|
Hiện trường khai quật đàn Xã Tắc. |
Ngày 7.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khu di tích Đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa (TP.Huế).
Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng bắc. Tầng trên cao 1,60m, cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của ngũ hành: giữa màu vàng, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen.
Mặt nền được đặt 32 bệ đá. Tầng dưới cao 1,20m, cạnh dài 70m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.
Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật, cao 1,2m, chiều bắc-nam hơn 160m, chiều đông-tây hơn 200m. Mặt bắc tường trổ 3 cửa phường, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa.
Bên ngoài vòng tường, ở phía nam có một bình phong gạch, dài 10m, cao 3,70m, dày 0,85m. ở phía bắc, ngoài vòng tường đào hồ vuông, bờ kè đá, cạnh dài 60m.
Hàng năm, lễ tế Đàn Xã Tắc được tiến hành hai lần vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Lễ tế Xã Tắc được xếp vào hàng Đại tự và chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao.
Đàn Xã Tắc là nơi tiến hành các nghi lễ cúng thần đất và thần lúa, cầu mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Lễ tế được tổ chức đích thân vua phải tham gia làm chủ tế. Di tích này bị vùi sâu dưới lòng đã gần một thế kỷ nay và hư hại nghiêm trọng.
Đàn Xã Tắc được xây dựng năm Gia Long 5 (1806). Tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua, phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc là tượng trưng cho đất đai của cả đất nước.
Di tích này đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá nghiêm trọng nên khó có thể phục hồi nguyên trạng. Hiện có hàng trăm hộ dân đang sống trên khu di tích nên việc giải tỏa, tái định cư cho những hộ dân này gặp rất tốn kém.
Hiện Bảo tàng lịch sử Việt Nam chịu trách nhiệm thi công khai quật này.
Dự kiến sau 6 tháng nữa việc khai quật di tích này mới cơ bản hoàn thành.
. Theo VNN |