|
Cô giáo Lê Na được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. |
Chiều 27.11, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đang xuống chậm và ở mức báo động 2, báo động 3. Riêng các sông ở Khánh Hoà, sông Sêrêpôk tại Bản Đôn đang lên. Dự báo, trong đêm 27 và sáng 28.11, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có khả năng lên trở lại và ở mức báo động 1, báo động 2; có nơi trên mức báo động 3.
Chiều 27.11, Văn phòng Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão miền Trung, cho biết: tính từ cơn bão số 10 (16.11) đến nay, từ Quảng Nam đến Khánh Hoà, mưa lũ đã làm 22 người chết. Tổng thiệt hại về tài sản do đợt lũ này gây ra cho miền Trung ước khoảng 143 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Núi lở vùi lấp 3 giáo viên
Chiều 27.11, ông Võ Huynh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điện, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, cho biết, vào khoảng 9 giờ ngày 27-11, tại khu vực cầu Gò Sa (thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền), cháu Từ Ngọc Trí (thôn Điền Chánh) đã bị lũ cuốn.
Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút, tại km 40+700 thuộc địa phận Suối Nước Nâu, xã Trà Lâm huyện Trà Bồng đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng vùi lấp 3 giáo viên: Trần Hoàng Nhũ (30 tuổi), Huỳnh Thị Kim Yến (29 tuổi), Lê Na (23 tuổi). Cả 3 đều là giáo viên Trường Tiểu học Trà Lãnh, huyện Tây Trà, quê ở huyện Trà Bồng. Rất may, khi xảy ra tai nạn, 5 công nhân đang sửa chữa tuyến đường, đã kịp thời đào đất và đưa cô Na, thầy Nhũ đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Đến 15 giờ chiều 27-11, vẫn chưa tìm thấy cô Huỳnh Thị Kim Yến.
Bình Định: Giữ 2 hồ chứa nước trọng điểm
TPHCM: Ủng hộ miền Trung 1 tỷ đồng
Ngày 27.11, UBMTTQ TPHCM đã chuyển khẩn cấp 600 triệu đồng đến 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên và 400 triệu đồng đến 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 10. |
Cũng trong ngày hôm qua, Đoàn công tác của BCH PCLB-TKCN TƯ do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học dẫn đầu, đến chỉ đạo các biện pháp gia cố bảo đảm an toàn cho công trình và nhân dân vùng hạ lưu 2 hồ chứa nước là Đập Gò Lồi (xã Mỹ Hoà, huyện Phù Mỹ) và Hồ Bờ Sề (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Những ngày qua, thân đập 2 hồ chứa nước này đã bị nước lũ làm sạt lở một số nơi nên chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm giữ bằng được 2 công trình này. Tính đến chiều hôm qua, toàn tỉnh Bình Định đã có 8 người thiệt mạng trong đợt lũ này.
Quảng Nam: Xe ôm bọc xích mới lên được vùng cao
Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, người dân vừa tìm thấy xác của em Hồ Văn Tin (13 tuổi, học sinh trường THCS bán trú cụm xã Trà Nam) sau 2 ngày em bị nước lũ cuốn trôi. Tại huyện miền núi Phước Sơn, tuyến đường đi 5 xã vùng cao có khoảng 20 điểm bị sạt lở. Chỉ có phương tiện duy nhất lên được các xã vùng cao của Phước Sơn là xe ôm bọc xích sắt. Giá mỗi chuyến xe ôm vào đến xã Phước Thành gần 1 triệu đồng/người (tăng gấp 2 lần so với bình thường).
Tại huyện Duy Xuyên, tuyến đường đi các xã Duy Nghĩa, Duy Hải bị cắt đứt và cô lập hoàn toàn gần 4 ngày nay.
TT- Huế: Sạt lở hơn 300m bờ biển
Ông Dương Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ đêm 26 và sáng 27.11, do ảnh hưởng triều cường, bờ biển tại thôn Hải Tiến, cách cửa biển Thuận An khoảng 1km, đã bị sạt lở hơn 300m, biển xâm thực sâu vào đất liền hơn 5m, đe doạ trực tiếp 31 hộ dân tại đây.
Đến chiều 27.11, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND huyện Phú Vang đã di dời xong 9 hộ có nhà ở cách khu vực sạt lở khoảng 25m, và cấm các hộ quay trở lại nhà trong đêm, đồng thời lên phương án di dời các hộ còn lại.
Gia Lai, Đắc Lắc: Gần 5.000 ha cây trồng hư hại
Mưa lớn trong suốt tuần qua đã gây thiệt hại nặng nề tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai): 20 hộ dân ở buôn Đung bị ngập lụt; Trường THCS Lý Tự Trọng phải sử dụng xe tải để đưa đón học sinh. Khoảng 2.000ha cây trồng vụ đông xuân như thuốc lá, ngô, sắn, lúa… trên địa bàn huyện đã bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng.
Tại Đắc Lắc, lũ trên các sông suối lớn tiếp tục dâng cao, làm ngập lụt thêm 12 căn nhà và hơn 500 ha cây trồng. đến chiều 27.11, mưa lũ đã làm ngập 65 ngôi nhà, 5 cơ sở sản xuất, hơn 2.738ha cây trồng các loại, 5.000m2 ao cá và làm hư hỏng hơn 13km đường giao thông, 8 cầu cống và 6 đập thuỷ lợi nhỏ.
. Theo SGGP
Thủ tướng yêu cầu: Chủ động phòng, chống mưa lũ
* Một vùng áp thấp xuất hiện ở phía Bắc Trường Sa
Chiều qua, 27.11, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp triển khai ngay các biện pháp chủ động phòng, chống mưa lũ. Yêu cầu này được đưa ra để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, vì trong những ngày qua, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định còn ở mức cao, dự báo những ngày tới sẽ có mưa to đến rất to trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Nam Tây Nguyên. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh cử cán bộ thường trực ở những địa bàn xung yếu; có phương án và chuẩn bị lực lượng bảo đảm an toàn các hồ nước; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các Bộ, ngành đóng trên địa bàn sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TƯ thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; cử các đoàn công tác đến các tỉnh xảy ra lũ lớn, trực tiếp cùng chính quyền địa phương triển khai chống lũ hiệu quả.
* Chiều qua, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa đang xuất hiện một hình thế thời tiết rất xấu có dạng áp thấp, trung tâm ở vào khoảng 10,5 đến 11,5 độ vĩ Bắc và 112 đến 113 độ kinh Đông. Hiện vùng áp thấp đang di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây-Tây Bắc, với sức gió ở trung tâm vùng áp thấp mạnh cấp 4, cấp 5.
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện gửi Ban chỉ huy PCLB của tất cả các tỉnh ven biển từ vùng địa đầu Quảng Ninh cho đến Cà Mau khẩn trương thông báo cho chủ tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển, đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền. | |