, các linh vị sẽ được đốt ngay sau đó. Thuyền lễ cũng có đế bằng chuối cây, là 3 cây chuối dài khoảng 1,5m - 2m, được xâu lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè). Trên đế bè người ta gắn con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn, như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, Trường Sa. Chuẩn bị hiến lễ người ta đặt vào trong thuyền các đồ lễ: vàng mã, muối, gạo, nếp nổ, chè xôi, gỏi cá nhám, cua, cá nướng, đầu, chân, tiết, lòng gà, là những thứ được chia ra trên đàn cúng và nhang đèn (ngày nay có người còn bỏ vào thuyền một ít đồng tiền lẻ vốn đang được sử dụng). Trong lễ tế khao lề thế lính người ta chỉ làm 3 hoặc 4 hình nộm bằng bột gạo (sau này có khi được thay bằng rơm, hoặc bằng giấy). Các hình nhân không có đầu (?), phía trên đội nón gõ, áo kẹp nẹp. 4 hình nhân đặt ở 4 góc thuyền, với quan niệm làm vững con thuyền. Như nếu chỉ có 3 hình nhân (đặt ở đầu, giữa, cuối mạn thuyền) là theo quan niệm “tam nhân đồng hành”, và cũng theo cách hiểu là tổng lái, tổng mũi, tổng khoang (Dù trong dịp cúng thế mạng này trong họ có đến nhiều hơn, hoặc ít hơn 3 người phải đi lính Hoàng Sa. Ngày nay không còn người đi lính Hoàng Sa như thời trước, vì thế lễ tục này không mang ý nghĩa thế mạng nữa, chỉ còn là lễ tế lính Hoàng Sa. Nhưng người địa phương vẫn gọi theo tên gọi cũ: là khao lề thế lính, chứ ít khi gọi là khao lề tế lính).

Sau khi thầy pháp cúng tế và làm các nghi thức bùa phép trước đàn thờ, “gửi tên tuổi và linh hồn (người sống)” vào hình nhân (theo lễ thức trước đây), thầy pháp đặt các hình nhân vào thuyền là lễ tiễn đưa bắt đầu. Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn, tiếp theo là 4 thanh niên khiêng thuyền lễ, theo sau là thầy pháp, tộc trưởng, các chi phái trưởng, và đoàn người gồm bà con trong tộc họ, có cả những người trong làng, cùng đội chiêng trống. Ra đến bến thuyền, sau khi thầy pháp khấn vái thần linh bốn phương, thuyền lễ sẽ được thắp đèn rồi được thả xuống nước. Nếu nước cạn thì người ta sẽ dùng thuyền đưa thuyền lễ ra xa, rồi mới thả xuống biển. Kết thúc lễ tế (khoảng 3 giờ sáng ngày 20), thầy pháp và những người lớn tuổi sẽ về lại nhà thờ họ bắt đầu cuộc giao đãi. Lễ lộc cho thầy pháp sẽ thực hiện sau cuộc giao đãi này. Thanh niên trai tráng, phụ nữ phải đến 6 -7 giờ sáng mới được ngồi vào mâm. Vào buổi trưa sẽ có lễ tạ trong nhà lẫn ngoài sân, do tộc trưởng và các chi phái thực hiện.

 

Thả thuyền lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn. Ảnh: ĐV

 

4. Một vài nhận xét:

Lễ thức trên đây xem ra có phần hơi ma mị, nhưng là lễ thức mang tính nhân văn sâu sắc, là sự cầu mong cho người lính Hoàng Sa được bình yên trong suốt 6 tháng trời lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy chờ đón (nếu với ý nghĩa lễ khao lề thế lính), bởi họ tin tưởng rằng những hình nộm kia đã gánh chịu cho người lính những rủi ro bất trắc, và thần linh cũng đã chứng kiến lòng thành; là sự tưởng nhớ và biết ơn đến những người thân trong gia đình dòng họ đã phải vì đất nước, vì lệnh vua, mà hy sinh thân xác (nếu với ý nghĩa khao lề tế lính); là sự tưởng nhớ và biết ơn đến các bậc sanh thành, những người có công khai khẩn đất đai, tạo lập nên làng mạc, và những người vì nhiều lẽ phải rời xa trần thế (nếu là chung cho cả hai).

Nhưng nếu chỉ nhìn như vậy thì không còn gì phải nói thêm. Qua khảo sát, chúng tôi lại thấy: Hình như có một điều gì đó phía sau lễ thức này, có lẽ có một vài lớp “áo văn hóa” phủ bên ngoài  làm cho lễ thức chuyển sang một nét nghĩa mới: cầu an cho người đi lính Hoàng Sa, tưởng nhớ các bậc anh linh đã bỏ mình vì Tổ quốc. Hãy thử so sánh lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với lễ tục hình nhân thế mạng còn diễn ra trong lễ hội Rija Nưgar - lễ hội truyền thống đầu năm, là tết năm mới của người Chăm vùng Bình Thuận - Ninh Thuận, mà chúng tôi tách ra từ  tư liệu của nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh [7].

a, Về thời gian diễn ra nghi lễ: Cả hai lễ thức này đều diễn ra vào mùa xuân. Tục hình nhân thế mạng (palaw salih) là một trong lễ thức của lễ hội Rija Nưgar - lễ hội đầu năm, lễ mừng năm mới - với ý nghĩa tống ôn, tống năm cũ, rước năm mới, diễn ra vào cuối tháng tư, đầu tháng năm dương lịch, tức tương đương với cuối tháng 2 theo lịch Chăm, khi “sao Rua nở”. Lễ thế lính Hoàng Sa cũng diễn ra vào mùa xuân (mà ở trên miêu tả là vào ngày 20 tháng 2 âm lịch). Nhưng theo nhiều người trên đảo Lý Sơn, trước đây lễ tục này tùy theo năm, tùy theo tộc họ mà tế, nhưng cũng phải vào cuối tháng 2 âm lịch.

Mặt khác ở đây cũng còn thấy rằng, mặc dầu là cuộc tế lễ của người dân Lý Sơn dềnh dàng trong 3 ngày đầu, nhưng đó cũng chỉ là những ngày bước vào lễ. Lễ khao lề thực sự bắt đầu vào lúc chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ yết vào buổi chiều ngày 19 (nếu là tế chính ngày 20), là lúc ông thầy pháp bắt đầu vào cuộc, và những hình nhân lần lượt ra đời. Ngày hôm sau, là lễ tế chính với các nghi thức không mấy khác biệt với lễ thức hình nhân thế mạng với ý nghĩa tống ôn của người Chăm. Với người Chăm lễ tế ngày hôm sau gọi là “hôm ra”. Vì thế có thể xem: hai lễ tục này diễn ra có sự tương đồng về thời gian, và diễn trình các lễ thức của hai nơi dường như có vẻ tương tự như  nhau.

b- Về lễ vật, phẩm vật: Người Chăm tế thần trong nghi lễ làm hình nhân thế mạng (ngày trước) gồm: xôi, bánh đúc, xôi, trứng và hoa quả. Trong lễ chính thì phải có đủ số lượng: 9 đĩa xôi, 9 đĩa bánh đúc, 9 đĩa gạo nổ và các loại chuối, mía, trầu cau, dừa. Trong lễ thế lính Hoàng Sa thì phải có: 1 con gà, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám, xôi, nếp nổ, vàng mã, trầu rượu… Như vậy lễ vật không giống nhau nhiều, nhất là các lễ vật phải có. Nhưng ở đây là các “con số biết nói”, một bên là 9 (loại), một bên là 1 (loại). Hình như  có một sự biểu đạt nào đó bằng con số mà chúng tôi chưa biết giải mã thế nào cho đúng. Và cũng vì chưa hiểu biết cặn kẽ nên tạm thời xin được hiểu: ở vùng nào, có thứ  gì cúng thứ ấy; còn con số 9 và số 1 đều là những số ước lệ, và là số dương, số sinh sôi nảy nở.

Cũng theo tư liệu của nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, người dân ở đảo Bali (Inđônêxia) cũng có một lệ đại tống ôn cho cả đảo vào dịp lễ hội Nyepi (năm mới). Muốn nhử hồn ma bóng quỷ tập trung đông đảo, để rồi xua đuổi chúng đi, họ phải bày soạn tất cả các đồ lễ để làm sao thu hút được sự chú ý đặc biệt của chúng. Mà để làm được như vậy, họ phải có những lễ vật gồm: các loại hạt giống (bỏ trong những hộp bằng lá chuối), và các mẩu thịt sống của tất cả các loại gia súc, động vật có trên đảo. Cứ theo tư liệu này, chúng tôi ngờ ngợ rằng, hình như các loại phẩm vật hiến tế của dân Bali có điều gì đó gần gũi với các phẩm vật  hiến tế của người đất đảo Lý Sơn. Và phải chăng giả thiết trên của chúng tôi về “vùng nào, thức ấy” trong trường hợp này là có phần đúng, vàø phải chăng đó là những thứ vốn có của cư dân ốc đảo ? (Còn với người Chăm, giờ đây họ không còn sống ở ven sông, ven biển, cũng không ở ốc đảo nữa, mà đã canh tác trên những rẻo đất khô hạn ở cực nam vùng Nam Trung bộ, nên phải chăng những thứ hiến tế trên kia lại là yếu tố muộn trong lễ nghi của cư dân vốn giờ đây chỉ chuyên làm nông nghiệp ?)

Cũng trên giả thiết “vùng nào thức ấy” mà có thể nói thêm rằng, môi trường biển đã tác động đến các hình thức văn hóa tín ngưỡng, dù là chỉ biểu hiện trên các phẩm vật cúng tế (cá, gỏi cá, cua, những đồ dùng trong sinh hoạt của người đi biển), đó là chưa kể đến bình diện lớn hơn, chỉ có vùng biển Quảng Ngãi và riêng hơn vùng biển đảo Lý Sơn, mới có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

c- Về các thành phần tham gia tế tự: Ngoài những người trong tộc họ tham gia tế tự như để chứng kiến lòng thành của họ đối với những người quá cố, trang trải được nỗi niềm âu lo về số phận của những người sắp phải một mất một còn, còn có một ông thầy pháp (thầy phù thủy), là người giao tiếp với thần linh, người truyền đạt tấm lòng thành của những thành  viên trong tộc họ. Ông thầy pháp trong lễ tế lính Hoàng Sa cũng không khác mấy với ông bóng trong lễ hình nhân thế mạng của người Chăm. Những lời phù chú của ông thầy pháp xa lạ với tiếng Việt, tựa như lời phù chú của ông bóng xa lạ với tiếng Chăm (Bởi ông khấn tế bằng tiếng Java. Cách khấn tế ấy thêm phần linh thiêng. Càng khó hiểu càng thiêng, là một định đề của văn hóa tín ngưỡng. Đó chính là phương cách mà nhiều thầy cúng thường làm. Cũng tựa như kiểu ông tư văn phải xướng văn tế bằng tiếng Hán). Thầy phù thủy trong lễ tế Hoàng Sa đã “thổi linh hồn” vào hình nhân, tống tiễn hình nhân ra khơi xa để hình nhân gánh chịu mọi nỗi đau đớn cho người đang sống. Thầy bóng trong lễ cúng thế mạng của người Chăm làm cách ấy.

d- Về những hình nhân thế mạng: Những hình nhân trong lễ thế lẫn tế lính Hoàng Sa là tượng trưng cho lính Hoàng Sa. Sự xúi quẩy mà những người lính sẽ gặp trong bốn bề sóng nước thì các hình nhân này sẽ gánh chịu thay. Những xúi quẩy của cả cộng đồng làng Chăm trong tục palaw salih thì các salih sẽ gánh chịu thay cho họ. Có lẽ đây chỉ là một sự mở rộng hơn về đối tượng.

Các hình nhân thế mạng của cả 2 nơi đều được làm bằng bột gạo. Đó là sự gặp nhau kỳ diệu trong lễ thức giữa 2 nơi. Lễ của người Chăm có 4 hình nhân là hình hai nam, hai nữ, nếu là 3 thì một đàn ông, một đàn bà và một cô con gái. Lễ của người  Việt ở Lý Sơn và vùng ven biển Quảng Ngãi cũng có lúc 4 hình nhân (như 4 hình nhân của người Chăm), nhưng cũng có lúc 3 hình nhân (nếu là 3 thì đó là từ quan niệm “tam nhân đồng hành” như đã nói). Nhưng dầu có là 3, hay 4 với những biểu tượng là chồng, là vợ, là con, là nam, là nữ, là đực là cái…(của người Chăm) cũng chỉ là phiến đoạn của một lễ tục, bởi có âm có dương thì cũng là để giao hòa mà “đồng hành”.

e- Mấy lời diễn giải cuối cùng: Hiện nay trên đảo Lý Sơn còn diễn ra một tục lệ đặc biệt, đó là tục cúng việc lề vào tháng 2 âm lịch. Cúng việc lề là công việc của dòng họ, của cả làng. Không dòng họ nào, gia đình nào bỏ qua lễ thức này vào mùa xuân. Đó là tục lệ mà theo cư dân ở đây: là “khao lệ cầu an” (một cách gọi hết sức ước lệ) và là tống ôn, là cúng đất, là ngày lễ riêng của cư dân hải đảo, được tổ chức như cái tết thứ 2 sau lễ tết Nguyên đán. Tất cả mọi lễ thức diễn ra tương tự như lễ tế lính Hoàng Sa, từ lễ vật, phẩm vật, thuyền tế, hình nhân, đến ông thầy cúng… Bởi vậy, khi người ta cúng việc lề thường kèm lễ tế lính Hoàng Sa (chỉ thêm có lời khấn vái lính Hoàng Sa), tức 2 lệ nhập làm một, chứ ít khi tổ chức lễ tế lính Hoàng Sa riêng như hiện nay.

Từ điều này cho phép được nhận định:

+ Lễ tục cúng khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa mới (xuất hiện khi đã có đội Hoàng Sa) của một lễ tục cúng tống ôn đầu năm (Cũng tương tự như lệ cúng thanh minh của làng An Vĩnh tại Âm linh tự. Ngày nay Âm linh tự còn phối tế lính Hoàng Sa, và những chiến sĩ trận vong (khác) vào ngày 15 tháng 3 âm lịch. Tại Âm linh tự còn có đài chiến sĩ trận vong ở mặt tiền di tích). Mà lễ tục tống ôn cũng chỉ là lễ tục cổ nhằm cầu an, cầu mùa, cầu nước (qua con thuyền thả trôi trên biển).

+ Một lần nữa, từ những nhận xét trên, chúng tôi nghĩ rằng: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ tục vốn từ lễ tục hình nhân thế mạng của người Chăm, và lễ tục cúng việc lề là lễ tục bắt nguồn từ lễ mừng năm mới Rija Nưgar, mà người Việt tiếp nhận từ việc sống cộng cư với người Chăm, hoặc cũng có thể vốn là của người Chăm đã được Việt hóa. (Khi đã Việt hóa thì tên gọi bằng tiếng Chăm: Rija Nưgar, hoặc Palaw Salih đã không còn, mà thay vào đó là tên gọi tiếng Việt: Cúng việc lề khao lệ cầu an và lễ khao lề thế lính). Và nếu như lễ tục hình nhân thế mạng của người Chăm là một bộ phận của lễ hội mừng năm mới Rija Nưgar, thì lễ khao lề thế lính cũng vốn là một bộ phận của lễ tục cúng việc lề.

Như vậy, cái cốt lõi của 2 lễ thức Chăm - Việt này là một, cùng một tiếng nói, nhưng chỉ khác nhau trong từng chi tiết. Ngoài nét nghĩa cúng thế tế lính Hoàng Sa được “chồng xếp” lên ý nghĩa tống ôn, sự  khác biệt ở đây còn thể hiện ở các chi tiết:

1- Trong lễ vật hiến tế, vì là để tế cho những người lính đi biển, nên lễ vật hiến tế trong lễ khao lề tế lính còn có những đồ dùng cho sinh hoạt của những người đi biển (là điểm khác so với tục hình nhân thế mạng của người Chăm, nhưng cũng không khác nhau là mấy nếu so với tục chia của của nhiều đồng bào dân tộc. Người còn ở cõi dương vốn dùng gì thì sang cõi âm cũng dùng những thứ đó).

2- Trong thành phần tham gia lễ tế, sự khác nhau không phải là ở ông thầy bóng - thầy pháp, mà ở đây là ở ông thầy vỗ (trống) và hát. Trong tục của người Chăm, những tiếng trống và giai điệu bài hát của ông thầy vỗ sẽ được truyền đến tai thần linh về sự cầu mong  mọi vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, nhân dân được yên bình lạc nghiệp, không ốm đau bệnh tật. Nhưng trong lễ tế lính Hoàng Sa, lẫn lễ khao lệ cầu an, không có thầy vỗ vỗ trống và hát, mà chỉ có dàn nhạc ngũ âm và chinh cổ.

3- Cả hai nơi đều có hình nhân thế mạng, nhưng trong lễ tế lính Hoàng Sa còn có thêm những linh vị (đó là yếu tố có lẽ được du nhập muộn, khi cộng đồng cư dân Việt đã biết tự “thiết kế” thêm - các linh vị- cho phù hợp với thể thức mới - thể thức mà các vua chúa nhà Nguyễn ứng dụng cách thờ người chết của người Tàu), v.v…

Cũng cần nói thêm rằng, tục hình nhân thế mạng còn được thực hiện khi trong tộc họ có người đi lính Hoàng Sa bị chết mất xác. Lúc này người ta cũng mời thầy pháp đến nhà làm hình nộm, xong làm nghi thức “gọi linh hồn người chết” về nhập vào hình nộm, rồi đem chôn ở nghĩa địa (như có thể thấy ở nghĩa địa lính Hoàng Sa, Trường Sa trên đảo Lý Sơn). Tục này xuất phát từ quan niệm “sống có nhà, già có mồ”. Người chết có mồ yên mả đẹp bao giờ cũng làm an ủi người đang sống.

Nói chung, dù tín ngưỡng khao lề thế lính Hoàng Sa, hay cúng việc lề (mà trong đó lễ khao lề thế lính là một bộ phận của nghi thức), có thể được phát triển trên cơ tầng của một lễ hội mừng năm người Chăm, thì cái chính của tục lệ này vẫn là sự thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của  người Việt, rất nhân văn, cao cả. Tuy nhiên ở đây cũng thấy rằng, nhờ môi trường biển, môi trường dễ dàng tiếp xúc với văn hóa Chăm (như có nhà nghiên cứu đã nói: người Việt đi dọc biển mới gặp gỡ văn hóa Chăm), mà đã sinh thành nên một lễ tục độc đáo mà không nơi có: khao lề thế lính (Hoàng Sa).

Và những gì thuộc về công trạng của đội Hoàng Sa năm xưa đã được ghi trên câu đối lưu truyền tại đình làng Lý Vĩnh, dù đình Lý Vĩnh nay không còn:

Ân đức dựng xây miền đảo Lý

Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa

  • NĐV

[1].Theo Nguyễn Quang Ngọc, Về quê hương và hoạt động của đội Hoàng Sa, báo cáo khoa học tại Hội nghị tôn tạo di tích Hoàng Sa- Trường Sa do Ban biên giới Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, 10.2001

[2] Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, Nxb Sử học, HàNội, 1977, tr 119-120.

[3] Phan Huy Chú, Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.16.

[4] Xem  bài Từ việc xác lập nguồn gốc đội Hoàng Sa nghĩ về việc tôn tạo các di tích liên quan trên đất Quảng Ngãi của tác giả, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 11-2001, tr.31-33].

[5][6]. Xem Nguyễn Quang Ngọc-Vũ Văn Quân, Tư liệu về nguồn gốc và chức năng của đội Hoàng Sa, tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 4-1998, phần phụ lục, và tr.19.

[7]. Ngô Văn Doanh,  Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, H. 1998].

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Bình: “Đánh thức” du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh  (30/12/2007)
Quảng Ngãi: Phát hiện di tích Chămpa  (27/12/2007)
Dung Quất: Nhìn từ lọc dầu  (21/12/2007)
Thành cổ Quảng Trị - Điểm du lịch hấp dẫn  (13/12/2007)
Miền Trung lại đối mặt với một đợt lũ mới  (07/12/2007)
Hoàng Sa nhìn từ đảo Lý Sơn  (07/12/2007)
Vốn FDI đổ vào miền Trung - Tây Nguyên tăng đột biến  (06/12/2007)
Ra mắt bộ sách sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất từ trước đến nay  (06/12/2007)
Rêu xanh làng cổ...  (03/12/2007)
Làng cổ Đông Sơn  (29/11/2007)
Thông đường hầm thủy điện dài nhất Việt Nam   (26/11/2007)
Hình ảnh về Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2007   (22/11/2007)
Khai mạc Festival Van hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2007   (22/11/2007)
Duyên hải Nam Trung bộ: Hai bức tranh đối lập   (20/11/2007)
Chính phủ yêu cầu các tỉnh miền Trung: Nhanh chóng khắc phục hậu quả và đối phó với đợt lũ mới   (20/11/2007)