Hà Tĩnh: Hàng vạn nông dân điêu đứng vì rét hại
10:43', 19/2/ 2008 (GMT+7)

Trâu bò chết hàng loạt, nông dân trắng tay.

Vật nuôi chết hàng loạt, lúa và hoa màu vụ đông xuân đứng trước nguy cơ mất trắng sau hơn một tháng liên tục rét đậm, rét hại... đang đẩy hàng vạn hộ dân Hà Tĩnh vào cảnh khốn cùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, tỉnh đã gieo cấy gần 60.000 ha lúa Đông Xuân (đạt gần 95% kế hoạch) và gieo trỉa gần 3.000 ha lạc, hơn 1.000 ha ngô. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích bị hư hỏng hoàn toàn phải gieo cấy lại, đặc biệt là tại các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn và Kỳ Anh.

Không chỉ vậy, tiết trời giá rét cũng đã làm cho 500 con gia súc như trâu, bò đã bị chết. Chủ yếu là các huyện Hương Khê, Vũ Quang - có trên 300 con bị đột ngã và chết.

Chị Hoàng Thị Loan, xóm 9 xã Phương Điền, Huyện Hương Khê cho biết: “Phương Điền là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Hương Khê, tại đây nhiệt độ ban đêm chúng tôi đo dược nhiều hôm xuống dưới 6oC, trâu, bò không chịu nổi lạnh giá".

Cũng theo chị Loan, nhiều hộ dân ở xã này đã phải ra tận Nghệ An mua rơm về cho trâu ăn. Một tạ rơm bây giờ cũng mất 180.000 đồng, không mua nhỡ trâu chết đi thì cả nhà cũng nguy cơ... chết đói.

Có mặt tại xã Phương Mỹ (Hương Khê) - một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nhất tại Hà Tĩnh trong cơn lũ cách đây ít lâu, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân đang phải đối phó với thảm họa rét đậm kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Diệu, xóm Tân Thượng cho biết, cách đây một năm, gia đình ông vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 3 con bò về nuôi, với hy vọng có thêm thu nhập cải thiện đời sống khốn khó. Không ngờ, trong đợt rét, cả đàn bò 3 con đều bị chết. "Gia đình tôi giờ trắng tay, còn tiền nợ ngân hàng thì không biết đến bao giờ mới trả được" - ông Diệu rầu rĩ.

Cùng cảnh, gia đình  ông Trần Sơn ở xóm Tân Hợp 1, gia đình ông Nguyễn Lý ở xóm Nam Thượng cũng vay tiền để mua trâu bò phục vụ sản xuất nhưng vì đợt rét mà mất trắng. Tính đến thời điểm này, có gần 20 hộ dân xã Phương Mỹ đi vay tiền ngân hàng mua trâu, bò về làm vốn bây giờ trắng tay và không thể có tiền trả ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hòa, đại diện VP UBND xã cho biết: Dân Phương Mỹ bị thiệt hại nhiều sau lũ vì hoa màu mất trắng, thức ăn cho người còn thiếu thốn huống chi cho gia súc. Trước tình cảnh trâu bò chết hàng loạt, nhiều hộ đã phải vào rừng hái lá tre, nứa về làm thức ăn chống đói cho gia súc.

"Nếu thời tiết xấu tiếp tục kéo dài thì số diện tích lúa đã gieo trồng sẽ mất trắng, đàn gia súc còn lại cũng sẽ bị chết đói. Hiện chúng tôi đang bàn biện pháp mua giống cây khoai lang về trồng chống đói cho gần 626 hộ dân trong xã” - ông Hòa không giấu được lo lắng.

Ước tính, đợt rét hại này đã làm chết gần 100 con gia súc trên tổng đàn 1.936 con và 28 ha lúa bị hư hại tại đây. Theo thống kê, số hộ nghèo của xã này đã lên tới 80,32% và chắc chắn, sau đợt rét này, con số trên còn cao hơn.

. Theo VTC News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung cần cái bắt tay thật chặt  (10/02/2008)
Ở nơi không có Tết  (01/02/2008)
Về Ia Mlăh xem đâm trâu  (25/01/2008)
Du lịch làng nghề trên “Con đường di sản”  (24/01/2008)
Festival Huế 2008 - "Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển”  (23/01/2008)
Phú Yên: Công bố quy hoạch Cảng Hàng không Tuy Hòa  (22/01/2008)
Tết sớm với người Cà Dong  (14/01/2008)
Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước  (11/01/2008)
"Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ"  (08/01/2008)
Khai quật di tích Đàn Xã Tắc ở Huế  (08/01/2008)
Đăk Lăk: Tiềm năng là thủy điện và chế biến nông sản  (07/01/2008)
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa  (04/01/2008)
Quảng Bình: “Đánh thức” du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh  (30/12/2007)
Quảng Ngãi: Phát hiện di tích Chămpa  (27/12/2007)
Dung Quất: Nhìn từ lọc dầu  (21/12/2007)