Tết sớm với người Cà Dong
20:57', 14/1/ 2008 (GMT+7)

Già làng Đinh Văn Nheo ở Sơn Lập huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) lấy hộp quẹt thắp nến rồi xếp những chiếc cốc thẳng hàng trên một chiếc chiếu giữa lòng nhà sàn. Ông sai thằng Deo lấy chai rượu đoác để trong góc nhà rồi rót đều ra các chén. Sau một lúc lầm rầm những câu mà chỉ có ông mới hiểu, già dõng dọc tuyên bố: “Bắt đầu được rồi lũ bay!”. Lập tức đám trung niên rồi thanh niên lần lượt trao tay những chén rượu sóng sánh như mật ong. Người Ca Dong đã bắt đầu một cái Tết của mình như thế.

 

Mời rượu trong lễ cúng cơm mới. T.Đ

 

Hạt thóc cuối cùng

Già Nheo giải thích với khách dưới xuôi: “Năm nay lũ lụt mất mùa nên người Ca Dong ăn Tết nghèo thế này thôi. Rẫy không còn hạt thóc nhưng không thể bỏ tục lệ xưa nay của ông bà”. Theo già Nheo thì năm 2007 là năm đặc biệt với vùng núi này. Đầu vụ rất thuận lợi vì mưa sớm nhưng đến khi lúa ngậm đòng là mưa tối đất trắng trời. Rồi gió bão cứ chà qua xát lại làm tơi tả các rẫy lúa. Sót được hạt nào thì trận bão cuối cùng trong năm dọn sạch luôn. Chủ tịch xã Sơn Lập- Đinh Bờ Ghi, người Ca Dong, mở sổ: “Xã có 1.019 khẩu, canh tác được 21 hecta lúa rẫy và 46 hecta lúa nước. Những năm trước đây, thời tiết thuận lợi thì bà con cũng xoay xở được tới kỳ giáp hạt nhưng năm rồi, “giáp hạt” ngay trong những ngày thu hoạch lúa vì chủ yếu là cắt rạ về cho trâu nằm chống rét!”. Nói rồi Ghi dẫn khách đi dọc tuyến đường dẫn lên đường Trường Sơn Đông, đoạn tiếp giáp với Kọn Tum. Vừa đi anh vừa giải thích: “Lúa rẫy năng suất thấp nhưng phải làm vì phòng xa, nhỡ hỏng lúa nước thì còn có nó để mà gỡ gạc chút đỉnh. Với lại nếp rẫy thơm hơn nếp cấy ruộng nước. Nếp này là nguyên liệu chính để người Ca Dong gói bánh lá dong, nấu xôi và “cơm ống tre” (gạo được ngâm nước xong cho vào ống tre và đốt đến chín). Đồng bào Ca Dong mỗi năm có một lần Tết, gọi là “cúng cơm mới”. Người Hrê dưới Sơn Hà hoặc Cor ở Trà Bồng thì gọi là Tết giã rạ. Năm nay thời tiết quá khắc nghiệt nên lúa rẫy cũng tan tành mà lúa nước cũng bầm giập”. Tôi hỏi Ghi: “Vậy lấy đâu ra nếp để gói bánh lá dong và nấu “cơm ống tre”?”. Ghi thanh minh: “Gần như đó là những hạt thóc cuối cùng sau một mùa mưa bão anh à”. Những hạt thóc cuối cùng nhưng vẫn được người Ca Dong dành dụm để tạ ơn ông bà, cúng thần sông thần núi như truyền thống ngàn đời của dân tộc họ. Trong những hạt thóc đi qua mưa bão ấy có lẫn những giọt mồ hôi và nước mắt của đồng bào. Khi bày cỗ để “cúng cơm mới” là người Ca Dong đã ký thác vào đó bao kỳ vọng về sự hanh thông suôn sẻ của mùa sau.

 

Một lễ cúng của người Ca Dong. T.Đ

 

Cúng cơm mới

Nếu thời tiết thuận lợi thì đến cuối tháng 10 âm lịch là thu hoạch lúa rẫy và sang tháng 11 là thu lúa nước. Năm nay người Ca Dong không biết thu hoạch lúa vào tháng nào vì “còn gì nữa mà thu”, như lời bà Đinh Thị Nhía ở Sơn Tinh nói. Dù vậy, việc cúng cơm mới, tức cái Tết chính của người Ca Dong thì vẫn tiến hành. Đối với đồng bào các dân tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn này, hầu như họ không quy định ngày tết cho dân tộc mình. Chỗ thì “giã rạ”, nơi thì “cúng cơm mới”, vùng thì “cúng tạ ơn”… nhưng không một tộc người nào là không có Tết. Người Ca Dong cũng vậy, mỗi làng hay mỗi gia đình tự ấn định ngày để tiến hành cái Tết cho mình. Vì vậy, Tết của họ có khi kéo dài cả tháng, hết nhà này sang nhà khác, hết làng nọ sang xóm kia. Già làng Đinh Văn Nheo tổ chức “cúng cơm mới” ngay tại nhà mình với đầy đủ các thủ tục truyền thống. Có khác chăng là khách mời của ông hôm ấy khá đông. Già làng vừa thể hiện “quyền uy”  theo “lệ” nhưng cũng vừa chứng tỏ cho dân làng biết ông ta là người khá giả hơn cả, dẫu lúa rẫy có bầm giập, lúa nước có tan tành như năm qua! Vẫn có rượu đoác nhắm với thịt gà, vẫn có cơm nếp thơm chấm muối vừng trên rẫy, có bánh lá dong ăn đệm với cơm trong ống tre. Vì không có ngày chính thức dành cho Tết nên các thủ tục cho một buổi cúng tổ tiên vô cùng đơn giản. Thế nhưng “các bước tiến hành” thì theo quy củ, không thể “tinh giản” được dù  “chủ tế” có là thanh niên tân thời vừa đi học ở tỉnh về! Quan sát họ tiến hành một buổi cúng, tôi ngộ ra rằng, tất cả những người Ca Dong trên 70 tuổi ở vùng đông Trường Sơn này chưa hề biết đến khái niệm “giữ gìn bản sắc văn hóa” nhưng họ là những người giữ gìn tốt nhất văn hóa truyền thống của dân tộc họ.

Có thể lễ cúng vô cùng đơn giản nhưng phần “hội” làng của người Ca Dong là rất sôi động. Sôi động đến mức, chỉ cần “tham chiến” một lần là tởn đến già vì họ mời rượu và uống rượu đến lúc khách “đi cấp cứu” mới thôi. Thế cũng vui nhưng mà  vui một lần thôi nếu anh là khách. Khác với người Kinh là Tết đến 3 ngày, người Ca Dong chỉ ăn Tết một ngày. Gần như sáng hôm sau, trừ những người đàn ông say quắc cần câu, tất cả những người đàn bà đều ra rẫy. Họ hái rau, lượm củi, cuốc ruộng để chuẩn bị gieo trồng mùa tới. Riêng những năm gần đây, với người Ca Dong cũng như các tộc người ở đông Trường Sơn này, đó chưa phải là cái Tết duy nhất. Họ đợi một cái Tết khác, có thể vui hơn và cũng no đủ hơn.

 

“Làm phép” trừ tà ma. T.Đ

 

Ăn Tết với người anh em

Không biết từ bao giờ, đồng bào đã ăn Tết với người Kinh. Có ngược lên vùng cao những ngày tháng Chạp âm lịch này mới thấy cái không khí háo hức đợi Tết của họ. Kể từ khi hệ thống giao thông lên vùng cao được cải thiện đáng kể, khoảng cách giữa hai miền xuôi-ngược được thu ngắn lại thì cái Tết của người Kinh cũng bắt đầu có mặt trên vùng cao. Lý giải chuyện háo hức này, ông Phan Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh huyện Sơn Tây nói: “ Thứ nhất là Tết người Kinh có nhiều trò chơi. Chẳng hạn như các huyện miền núi thường tổ chức thi văn nghệ trong đêm 30 Tết hoặc tổ chức đón giao thừa, có cả liên hoan mặn, ngọt đủ kiểu. Một số bà con dân tộc còn được “lì xì” nhân năm mới. Nhưng có lẽ điều bà con trông đợi không chỉ là “không khí đón xuân” mà cái chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào nhân dịp xuân về. Chẳng hạn như năm nào cũng cấp gạo, mắm, muối, bột ngọt, hoặc bánh kẹo cho bà con để ăn Tết cùng với người Kinh”.

Biết đồng bào sẽ ăn Tết với người Kinh nên năm nay, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi làm “trái ý” Chính phủ! Nghĩa là, thay vì cấp 2.000 tấn gạo một lượt cho bà con vùng lũ hôm tháng 11.2007 thì tỉnh lại “ngắt” làm hai lần. Vì nếu cấp một lần, thấy nhiều gạo, bà con sẽ “chuyển” thành rượu thì đến Tết sẽ không có gì để “cúng cơm mới” (lần 2) nữa! Tranh thủ những ngày nắng ráo đầu tháng Chạp âm lịch vừa qua, hàng trăm tấn gạo lại theo xe tải ngược lên vùng cao để bà con kịp ăn Tết.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây-địa phương có số người Ca Dong chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh Quảng Ngãi, đưa tôi lên vùng cao nhất của huyện Sơn Tây cũng là của tỉnh để “xem không khí Tết” như mong muốn của ông. Đã qua hai tháng lũ rồi mà con đường đất dẫn về  đường Trường Sơn Đông vẫn còn quá nhiều hầm hố và lầy lội. Vậy mà những chiếc xe chở gạo cho đồng bào kịp ăn Tết vẫn bò từng chút một để mang niềm vui đến với bà con. Anh Lê Văn Hải, tài xế xe tải gạo, khoe: “Nghe nói chở gạo đi Sơn Tinh, Sơn Lập là tụi em hoải cả người nhưng lên đây thấy bà con mình còn quá khổ, mong gạo hơn cả trời hạn mong mưa nên tụi em vui”. Đâu chỉ mình Hải mới “hoải” rồi “vui”, những ai từng chứng kiến những người mẹ, người chị Ca Dong lên rẫy bòn từng hạt thóc để có cái mà “ăn Tết” , mà “cúng cơm mới” rồi thấy từng xe chở gạo của những người anh em dưới xuôi mang tặng thì cũng đều vui như… Tết cả!

Với người Ca Dong, Tết này ngoài những định suất như mọi năm, họ còn có thêm những ký đường, những túi bột ngọt và cả những cân gạo nghĩa tình của người vùng xuôi gửi tặng để san sẻ với những khó khăn của đồng bào qua một vụ mùa thất bát vì lũ lụt nữa.

  • Trần Đăng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước  (11/01/2008)
"Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ"  (08/01/2008)
Khai quật di tích Đàn Xã Tắc ở Huế  (08/01/2008)
Đăk Lăk: Tiềm năng là thủy điện và chế biến nông sản  (07/01/2008)
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa  (04/01/2008)
Quảng Bình: “Đánh thức” du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh  (30/12/2007)
Quảng Ngãi: Phát hiện di tích Chămpa  (27/12/2007)
Dung Quất: Nhìn từ lọc dầu  (21/12/2007)
Thành cổ Quảng Trị - Điểm du lịch hấp dẫn  (13/12/2007)
Miền Trung lại đối mặt với một đợt lũ mới  (07/12/2007)
Hoàng Sa nhìn từ đảo Lý Sơn  (07/12/2007)
Vốn FDI đổ vào miền Trung - Tây Nguyên tăng đột biến  (06/12/2007)
Ra mắt bộ sách sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất từ trước đến nay  (06/12/2007)
Rêu xanh làng cổ...  (03/12/2007)
Làng cổ Đông Sơn  (29/11/2007)