Miền Trung cần cái bắt tay thật chặt
16:54', 10/2/ 2008 (GMT+7)

Mặc dù sở hữu tài sản vô giá về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch so với các vùng khác của đất nước, nhưng trong suốt bao năm qua, cái đói nghèo mãi đeo đẳng trên mảnh đất và con người miền Trung. Nghèo do nhiều nguyên nhân, trong đó có vì cục bộ, chia cắt manh mún, thiếu sự hợp tác cả vùng...

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà giới thiệu về Khu Kinh tế Nhơn Hội với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Miền Trung có đến 17 cảng biển nhưng chỉ chiếm 13% tổng công suất hàng hóa của cả nước. Sân bay thì tỉnh nào cũng có nhưng toàn là sân bay nhỏ, đường bay quanh quẩn trong nước với tần suất bay chừng 2 chuyến/tuần bằng máy bay ART 72. Cơ sở hạ tầng kém thuận lợi so với các vùng khác là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào miền Trung gặp khó khăn.

Vì hạ tầng giống nhau nên điều dễ nhận thấy ở các tỉnh miền Trung là sự phát triển kinh tế na ná như nhau. Và vì giống nhau về nhiều thứ nên để lôi kéo được các dự án về địa phương mình, tỉnh nào cũng ra sức tiếp thị, quảng bá hình ảnh của mình và “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư với những chủ trương, chính sách, cơ chế riêng, như hạ giá đất cho thuê, kéo dài thời hạn nộp thuế... Chính sự giẫm chân nhau đó đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn tại miền Trung. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, kết cấu hạ tầng của miền Trung tuy đã được quan tâm đầu tư trong những năm gần đây nhưng vẫn còn mỏng, lạc hậu và chưa đồng bộ. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, việc sử dụng vốn còn dàn trải. Trên địa bàn miền Trung có nhiều dự án qui hoạch cùng triển khai nhưng vẫn thiếu một kế hoạch đồng bộ để gắn kết các chương trình, dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên về thời gian và khả năng nguồn vốn. Chính điều này đã khiến cho nhiều dự án chậm được triển khai, đôi khi còn chồng chéo, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế của Chính phủ thì Chính phủ Việt Nam đang có chiến lược tập trung phát triển vào các tỉnh ven biển nhưng bờ biển ở các tỉnh này tương đối ngắn nên rất cần sự liên kết với nhau. Không thể mỗi tỉnh một cảng lớn được mà phải có sự chọn lựa, các tỉnh ven biển miền Trung chỉ cần có 1 đến 2 cảng thật lớn để giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng về vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa cho các tàu có công suất lớn. Mỗi tỉnh không thể có 1 sân bay mà phải tạo sân bay lớn cho cả miền Trung để thu hút nhiều hãng hàng không nước ngoài vào đầu tư. Quảng Ngãi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất thôi thì chưa đủ mà phải có những ngành phụ trợ, dịch vụ khác đi cùng nữa, tất cả không thể làm hết ở một chỗ được.

Với miền Trung, để phát triển kinh tế, không có cách nào khác hơn là phải liên kết lại thành một chuỗi. Để làm được điều đó, việc qui hoạch địa bàn, qui hoạch ngành và sản phẩm cụ thể phù hợp với tiềm năng thực sự của mỗi địa phương là vô cùng quan trọng. Các tỉnh, thành phố miền Trung có lợi thế về cảng biển, sân bay, thủy sản, du lịch… cần có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau, tạo ra những ưu thế trong nền kinh tế thị trường và những điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư với bên ngoài.

Đà Nẵng - thành phố được xem là đầu tàu, trung tâm kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế động lực miền Trung cũng đang loay hoay tìm cách kết nối các địa phương trong vùng. Theo ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thành phố thì có lẽ ai cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết phát triển, nhưng sự chủ động cũng như những việc làm thực tế để đẩy mạnh sự hợp tác giữa các địa phương trong vùng vẫn còn rất hạn chế, trên rất nhiều lĩnh vực: phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án quy hoạch, phát triển cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế... Điều này đã làm hạn chế sự phát triển của vùng trong thời gian qua". Nguyên nhân xuất phát không chỉ từ phía các địa phương mà còn từ phía các cơ quan Trung ương trong việc triển khai xây dựng các cơ chế chính sách chung hoặc kết nối quy hoạch giao thông, quy hoạch kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bài toán phát triển miền Trung chính là tốc độ. Nhưng để phát triển với tốc độ nhanh thì vấn đề thị trường và những điều kiện thuận lợi rất quan trọng. Điều kiện thì các tỉnh miền Trung rất thuận lợi theo hướng kinh tế mở vì tiếp giáp với biển. Tuy nhiên, để các thành phố và các tỉnh duyên hải miền Trung tạo thành chuỗi các trung tâm kinh tế, các khu kinh tế thì vấn đề cơ sở hạ tầng để liên kết các trung tâm kinh tế rất quan trọng. Đặc biệt là liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cái mà miền Trung cần là một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Bởi muốn phát triển kinh tế, giao thông phải đi trước một bước. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung phát triển du lịch - dịch vụ đi đôi với phát triển công nghiệp. Trước mắt, nếu có một con đường du lịch ven biển nối liền Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ khai thác tốt tiềm năng du lịch của toàn vùng.

Theo ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thì trong xu thế hội nhập vai trò liên kết là hết sức quan trọng, Quảng Ngãi nằm giữa hai khu kinh tế Chu Lai và Nhơn Hội, có Khu kinh tế Dung Quất làm động lực phát triển. Các khu kinh tế ở miền Trung liên kết dùng chung kết cấu hạ tầng và định hướng rõ ràng lĩnh vực đầu tư để phát triển đồng bộ, tránh cạnh tranh không cần thiết. Muốn giàu phải biết tận dụng cơ hội và cùng nhau bàn bạc cách làm ăn.

. Theo Báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ở nơi không có Tết  (01/02/2008)
Về Ia Mlăh xem đâm trâu  (25/01/2008)
Du lịch làng nghề trên “Con đường di sản”  (24/01/2008)
Festival Huế 2008 - "Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển”  (23/01/2008)
Phú Yên: Công bố quy hoạch Cảng Hàng không Tuy Hòa  (22/01/2008)
Tết sớm với người Cà Dong  (14/01/2008)
Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước  (11/01/2008)
"Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ"  (08/01/2008)
Khai quật di tích Đàn Xã Tắc ở Huế  (08/01/2008)
Đăk Lăk: Tiềm năng là thủy điện và chế biến nông sản  (07/01/2008)
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa  (04/01/2008)
Quảng Bình: “Đánh thức” du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh  (30/12/2007)
Quảng Ngãi: Phát hiện di tích Chămpa  (27/12/2007)
Dung Quất: Nhìn từ lọc dầu  (21/12/2007)
Thành cổ Quảng Trị - Điểm du lịch hấp dẫn  (13/12/2007)