Tại Quảng Nam, do mưa lớn tại địa bàn các huyện miền núi đã phát sinh lũ cục bộ chia cắt nhiều tuyến đường. Mưa lớn tại Đà Nẵng cũng làm nước sông dâng cao.
Quảng Nam: Lũ chia cắt giao thông
Tại xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm, Hội An), do ảnh hưởng của bão, nên gây ách tác giao thông từ đất liền ra đảo đã khiến hơn 100 người dân bị mắc kẹt, không về được với gia đình. Chính quyền Thị xã Hội An đã điều động đưa một tàu cao tốc chuyển hơn 100 người dân cùng 10 tấn lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác đã cập đảo an toàn sau nhiều giờ vật lộn với sóng lớn.
|
Lốc cục bộ chia cắt nhiều tuyến đường. |
Được biết, trong nhiều ngày qua, tại xã đảo Cù Lao Chàm bị ảnh hưởng của bão, không có bất kỳ tàu nào từ đất liền ra biển nên thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ 3 nghìn dân trên hòn đảo này bị cạn kiệt nghiêm trọng.
Tại các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước… đã có mưa to trong đêm 17.11 và đến chiều ngày 18.11 đã phát sinh lũ quét cục bộ nhiều nơi khiến nhiều tuyến đường lên miền núi bị tắc do nước lũ dâng cao…
Trên tuyến đường 616 từ TP Tam Kỳ đi Tắc Pỏ (Nam Trà My) có nhiều đoạn ngầm, cầu bị ngập khiến giao thông bị đình trệ vào sáng ngày 18.11. Đoạn nước ngập sâu nhất gây ách tắc giao thông hoàn toàn tại ngầm sông Trường (Thị trấn Bắc Trà My). Mực nước lũ tại đây lên rất nhanh, và chảy xiết đã làm hàng chục cán bộ, giáo viên, cùng hàng trăm học sinh bên kia sông Trường không thể đến được trường.
Ngay nhiều xe công vụ của các đoàn công tác của tỉnh và huyện đi công tác tại huyện vùng cao Nam Trà My đành phải huỷ chuyến công tác quay trở về vì nước lũ chia cắt toàn bộ tuyến đường.
Nhiều người dân tại đây cho biết, mưa lũ lên rất nhanh và chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, khiến học sinh cũng như người dân đi lại khó khăn.
Trước tình hình nước lũ dâng cao, UBND huyện Bắc Trà My đã có thông báo nghiêm cấm người dân đi lại khi không cần thiết. Đặc biệt là khuyến cáo học sinh đi lại thăm thầy cô giáo nhân ngày 20.11
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh ở phía bắc, lượng mưa tại các huyện miền núi Quảng Nam từ đêm qua đến nay khá cao, từ 75mm đến gần 130mm. Riêng các huyện đồng bằng phía nam của Quảng Nam mưa to hơn các huyện phía bắc. Đợt mưa này còn kéo dài đến ngày 22.11.
Đà Nẵng: Nước sông lên nhanh
Chiều tối ngày 18.11, Đài khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ cho biết, do ảnh hưởng bão số 10, từ đêm 17 và suốt ngày 18.11, khu vực từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Riêng tại Đà Nẵng và Quảng Nam, lượng mưa tăng mạnh nhất ở Trà My, Khâm Đức, Tam Kỳ, Tiên Phước, Phước Sơn (Quảng Nam) và Tiên Sa (Đà Nẵng).
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước các sông từ TT-Huế đến Quảng Nam đang lên nhanh. Tại Quảng Nam, mực nước lúc 16h trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa và sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ dưới báo động 1; tại Đà Nẵng, mực nước trên sông Hàn tại Cẩm Lệ trên báo động 1 là 0,13m. Trong hai ngày tới lũ trên các sông từ TT-Huế đến Quảng Nam tiếp tục lên nhanh.
Dự báo lũ các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên. Vùng núi các khu vực trên có nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ lưu các sông bị ngập lụt trên diện rộng.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ trên nhiều tuyến đường. Đặc biệt, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng trên QL 1A bị ngập sâu từ 0,3 – 0,7m ở nhiều điểm trong nhiều giờ liền, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Hàng trăm ô tô và xe máy bị kẹt lại, nhiều phương tiện bị chết máy do ngập nước. Tại đoạn ngã ba trước KCN Hoà Khánh, nước ngập sâu khiến nhiều ô tô tải không thể vào để vận chuyển hàng.
Đáng chú ý, sau hơn 1 ngày khẩn trương khắc phục, giải toả gần 1.500m3 đất đá sạt lở do mưa lũ, Công ty Quản lý sửa chữa Công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng vẫn chưa giải phóng được hoàn toàn tuyến đường ĐT 604 ở đoạn Dốc Kiền thuộc khu vực giáp ranh 3 huyện là Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và Hoà Vang (Đà Nẵng).
Hiện chỉ mới có xe tải 3 cầu đi qua được đoạn đường này, còn các xe tải 1 cầu, 2 cầu và xe khách vẫn tiếp tục ách tắc.
Đường ĐT 604 là tuyến giao thông huyết mạch nối 2 huyện Đông Giang và Tây Giang với TP Đà Nẵng. Đêm 17.11, mưa lớn đã làm hàng ngàn m3 đất đá từ trên núi sạt lở xuống mặt đường. Đặc biệt, nhiều vết vết nứt trên đỉnh núi bị nước mưa khoét rộng thêm khoảng 5m khiến đất đá có thể tiếp tục sạt lở xuống bất cứ lúc nào với khối lượng lớn. Do vậy, vẫn chưa biết đến khi nào tuyến đường mới có thể được khai thông hoàn toàn.
Khánh Hoà: 3 người thiệt mạng, 121 tàu chìm
Theo số liệu cập nhật đến cuối chiều 18.11, toàn tỉnh có 3 người bị thiệt mạng (đều ở Cam Ranh), 121 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, vỡ (phần lớn của Nha Trang và Ninh Hoà, đã trục vớt được 42 chiếc), 6 nhà bị sập hoàn toàn, 20 nhà bị tốc mái, nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, diện tích lúa, hoa màu bị hư hại…
Tỉnh Khánh Hoà đang chỉ đạo các lực lượng vũ trang và thanh niên xung kích tập trung khắc phục hậu quả.
3 ngày trước khi bão số 10 quét qua Khánh Hoà, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, toàn tỉnh có mưa rất lớn, có nơi gần 300 mm (từ đêm 13 đến hết ngày 14), nước các sông suối dâng cao, nhiều hồ chứa nước thuỷ lợi bị uy hiếp, phải thực hiện xả lũ.
Là huyện có một số hồ chứa nước thuỷ lợi, trong đó có hồ lớn Đá Bàn, Ninh Hoà chịu thiệt hại rất nặng nề do xả lũ. Từ 17h ngày 14, hồ Đá Bàn được lệnh mở 3 cửa xả lũ, với tổng lưu lượng 60 m3/s.
Đêm 14, nước bất ngờ dâng cao, chảy xiết nhiều nơi xung yếu trong huyện. Trong đêm 14 và rạng sáng 15, Ninh Hoà đã có 10 người bị thiệt mạng do đi lại qua các nơi lũ tràn, bị nước cuốn trôi. Hàng hoá của bà con buôn bán ở chợ Ninh Hoà bị thiệt hại rất nhiều, 23 nhà bị sập, 38 nhà tụt vách.
Chưa có số liệu tổng hợp thiệt hại của các công trình giao thông, thuỷ lợi và lúa màu, gia súc…nhưng theo Ban chỉ huy PCBL và TKCN huyện Ninh Hoà, thiệt hại là rất lớn. Trước mắt, huyện đã hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng.
. Theo VNN
|