Hàng năm cứ vào độ tháng 2, khi những thảm dã quỳ nở vàng trên khắp núi đồi cũng là lúc Tây Nguyên bước vào mùa lễ hội. Với người Ba na, lễ đóng cửa kho lúa là sự khởi đầu của mùa Tang - amang ngất ngây rượu cần; với người Jrai là lễ bỏ mả, lễ đâm trâu truyền thống kéo từ ngày sang đêm, từ đêm sang ngày, dài như không muốn dứt. Âm thanh rộn ràng của trống, của chiêng, của câu ca điệu hát, hòa vào hương thơm sóng sánh của những ché rượu cần và sắc màu rực rỡ của thổ cẩm là một nét riêng độc đáo trong lễ đâm trâu của người Jrai.
|
Làm lễ trước khi đâm trâu. (Ảnh: MT)
|
1- Cuối năm, người bạn ở Tây Nguyên báo tin: Về nhà mình đi! Xem đâm trâu.
Thì về. Gom vội ít hành lý, phóng lên con "ngựa sắt" nhằm thẳng hướng phố núi mà đi. Đánh vật với quãng đường gần 300 cây số, qua phố qua làng, qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, đang mùa trút lá, khi hoàng hôn chực trùm xuống dãy Chư Rao ngất ngưỡng trên nền trời Krông Pa (Gia Lai), tôi mới đến được buôn Chính Đơn 1, xã Ia Mlăh.
Người Ia Mlăh ai cũng bảo nhà ma Hoa giàu. Mà đúng là giàu thật. Cả một vạt đồi hơn 20 ha trồng lúa, mì, thuốc lá và đàn bò vài chục con đều là của nhà ma Hoa. Có tiền từ hạt lúa, củ mì, sợi thuốc, ma Hoa dựng hẳn một căn nhà ngói khang trang, trong nhà có cả tivi màu, đầu đĩa, có bể nước bơm lên từ giếng trong văn vắt, mát lạnh, lại xây thêm 3 lò sấy thuốc lá để phục vụ cho bà con trong làng.
Dù sáng mai mới đến Lễ Đâm trâu nhưng sân nhà ma Hoa đã ríu rít tiếng người. Bên bếp lửa rừng rực cháy, đám con gái, con dâu ma Hoa đang xúm xít nấu cơm, má hồng như đánh phấn. Tại một góc vườn, mấy thanh niên hì hụi làm thịt một con bò chuẩn bị cho bữa tối. Còn trên khoảnh ruộng vừa mới gặt còn trơ gốc rạ, ma Hoa và hàng chục đàn ông, già có, trẻ có, cùng chung tay dựng cột để buộc trâu. Một sợi dây mây rừng dài mấy chục mét được nối từ đỉnh cột vào kho lúa như là con đường để sang năm, lúa từ ngoài ruộng, ngoài nương, biết mà tìm về. Chỉ có những cụ già như Adôn Yưn, Adôn Yan, Adôn Kép là thảnh thơi dưới chân nhà sàn trầm ngâm đốt thuốc rê, uống rượu cần…
Cột để buộc đâm trâu dựng xong, đến phần dựng “cây tương lai” như quan niệm của người Jrai. Trong bất cứ lễ đâm trâu nào cũng phải có một thân cây được trồng vào chính giữa cột đâm trâu, nếu cây sống là dấu hiệu của ấm no, hạnh phúc, nếu cây chết là những lời khẩn cầu của gia đình vẫn chưa được Yàng ưng thuận. Cả nhà ma Hoa xúm vào nâng thân cây goòng mới chặt ở rừng về nghe thầy cúng Ơi Ố lầm rầm đọc lời khấn cầu. 7 giọt nước trên tay Ơi Ố vảy vào phần gốc cây là mong muốn cho nhà cửa được mát mẻ, ấm no, hạnh phúc; 10 giọt nước Ơi Ố vảy vào gốc cây là mong ước mùa màng bội thu, trồng cây gì cây ấy mọc lên tươi tốt, nuôi con bò, con heo, con gà sẽ sinh đàn đẻ đống. Cây trồng xuống, Kpă Boch - con rể ma Hoa được giao nhiệm vụ cột con trâu đen hơn 2 năm tuổi béo nung núc, mà ma Hoa đã phải đổi bằng 2 con bò hồi năm ngoái vào chiếc dây mây tết lại to bằng cổ tay người lớn. Bóng chiều vừa tắt, một con gà, một đĩa gạo, một bát nước được đem ra bày trên chiếc chiếu hoa gần ngay cột đâm trâu. Họ hàng nhà ma Hoa mấy chục người già trẻ ngồi quanh Ơi Ố thực hiện nghi lễ cúng thần nước, thần đất, thần lang, thần rừng để cầu cho ấm no, hòa thuận; cúng để xua đuổi tà ma, thú dữ không còn về quấy nhiễu gia đình, làng bản.
|
Nhảy múa bên trâu. (Ảnh: MT)
|
2- Rồi tiếng chiêng, tiếng trống thậm thình vang lên. Rồi nhảy múa. Những chàng trai Jrai khỏe mạnh, những cô gái Jrai xinh xắn từ khắp làng tìm đến nối nhau trong điệu múa Tâm Ya xoay tròn quanh chiếc cột đâm trâu. Rượu đã đổ đầy ché, thịt bò đã bày đầy đĩa. Ai khát thì tới mà uống, ai đói thì tới mà ăn. Uống rồi, ăn rồi thì lại đứng lên mà múa. Giữa màn đêm huyền hoặc dưới chân núi Chư Drăh, bên những đống lửa được đốt lên để xua tan cái lạnh của gió núi, sương đêm, tiếng trống, tiếng chiêng hòa vào cùng điệu múa Tâm Ya tưởng như không bao giờ dứt. Già hơn 80 tuổi như Adôn Yưn, Adôn Yan mà còn múa không biết mệt thì chẳng ai mệt cả. Màn đêm cứ buông, những vòng Tâm Ya vẫn cứ cuộn xoay như dòng suối ngàn năm vẫn chảy…
Bên ché rượu cần và đống lửa rừng rực đỏ, ma Hoa chỉ tay về phía ngọn Chư Drăh dẫn chúng tôi vào một câu chuyện lung linh như cổ tích: Ngày xưa, có một lần, bà của mí Hoa ra con suối dưới kia lấy nước thì thấy một con rồng vàng nổi lên. Bà sợ quá, lấy chiếc áo trên người ném xuống. Sáng mai ra, thấy chỗ con rồng nổi lên có 3 hạt ngọc. Bà đem về để trên gác bếp. Từ đấy, nhà cửa luôn ấm no, vui vẻ. Chỉ tiếc là hồi giặc Pháp đến làng, chúng đã cướp mất mấy viên ngọc đó… Câu chuyện của ma Hoa hòa cùng men rượu cần như cuốn tôi miên man về miền cổ tích xa xôi…
Bình minh ló rạng trên đỉnh Chư Rao, là lúc họ hàng nhà ma Hoa đã khoác sẵn lên mình những bộ thổ cẩm truyền thống chuẩn bị cho giờ phút quan trọng nhất: Đâm trâu. Lại múa, lại hát… Sau 10 vòng Tâm Ya, ba chàng trai Jrai khỏe mạnh nhất được chọn cầm theo dao nhọn để thực hiện nghi lễ thiêng liêng này. Đâm trâu xong, thịt được xẻ ra để cúng Yàng; đâm trâu xong là đến phần ăn trâu. Người buôn Chính Đơn 1 kéo đến, người làng khác kéo sang; người Ia Mlăh cũng có, người xã khác cũng có. 70 ghè rượu mà mí Hoa đã chọn những hạt thóc nếp ngon nhất, những hạt ngô đẹp nhất để làm từ 3 tháng nay lần lượt được mang ra; người tới ăn trâu ai cũng xách theo rượu. Hàng trăm ghè bày ra một lúc, thơm lựng trong gió. Nước rót vào, rượu rót ra. Uống bằng bát cũng được, uống bằng cần cũng được. Rồi thi nhau cười, thi nhau nói. Cười nói chán thì lại múa, múa mệt thì lại uống, lại ăn… Uống cho chủ nhà vui, ăn cho chủ nhà mừng. Mí Hoa, ma Hoa hết đi chỗ này lại đi chỗ khác, rượu lúc nào cũng sóng sánh trên tay. “Vui lắm, mừng lăm” - mí Hoa cười. Còn ma Hoa thì bảo: “Mình đâm trâu là để cúng Yàng, cúng tổ tiên. Cũng là để nhắc nhở cho con cháu nhớ về truyền thống văn hóa của dân tộc. Mình còn nhờ cả người quay phim để sau này con cháu có cái mà xem lại, rồi nhớ mà giữ gìn”.
|
Đâm trâu. (Ảnh: MT)
|
3- Lễ đâm trâu kéo dài ba ngày ba đêm. Ba ngày ba đêm uống rượu, ba ngày ba đêm múa Tâm Ya mà chẳng ai thấy mệt. Chỉ thấy miệng ai cũng cười, mắt ai cũng lấp lánh niềm vui. Tan lễ, tôi về lại dưới xuôi. Ra đến cổng ma Hoa, mí Hoa vẫn cứ ép phải ăn thêm một miếng thịt, uống thêm một bát rượu mừng nữa. Ma Hoa cầm tay lắc lắc, ánh mắt chân thành: “Năm sau, nhớ lại về !”.
Tạm biệt Ia Mlăh - vùng đất anh hùng trong những năm kháng chiến, tôi đi trong niềm vui lâng lâng về một vùng quê đang từng ngày thay da đổi thịt và những bà con Jrai hiền lành, chân chất như núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
|