Đó là quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” mang tên nhà thơ Thanh Thảo. Quỹ đã hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968-1998), năm nay vừa tròn 10 năm. Suốt 10 năm qua, hàng trăm học sinh nghèo ở Sơn Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả từ quỹ học bổng này để “vượt cạn” trong những thời khắc hết sức thắt ngặt. Người đỡ đầu của quỹ học bổng, nhà thơ Thanh Thảo, nói rõ: “Khác với những quỹ học bổng đang hoạt động ở nhiều nơi, quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” không đưa ra các tiêu chí như “nhà nghèo học giỏi” mà là “nhà thật nghèo và các em nỗ lực thực sự”.
|
Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng cho học sinh Trường PTTH Sơn Mỹ. (Ảnh: T.Đ)
|
Nhà thơ lý giải: “Nhà nghèo thì cũng khó bề mà “học giỏi” cho được. Vì thế, quỹ này làm chất xúc tác, hoặc “giữ chân” để các em khỏi phải nghỉ học vì nhà quá nghèo không có tiền mua sách vở và quần áo”. Từ ngày quỹ hoạt động đến nay, cứ mỗi dịp cuối năm, nhà thơ Thanh Thảo lại về Sơn Mỹ để phát học bổng. Số lượng học sinh nhận học bổng này nhiều hay ít tùy thuộc vào “ngân sách quỹ”, nhưng mỗi năm cũng có từ 30-50 em của Trường PTTH Sơn Mỹ được nhận từ 300-500.000đ/em. Số tiền không nhiều nhưng thật sự quý đối với vùng quê nghèo này. Nhưng điều đáng quý hơn là số tiền đó do nhà thơ dành dụm từ việc quyên góp của bạn bè ông ở khắp nơi và trích từ tiền nhuận bút qua những bài báo của ông. Có thể nói, đây là quỹ học bổng “lạ” nhất, vì “tiêu chuẩn” của nó như đã nói ở trên, không phải “nhà nghèo học giỏi”, lại do một nhà thơ sáng lập và tiền trao và số lượng người nhận cũng “co giãn” tùy theo mức độ “xin” được hàng năm. Thậm chí có năm, nhiều em “hoàn cảnh”, nhà thơ phải … xuất quỹ dự phòng từ tiền túi của mình. Chẳng hạn như năm 2007, dự định là chỉ trao 30 suất, mỗi suất 500.000đ nhưng ông hiệu trưởng Trưởng PTTH Sơn Mỹ “than” quá nên nhà thơ bèn … móc thêm trong túi 10 triệu nữa để trao cho đủ 50 em!
Còn nhớ, cuối năm 1997, nhà thơ Thanh Thảo về Sơn Mỹ để viết bài nhân kỷ niệm 30 năm xảy ra vụ thảm sát, ông chợt phát hiện ra rằng Sơn Mỹ hiện vẫn chưa có lưới điện quốc gia về đây. Báo Thanh Niên sau đó đã đăng bài viết của nhà thơ : “Sơn Mỹ cần một tượng đài: Điện!”. Thế là bạn đọc và nhiều cơ quan, kể cả ngành điện đã vào cuộc. Và chẳng bao lâu sau đó, Sơn Mỹ đã có điện. Từ “sự kiện” đó, Thanh Thảo nghĩ đến việc phải làm một chút gì đó nữa để giúp cho trẻ con ở đây. Quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” ra đời từ đó.
Có thể nói Thanh Thảo là nhà thơ duy nhất của Việt Nam đã gắn bó với Sơn Mỹ và viết những câu thơ hay nhất về vùng đất này. Năm 1976, vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, ông đã khoác ba lô về ngay Sơn Mỹ để hai năm sau, ông hoàn thành tập trường ca nổi tiếng “Trẻ con ở Sơn Mỹ” mà cho đến hôm nay, sau 40 năm xảy ra vụ thảm sát, chưa có một nhà thơ nào, kể cả phía Mỹ, viết về Sơn Mỹ mà “vượt” được trường ca này của Thanh Thảo. Trẻ con ở Sơn Mỹ như là một phần máu thịt của nhà thơ. Quỹ học bổng do ông sáng lập và “nuôi dưỡng” đã mang một phần tâm huyết đó.
|