|
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam). (Ảnh: du lịch. quảngnamnet) |
Khi những tour du lịch đến các danh lam, thắng cảnh đã trở nên quen thuộc thì một bộ phận không nhỏ du khách lại tìm đến với những hành trình mới mẻ hơn. Việc bám theo nhu cầu của “thượng đế” để mở mang môi trường du lịch là cách tốt nhất để giữ chân du khách lâu hơn. Nhưng với làng nghề - một cách lựa chọn mới - có sức hấp dẫn đến đâu và tồn tại bao lâu vẫn là chuyện mà các nhà quản lý, làm tour loay hoay tìm cách trả lời!
Ý tưởng mở những tour du lịch làng nghề không mới. Kể từ sau tháng 12.1999, đô thị cổ Hội An và khu di tích Chăm Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, thông qua quảng bá, hoạt động lễ hội, lượng khách du lịch đến Việt Nam và vùng du lịch động lực miền Trung gia tăng đáng kể, luôn đẩy các khách sạn vào tình trạng quá tải. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã mở các tour du lịch đến các làng nghề. Doanh thu du lịch không ngừng tăng lên. Nhưng xét cho cùng, thắng lớn của ngành du lịch chỉ gói gọn trong hoạt động kinh doanh lưu trú. Con số thu được từ lữ hành còn quá nhỏ lẻ. Sự thiếu vắng các sản phẩm lẫn sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch trong tương lai đã buộc các nhà du lịch nhiều lần ngồi lại tìm đường khai thông. Đã từng có các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, mạo hiểm, du lịch theo chủ đề... và đến thời điểm này, làng nghề là một trong những lựa chọn số 1.
Nhưng cũng đã nhiều năm rồi, số phận của làng nghề, nghệ nhân với đôi tay vàng của xứ Quảng dần rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2002, một cuộc khảo sát kéo dài trong vòng 6 ngày qua 12 làng nghề đặc trưng do liên Sở Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế hợp tác đã mở đường cho các tour làng nghề ra đời. 12 làng nghề (riêng Quảng Nam có Kim Bồng, Thanh Hà, Trà Quế, Phước Kiều, Mã Châu, Đông Yên) đều được lên kế hoạch để tìm kiếm cơ hội đầu tư, để phục hồi và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng du lịch động lực miền Trung.
Một cuộc tranh biện khá căng thẳng, gay gắt nhưng đầy thiện chí nổ ra ngay giữa ngày công bố kết quả đợt khảo sát, xây dựng tour hoàn chỉnh. Liệu có thể mở tour hay không khi hầu hết các làng nghề đều trong tình trạng suy vong? Song, cuối cùng, tất cả đều nhất trí việc xây dựng tour du lịch làng nghề hoàn toàn khả thi, phù hợp với định hướng phát triển du lịch và tiềm năng vốn có tại các địa phương.
Các công ty lữ hành 3 địa phương đã tìm thấy cơ hội làm ăn từ làng nghề, hăm hở sẵn sàng vào cuộc khi tour du lịch được mở. Thế nhưng, 5 năm qua, thương hiệu “Con đường di sản” như một đứa con vô thừa nhận. Rất nhiều cuộc họp bàn của các quan chức du lịch 3 địa phương cũng chỉ kết nối được sự hợp tác quảng bá chung “tam giác di sản” vào giữa năm 2007; còn lại, các doanh nghiệp đã phải “đơn thương độc mã” lo liệu, kéo theo sự chết yểu của du lịch làng nghề trên “con đường” này. Duy chỉ Quảng Nam, với tốc độ phát triển du lịch và đầu tư thích đáng và thông qua lễ hội, các làng nghề đã bắt đầu “sống” lại từ bước chân du lịch. Ngoài một số tour như “Một ngày làm cư dân phố cổ” tại làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng (Hội An) đã có thể phát triển nhờ các doanh nghiệp tổ chức, còn các làng nghề khác dù đã rất nổi tiếng với các sản phẩm hiện tại và cả tiếng vang trong quá khứ như Phước Kiều, Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai... cũng phải chịu chung số phận: tàn theo lễ hội.
Một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức GTZ trên 30 làng nghề Quảng Nam đã cho ra một nhận xét khá thú vị là tiềm năng du lịch làng nghề khá lớn. Bởi các làng nghề truyền thống đã có thương hiệu nổi tiếng lâu đời, cảnh quan làng nghề đẹp, cơ sở hạ tầng thuận lợi và khả năng liên kết với các chương trình tour và điểm du lịch khác khá cao. Tuy nhiên, muốn thành công một cách bền vững và để đủ khả năng hấp dẫn du khách thì phải giải quyết cho được các khâu như công tác quản lý của cộng đồng, đào tạo nâng cao nhận thức về nghề thủ công truyền thống và du lịch, xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn viên tại điểm, quy hoạch các nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất và tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả thì: mục tiêu sản phẩm du lịch làng nghề là ưu thế của du lịch Quảng Nam. Phải đưa làng nghề thành các điểm du lịch, góp phần phong phú sản phẩm du lịch và chủ trương đẩy mạnh việc phát triển du lịch làng nghề là một trong những lựa chọn số 1 của Quảng Nam.
Việc xây dựng tour du lịch làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm mở rộng không gian, đa dạng hóa các loại hình du lịch, bổ sung thêm nhiều sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến miền Trung hay Quảng Nam, góp phần thúc đẩy không chỉ du lịch mà còn cho các loại hình kinh tế khác tại địa phương đúng định hướng và bền vững là một chương trình hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tour du lịch làng nghề trên “Con đường di sản” có bán được tour, có thật sự hấp dẫn du khách lâu dài, có đúng như ý đồ của những người hoạch định hay không, thì chỉ riêng ngành du lịch thôi chưa đủ. Đã đến lúc cần có thêm yêu cầu tự vận động từ phía các làng nghề, cùng nỗ lực “xắn tay áo” của nhiều ngành.
. Theo báo Quảng Nam |