|
Khu kinh tế Dung Quất |
Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, Trường Đại học mở TPHCM phối hợp tổ chức...
Hội thảo diễn ra ngày 19.10, tại khu Kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi thu hút sự tham gia của trên 100 chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực và được áp dụng cơ chế - chính sách phát triển của 1 khu kinh tế mở; trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng. Hiện khu kinh tế Dung Quất thu hút trên 160 dự án, vốn đầu tư đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD. Dự báo yêu cầu lao động của Dung Quất từng giai đoạn đến 2010 là 32.000 người, 2015 là 80.000 người và 2020 là 100.000 người; trong đó, do tính chất phát triển công nghiệp là trọng tâm nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo, với tỷ lệ tối thiểu 60 - 70%.
Gần 20 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại Hội thảo đề cập những góc độ khác nhau về nguồn nhân lực cho khu kinh tế Dung Quất thời kỳ hội nhập.
Nhiều đại biểu cho rằng: Khác với hai trung tâm lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực cho miền Trung gặp khó khăn hơn, do vậy cần có giải pháp tương ứng.
Theo Tiến sĩ Trương Đình Hiển, Nghiên cứu viên cao cấp Phân viện Vật lý Thành phố Hồ Chí Minh:“ Nguồn nhân lực đối với miền Trung phải phân ra hai loại: Tập hợp nhân lực cộng với đào tạo nhân lực. Miền Trung có trụ được hay không, tiến lên hay không phải có một chính sách để tập hợp nhân lực. Đây là điều khẩn cấp mà tất cả các KKT miền Trung, vùng trọng điểm kinh tế miền Trung buộc phải làm. Nếu không nhìn thấy vấn đề này là sẽ thất bại. Đồng thời trong khi đó, mở trường đào tạo nhân lực, đưa đi đào tạo trong và ngoài nước, đưa về làm việc phía sau các chuyên gia mà mình tập hợp. Trên cơ sở đó, mươi năm sau họ mới trưởng thành và dần thay thế được. Đây phải coi là một nguyên lý và một bài học thực tế”
Ở lĩnh vực đào tạo, chưa xét đến mặt chất lượng mà về số lượng đào tạo, hệ thống trường ĐH, CĐ Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận mới đáp ứng được non một nửa nhu cầu lao động có kỹ thuật, tay nghề cao cho Dung Quất. Lời giải tích cực nhất là vấn đề liên kết giữa nhà trường và nhà trường, nhà trường và doanh nghiệp, liên kết trong nước và nước ngoài... Ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban Khu kinh tế Dung Quất cho rằng: Phải cần đến sự liên kết của cả hệ thống trường của miền Trung, thậm chí cả nước, với nhiều hình thức. Có thể đào tạo tại các thành phố, hoặc có thể các trường liên kết với trường ở Quảng Ngãi đào tạo tại chỗ, thu hút con em địa phương học vừa đỡ tốn chi phí, vừa thuận lợi và phải gắn với nhà máy để họ thực tập. Cũng tại Hội thảo này, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất có những bản cam kết ghi nhớ về hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực giữa các Trường và các Doanh nghiệp đang đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất, một số trường Đại học trong nước và nước ngoài phục vụ nhu cầu phát triển của KKT Dung Quất thời gian đến./.
. Theo VOV News |