Ở nơi không có Tết
16:47', 1/2/ 2008 (GMT+7)

Thống kê sơ bộ của Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD), đến cuối năm 2007 có chừng một vạn rưỡi công nhân và kỹ sư thường xuyên có mặt tại công trường NMLD. Sau giờ tan ca, công nhân ùa ra cổng nhà máy, thoạt trông chẳng khác các cổng sân bóng đá ở châu Âu sau mỗi trận cầu “đinh”. Cứ ngỡ những ngày áp Tết này công trường sẽ vắng, nào ngờ người vẫn đông như nêm cối mỗi bận tan ca. Tôi gọi họ là những người “không có Tết”.

 

Cụm tháp tách phân xưởng cracking đã lắp đặt xong. Ảnh: T.Đ

 

Nói họ là những người không có Tết, e sẽ làm tổn thương đến những nỗ lực của số cán bộ công đoàn ở nhiều công ty đang gồng mình lo cho công nhân ăn một cái Tết cổ truyền ngay giữa công trường “như ở nhà mình”, song sự hối thúc của công việc sẽ không cho phép một người thợ nào có thể yên tâm ăn Tết, dù họ không thiếu bất cứ thứ gì, kể cả những cành đào vừa trốn rét 10 độ từ phương bắc để đến đây.

Nóng lên từng ngày

Đây là thời điểm quan trọng nhất trong cả quá trình xây dựng nhà máy suốt hai năm qua. Ban Quản lý dự án NMLD Dung Quất thông báo ra Hà Nội hàng ngày về tiến độ “nhích dần lên” của các gói thầu nhưng một câu muôn thuở sau mỗi báo cáo vẫn không thay đổi:  “Tuy nhiên, vẫn chậm so với tiến độ”. Chữ “chậm” này chẳng khác gì tiếng trống thúc quân vào giờ xung trận. Vì vậy, toàn bộ công trường NMLD, kể cả những gói thầu được cho là yên tâm nhất như gói thầu 5A, tức đê chắn sóng, vẫn cứ nóng lên từng ngày. Chưa thấy một công trình nào mà thu hút sự quan tâm, theo dõi và chỉ đạo sát sao của những người đứng đầu chính phủ như NMLD Dung Quất này. Có lẽ, ngoài số vốn lên đến 40 ngàn tỷ đồng Việt Nam, dự án này còn là thước đo không chỉ về năng lực, trình độ của người VN mà còn có cả lòng tự trọng của một quốc gia nữa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rời công trường tháng trước là ngay trong tháng sau, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Dung Quất. Nếu không giữ vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cả miền Trung thì NMLD khó có được sự quan tâm một cách đặc biệt đến như vậy. Ngay trong những ngày cuối năm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại vào Dung Quất- chuyến đi thứ… không biết bao nhiêu của ông trong năm qua đến vùng đất này. Ông khuyến cáo với những vị quản lý cả hai bên A và B: “Phải lắp đồng hồ đếm ngược để công nhân nhìn vào mà chạy đua với thời gian!”. Đồng hồ đếm ngược thì chưa thấy lắp, song tôi đã thấy mỗi công nhân, mỗi đơn vị tham gia xây dựng nhà máy “chạy đua” như thế nào để hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn.

Việc thiết kế cho nhà máy đến hôm nay coi như đã hoàn thành. Các thiết bị siêu trường siêu trọng cũng đã được tập kết đến chân công trình. Xét trên tổng thể, công việc của nhà máy đến nay đã xong đến 85%. Nhìn cụm tháp tách của phân xưởng cracking lừng lững giữa thiên thanh đủ để xác lập niềm tin về sự “đúng hẹn” của ngày hoàn thành nhà máy. Thế nhưng cả công trường vẫn phải vắt chân lên cổ mà chạy, bởi vì tất cả đều có thể nghe được hơi thở gấp gáp của thời điểm cuối cùng là đến đầu năm 2009, dầu mang nhãn “Made in VN” phải được xuất xưởng tại Dung Quất. Từ đây đến đó còn đúng một năm mà cả công trường đang là một bãi “chiến trường” ngổn ngang đất cát và vôi vữa. Công nhân của hàng chục đơn vị đang “treo” mình lên những tầng tháp cao ngất ngưởng giữa lưng chừng trời mây mà tháo, mà dọn, mà sơn mà quét cho kịp ngày bàn giao. Công trường như một nồi áp suất khổng lồ, cứ sôi lên sùng sục.

Chỗ nào cũng “nóng”

Trong số những hạng mục còn đang thi công dở dang tại NMLD thì các lò hơi là nơi “nóng” nhất. Kỹ sư Ngô Quốc Thịnh, Chỉ huy trưởng Công ty Lilama 691 xoay như đèn cù. Lúc thì ông nói tiếng Anh với những kỹ sư nước ngoài thuộc nhà thầu Technip, khi thì ông trao đổi bằng tiếng… Quảng để chỉ đạo số công nhân quê Quảng Nam, Quảng Ngãi đang bắt vít, lắp ống vào lò hơi. Còn với tôi thì Thịnh nói giọng Bắc Giang quê mình: “Đến 20.4 này là phải bàn giao trước hai lò hơi, hai lò còn lại sẽ phải xong vào ngày 20.5. Phải có hơi thì nhà máy mới vận hành được, anh à”. Rồi Thịnh buông một tiếng thở dài: “Xong bốn nồi hơi này, chúng tôi cũng … hết hơi luôn!”. Chưa có hạng mục nào mà gấp gáp như hạng mục này. Lilama là “thương hiệu” mạnh, chưa đầu hàng bất cứ công trình nào, cũng chưa kêu ca điều gì ở những nơi mà họ từng thi công. Thế nhưng với bốn nồi hơi của NMLD thì… cũng sắp đứt hơi! “Bàn giao mặt bằng quá chậm, vật tư lại không đồng bộ nên rất khó cho chúng tôi. Ví như toàn bộ đường ống dẫn hơi dài hàng trăm mét đã về đến công trường nhưng khi kiểm tra thì thiếu một đoạn “cút” (dùng để ráp nối qua các khúc cua của đường ống), coi như tất cả đều đứng nhìn”. Ông Thịnh nêu lí do chậm trễ, rồi bấm đốt ngón tay: “Còn 80 ngày nữa”. Tám mươi ngày cho bốn lò hơi để có thể khởi động cho cả nhà máy 40 ngàn tỷ-một công việc buộc những người thợ phải “nén hơi” mà thở.

Cứ tưởng trên công trường NMLD này chỉ “nóng” ở lò hơi, ông Lê Sanh Thành,, Giám đốc dự án thuộc gói ME8, gồm các phân xưởng lắp đặt đường ống và thiết bị xử lý nước cũng “tranh thủ” giành phần “nóng” về mình: “Để cho các lò hơi hoạt động được thì cụm xử lý nước này phải hoàn thành trước. Cụm này mà “nghẽn mạch” thì chẳng có hơi hiếc gì hết!”. Hóa ra, ở công trường NMLD bây giờ, chỗ nào cũng nóng, trừ cái đầu của  những người chỉ huy. Hỏi vì sao? Cả giám đốc Thịnh lẫn giám đốc Thành đều nói: “Không “lạnh” lúc này là hỏng việc. Không phải “lạnh lùng” mà tỉnh táo để xử lý các tình huống, vừa mềm mại nhưng cũng vừa chạy việc, nhất là dịp cuối năm này, tâm lý anh em ai cũng muốn về ăn Tết ở nhà mình”.

 

Các kỹ sư trẻ trao đổi công việc trên công trường NMLD. Ảnh: T.Đ

 

Những người “nhịn” Tết

Ngô Quốc Thịnh kéo tôi vào “trụ sở” của Ban chỉ huy công trường để “tham quan”. Nhà của ban chỉ huy là một “toa” container. Các kỹ sư tin học, những lập trình viên, các quản đốc, những kế toán… đều làm việc rào rào trên máy tính. Có cảm giác như họ cố thu nhỏ mình lại để cho  khoảng không gian chật chội ấy rộng thêm chút nào hay chút đó. Tôi nhìn khắp một lượt công trường, đâu đâu cũng thấy những “toa” container dã chiến dùng làm văn phòng cho từng công ty. Họ đã phải phơi nắng gió công trường suốt hai năm qua tại những “tòa nhà” mà bình thường chỉ dùng để chứa hàng hóa này. Bây giờ họ lại dùng nó để… đón Tết. Chủ tịch công đoàn Xí nghiệp lắp máy Sao Mai- Phan Thế Kiên nói: “Chấp nhận với hoàn cảnh này thôi anh à. Nhưng chẳng có công nhân nào còn khoảng trống rãnh rỗi để mà nghĩ đến Tết tại công trường đâu. Chúng tôi sẽ làm việc xuyên Tết vì thời gian không cho phép mình nghỉ bất cứ giờ nào”. Hỏi: “Các anh buộc người lao động hay họ tự giác?”. Kiên rành rẽ: “Tôi cùng với ban giám đốc cho họp anh em lại, nêu ý nghĩa của công việc sắp tới, xong kêu gọi mọi người. Sau buổi “kêu gọi”, hàng trăm lá đơn “xin ở lại” đã gửi đến. Thú thật là chúng tôi quá bất ngờ và rất xúc động trước động thái đó của anh em công nhân”. Tôi không buông ông chủ tịch công đoàn quê tận Bắc Giang này: “Chắc các anh chi mạnh tay để giữ chân công nhân ở lại?”. “Đáng gì đâu anh. Chúng tôi có chi tiền làm thêm trong ngày Tết nhưng chỉ mang tính tượng trưng là chính chứ không một công nhân nào trong số 200 người ở lại vì số tiền “làm thêm” ấy mà phải đón Tết xa nhà đâu”.

Chỉ tính riêng hai đơn vị đang thi công cụm xử lý nước và bốn lò hơi đã có gần 300 công nhân “không có Tết” rồi. Trừ một ít thanh niên chưa vợ con nên họ chẳng mấy bận lòng với việc ăn Tết ở quê nhà, đa số những công nhân còn lại đều đã có gia đình. Dù đã được lãnh đạo công ty và tổ chức công đoàn gửi thư, quà về từng gia đình để động viên nhưng không vì thế mà vắng các cuộc điện đàm “thăm dò” từ những người vợ ở xa. Anh Hoa ở Thanh Hóa hai con đang ốm, anh Trụ ở Bắc Giang có mẹ già đang đau nhưng cả hai vẫn “cắn răng” ở lại. Họ là những thợ hàn lão luyện, vắng họ trong những ngày này là không thể được. Công việc quan trọng đã “trói” các anh ở lại với công trường. Đó là sự hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng biết. Cả nghìn công nhân quê ở tận hai đầu đất nước đang thi công NMLD Dung Quất đã và đang âm thầm hy sinh như thế trong những ngày Tết Mậu Tý này.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về Ia Mlăh xem đâm trâu  (25/01/2008)
Du lịch làng nghề trên “Con đường di sản”  (24/01/2008)
Festival Huế 2008 - "Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển”  (23/01/2008)
Phú Yên: Công bố quy hoạch Cảng Hàng không Tuy Hòa  (22/01/2008)
Tết sớm với người Cà Dong  (14/01/2008)
Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước  (11/01/2008)
"Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ"  (08/01/2008)
Khai quật di tích Đàn Xã Tắc ở Huế  (08/01/2008)
Đăk Lăk: Tiềm năng là thủy điện và chế biến nông sản  (07/01/2008)
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa  (04/01/2008)
Quảng Bình: “Đánh thức” du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh  (30/12/2007)
Quảng Ngãi: Phát hiện di tích Chămpa  (27/12/2007)
Dung Quất: Nhìn từ lọc dầu  (21/12/2007)
Thành cổ Quảng Trị - Điểm du lịch hấp dẫn  (13/12/2007)
Miền Trung lại đối mặt với một đợt lũ mới  (07/12/2007)