Đìu hiu Tây Sơn thượng đạo
16:29', 5/10/ 2008 (GMT+7)

Một miếu thờ ở An Khê đình (đình Trong) bị hoang phế

Festival Tây Sơn – Bình Định lần thứ nhất vừa được tổ chức hoành tráng, thu hút hàng vạn lượt khách đến với miền đất võ. Nhưng chỉ cách không khí náo nhiệt của lễ hội này vài chục cây số lại là sự đìu hiu của di tích Tây Sơn thượng đạo – nơi trước đây nghĩa quân Tây Sơn tập hợp binh lực để thực hiện cuộc Nam chinh, Bắc phạt.

Ngược dòng lịch sử  

Theo sử sách, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, gồm cả phần đất phía Đông và phía Tây đèo An Khê. Phần đất bằng phẳng phía Đông gọi là Tây Sơn hạ đạo (nay là tỉnh Bình Định) và phần phía Tây có địa hình núi non hiểm trở gọi là Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Ch’ro của tỉnh Gia Lai). Tây Sơn thượng đạo là vùng đất rộng lớn, tương đối bằng phẳng, xung quanh là rừng rậm tạo nên bức tường thành vững chắc. Từ Tây Sơn hạ đạo lên Tây Sơn thượng đạo chỉ có một con đường duy nhất, đèo cao, vực sâu hiểm trở.

Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn chọn vùng đất này để lập doanh trại, chiêu mộ quân sĩ và rèn binh. Ở đây, nghĩa quân Tây Sơn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân mà đặc biệt là đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng…

Tiêu biểu cho tình cảm và sự ủng hộ chính là việc tù trưởng người Ba Na đã gả người con gái xinh đẹp, tài giỏi Ya Dok cho Nguyễn Nhạc. Ya Dok đã vận động nhân dân khai phá đất đai để sản xuất, nuôi quân (ngày nay tại huyện K’Bang vẫn còn dấu tích cánh đồng Cô Hầu và vườn cam, vườn mít của nàng Ya Dok). Sau khi xây dựng căn cứ vững chắc, tập hợp binh mã hùng mạnh, năm 1773 nghĩa quân Tây Sơn tiến quân đánh vùng hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, rồi phủ Quảng Ngãi, sau đó cùng nhân dân đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào năm 1789.

Theo những tài liệu và dấu tích còn lưu lại, có thể phác họa di tích Tây Sơn thượng đạo gồm 3 vòng, tập trung chủ yếu tại thị xã An Khê ngày nay. Thôn An Lũy là vòng phòng thủ trung tâm, nơi đóng chỉ huy sở của nghĩa quân, nơi tập trung binh lính, sinh hoạt ăn ở và rèn binh, tập trận. Chỉ huy sở được xây dựng rất kiên cố gồm An Khê đình (đình Trong) và An Khê trường (đình Ngoài), xung quanh được bao bọc bằng thành cao, lũy dày.

Vòng phòng thủ thứ hai là 4 chốt quân: chốt An Tân, An Phú, An Xuyên và An Phong. Những chốt quân này làm nhiệm vụ phòng ngự từ xa, thông tin liên lạc để giữ đình, đồng thời là điểm hỗ trợ khi có sự biến trong lũy và là nơi để binh lính trong lũy tiến hoặc rút quân. Vòng ngoài gồm 3 điểm là núi ông Bình (tên gọi khác của Nguyễn Huệ), núi ông Nhạc (Nguyễn Nhạc) và gò Kho (gò đất cao nằm phía dưới núi ông Bình, ông Nhạc) canh giữ đường đèo An Khê, đề phòng sự tấn công của quân đội nhà Nguyễn từ phía hạ đạo lên.  

Đìu hiu di tích 

Ngày nay, tại các huyện K’Bang, Kông Ch’ro và thị xã An Khê vẫn còn nhiều dấu tích của thời kỳ Tây Sơn dựng cờ khởi nghiệp. Năm 1991, quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa, gồm: An Khê đình, Gò Chợ, hòn đá ông Bình, hòn đá ông Nhạc, vườn mít – cánh đồng Cô Hầu, kho tiền – nền nhà ông Nhạc.

Dù đã trở thành "tài sản quốc gia" nhưng quần thể di tích này vẫn đang bị xuống cấp trầm trọng. An Khê đình và An Khê trường nằm ngay trung tâm thị xã An Khê nhưng do thiếu sự quan tâm chăm sóc nên nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, đồ dùng tế lễ bị mất mát… Di tích các chốt quân bị đổ nát, cây cỏ mọc um tùm (ngoại trừ chốt An Phú nằm giữa khu dân cư). Các di tích khác gắn với thời kỳ Tây Sơn khởi nghiệp cũng mất dần theo thời gian: Cánh đồng Cô Hầu biến dạng vì người dân lấy đất canh tác, vườn cam chỉ còn vài cây; nền nhà ông Nhạc cũng thành phế tích…

Không chỉ những giá trị vật thể mà cả những di sản phi vật thể cũng đang mai một dần. Để kỷ niệm ngày chiến thắng quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn, cứ ngày mồng 4 tết hàng năm người dân trong vùng đều tổ chức lễ dâng hương và đến sáng mồng 5 kéo về huyện Tây Sơn (Bình Định) dự lễ hội Đống Đa. Còn vào ngày 9 và 10-2 hàng năm thì người dân kéo về hai đình tế lễ tưởng nhớ ngày Quang Trung truyền chỉ mở hội ăn mừng chiến thắng quân Thanh…

Nhưng nhiều năm qua, một bộ phận không nhỏ, nhất là giới trẻ, đã không còn mặn mà lắm với những nghi lễ truyền thống này. Những người am hiểu và tâm huyết với công tác tổ chức cũng không còn nhiều. Cụ Huỳnh Ngọc Chương (thường gọi là cụ Mười Chương, người đã nối nghiệp ba đời giữ đình nhà Tây Sơn) tâm tư: "E rằng sau này khi lớp chúng tôi về với tổ tiên thì khó kiếm được những người tâm huyết để trông nom và lo việc tế lễ tại đình".

. Theo SGGP

Một điểm đến hấp dẫn

Di tích Tây Sơn thượng đạo không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn là một tài sản lớn của ngành du lịch.

Năm 1997, Trung ương đã đầu tư 10 tỷ đồng để bảo tồn khu di tích này. Hiện các di tích chính trong quần thể như: An Khê đình, An Khê trường trùng tu sắp xong; một bảo tàng khá lớn được xây mới cũng sắp hoàn thành để trưng bày những hiện vật được sưu tầm và phục chế về nghĩa quân Tây Sơn.

Ông Lê Khắc Thiện, Trưởng phòng VH-TT thị xã An Khê, cho biết: "Thị xã đang chuẩn bị để tổ chức lễ hội 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào dịp Tết Kỷ Sửu 2009 với nhiều hoạt động phong phú. Về lâu dài, Phòng VH-TT sẽ tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống, mục tiêu xây dựng khu di tích thành điểm du lịch văn hóa – lịch sử; tăng cường quảng bá hình ảnh và thiết kế các tour du lịch nối di tích Tây Sơn (Bình Định) với Tây Sơn thượng đạo".

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dự án 8 tỷ USD xin đầu tư vào Quảng Nam  (01/10/2008)
UNESCO tiếp tục đề nghị lập hồ sơ công nhận sông Hương là di sản văn hóa thế giới  (29/09/2008)
Cấp điện cho hơn 1.200 thôn, buôn ở Tây Nguyên  (29/09/2008)
Miền Trung: Ráo riết phòng tránh mưa bão  (28/09/2008)
Thổ cẩm Tây Nguyên liệu có bị mai một?  (25/09/2008)
Lần đầu tiên phát hiện di cốt người tiền sử ở Gia Lai  (24/09/2008)
Vốn FDI vào trung Trung bộ liên tục tăng  (16/09/2008)
Miền Trung: “Chạy” trước mùa mưa bão  (12/09/2008)
Giá muối cao, diêm dân vui nhưng vẫn lo!   (05/09/2008)
Tháng của những người mẹ anh hùng  (29/08/2008)
Phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng không được phá hủy tiềm năng du lịch  (28/08/2008)
Hơn 6.000 tỉ đồng xây dựng thành phố môi trường  (26/08/2008)
Tây Nguyên sẽ là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước  (18/08/2008)
Nơi Thiên Y A Na giáng trần  (18/08/2008)
Xây sân bay trực thăng tại khu kinh tế Vân Phong  (14/08/2008)