Vào mùa xuân năm Bính Thân - 1836, tức cách đây hơn 170 năm, vâng mệnh vua Minh Mạng, một vị Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam. Sự kiện đó, con người đó, hiện vẫn còn ghi trong các bộ chính sử của triều Nguyễn. Ông chính là người của làng An Vĩnh, đảo Cù lao Ré, nay là xã An Vĩnh, thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
|
TS. Nguyễn Nhã (phải) và tác giả tại mộ Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật
|
Nhiều trang sử sách của nhà nước, cũng như của các sử thần, các học giả ở Việt Nam đều có ghi chép về đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa), từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), Đại nam thực lục (được biên soạn trong 88 năm, từ năm 1821), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (được biên soạn trong 12 năm, từ 1843), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (được biên soạn trong 25 năm, từ năm 1856), Châu bản triều Nguyễn (được biên soạn từ thời Minh Mạng và Thiệu Trị), đến Đại Nam nhất thống chí (được biên soạn từ thời Tự Đức và hoàn thành vào thời Duy Tân), v.v... Ngoài ra, về hoạt động của đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa còn được ghi chép trong các sách khác, như Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833) của Phan Huy Chú, Việt sử cương giám khảo lược (1877) của Nguyễn Thông... Đó là chưa kể đến những ghi chép của Đỗ Bá trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), của Thích Đại Sán trong Hải ngoại ký sự (1696), và nhiều trang ghi ghép khác của các nhà truyền giáo, nhà buôn ở phương Tây, như F.M.Pinto, F.V.Dourado, J.B.Chaigneau, J.L.Taberd... từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 và hàng trăm tư liệu khác còn lại trong các nhà thờ tộc họ trên Cù Lao Ré cũng như các tư liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Việt được viết vào nhiều năm sau này nữa. Tất cả các tư liệu nêu trên đều góp phần xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và gắn liền với công cuộc xác lập chủ quyền đó là công trạng của hàng nghìn người sống dọc vùng ven biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó số đông là người ở An Vĩnh và An Hải trong đất liền, đặc biệt là ở An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn.
Lần giở những trang lịch sử và những ghi chép này ta không khỏi ngạc nhiên, khi thấy lần lượt hiện tên tuổi của những vị cai đội, những binh phu trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa, Bắc Hải trong suốt từ thời đầu nhà Nguyễn đến gần cuối thế kỷ 19, như Đốc chiến Võ Huệ, Khâm sai Cai thủ kiêm Cai cơ Thủ ngự quản đội Hoàng Sa Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Cai đội Nguyễn Thụ, Cai đội Nguyễn Văn Giai, Cai đội Phạm Quang Ảnh, Thủy quân suất đội Phạm Văn Biên, Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, cùng một số người khác nữa, như Phạm Văn Sinh, Võ Văn Hùng, v.v... Trong số những người này thì các vị thuộc tộc họ Phạm được nhắc đến khá nhiều trong các trang sử sách của Quốc sử quán Triều Nguyễn, như Cai đội Phạm Quang Ảnh (còn mộ gió và được thờ tự ở nhà thờ họ Phạm Quang), Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên và đặc biệt là Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1).
Về Phạm Quang Ảnh, các tư liệu này cho biết, vào tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh đi Hoàng Sa để đo đạc thủy trình. Về Phạm Văn Nguyên, các bộ chính sử cũng cho biết: Vào năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng đã phái Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng các phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu ra dựng miếu và dựng bia đá trên đảo Hoàng Sa. Riêng về Phạm Hữu Nhật, các bộ chính sử càng ghi rất rõ về công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Các bộ sử Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu và cả Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đều ghi chép rằng: Vào mùa xuân năm Bính Thân, sau khi nghe tấu trình của Bộ Công, vua Minh Mạng đã sai Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ. Mỗi bài gỗ rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc. Trên bài gỗ có khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự” (có nghĩa là: Năm Minh Mạng thứ 7, năm Bính Thân -1836, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây để ghi nhớ). Như vậy, tính cho đến nay, sự kiện này đã hơn 170 năm.
Tuy nhiên, trong suốt hơn 170 năm, không ai biết đích thực Phạm Hữu Nhật là người ở làng quê nào, dù có thể phỏng đoán ông là người ở Cù Lao Ré - Lý Sơn. Rất may là vào năm 2004, trong lúc sưu tầm tài liệu để lập hồ sơ di tích dinh Bà Roi, tộc họ Phạm Văn ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn đã phát hiện ra một số tài liệu Hán Nôm, gồm phổ hệ, sắc phong, linh vị... trong một ngôi nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn (hiện do ông Phạm Văn Đoàn phụng tự). Trong Phạm tộc thế thứ có nói đến một số người trong tộc họ đi Hoàng Sa biệt tích, trong đó có ông Phạm Văn Triều, con ông Phạm Văn Nhiên, thuộc thế hệ thứ 4 của ông Thủy tổ tộc họ Phạm Văn - một trong 13 vị tiền hiền khai phá đất đảo Lý Sơn. Căn cứ theo những ghi chép và linh vị còn thờ tại nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn, bà con tộc họ đã xác định: Phạm Văn Triều chính là tên húy của Phạm Hữu Nhật, mà trên linh vị và cả bia mộ cũ (là ngôi mộ chiêu hồn) đều có ghi rõ là: Phục vì vong Cao Bình quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị; sinh Giáp Tí niên (1804), tử Giáp Dần niên (1854). Hiện nay, ngôi mộ Phạm Hữu Nhật còn tại thôn Đông, làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, nằm bên cạnh ngôi mộ của ông thủy tổ họ Phạm (Văn) - một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đất đảo.
(1) Hiện nay trên quần đảo Hoàng Sa còn một hòn đảo tên là đảo Quang Ảnh, một hòn đảo tên là Hữu Nhật, một hòn tên Quang Hòa.
|