* Ghi chép của Trần Đăng
Mỗi năm có hai vạn khách nước ngoài đặt chân đến Sơn Mỹ-địa danh đã từng gây chấn động thế giới qua vụ thảm sát đẫm máu cách nay 40 năm, thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trong số hai vạn khách đến rồi đi ấy, có một người lặng lẽ trở lại, không phải một lần mà rất nhiều lần. Sơn Mỹ đã dang rộng tay đón ông làm công dân danh dự thứ … 12 ngàn của xã. Tên ông đã được Việt hóa thành “anh Mai”, còn tên đầy đủ là Roy Mike Boehm, cựu binh Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam.
|
Mai cùng cây violon dưới tượng đài Sơn Mỹ. Ảnh: T.Đ
|
Mỗi lần nói chuyện với Mai, tôi gắn thêm cho ông khúc đuôi sau cái tên rất con gái ấy “Mai cô đơn”. Mai cười như … Mỹ: “Mơ cô đơn chứ!”. Mai cố ý phát âm ba chữ ấy bằng giọng Quảng Ngãi để trêu lại tôi. Mai vui đó rồi chợt buồn đó. Hỏi vì sao lại thế, ông thú nhận: “Tôi vẫn chưa rũ bỏ hết được quá khứ của mình. Bạn chưa trải qua những điều khủng khiếp như tôi nên bạn không thể hiểu được vì sao tôi lại buồn như thế”. Mai “buồn” đến mức, chẳng màng lấy vợ luôn!
Những ám ảnh
Tôi quen Mai từ 10 năm trước, khi ông cùng với hai cựu binh Mỹ khác là H. Thompson và L.Colburn trở lại dự lễ kỷ niệm 30 năm thảm sát Sơn Mỹ. Đây là chuyến trở lại Sơn Mỹ rất đặc biệt của hai viên phi công H.Thompson và L.Colburn. Chính hai ông đã cứu 10 phụ nữ và một đứa trẻ thoát khỏi cuộc tắm máu khi bay qua bầu trời Sơn Mỹ và tận mắt nhìn thấy cuộc bắn giết đúng vào buổi sáng thê thảm đó. Tôi cứ tưởng Mai cũng nằm trong số những viên phi công “bay ngược” ngày ấy, không ngờ ông chẳng dính dáng gì với cuộc “tìm về” này của các cựu binh Mỹ kia. Dù không phải cùng hội cùng thuyền với hai viên phi công kia, song Mai đã bị “sự kiện Sơn Mỹ” ám vào người lúc nào không biết, kể từ năm 1992, ông cùng với đoàn cựu binh Hoa Kỳ trở lại VN và ghé thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Làng quê từng trải qua đau thương tột cùng ấy đã bắt đầu thức ngủ trong ông từ bấy đến giờ.
Mai đến Củ Chi cùng sư đoàn 25 pháo binh Mỹ trước cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đúng một tuần. Chàng thanh niên tuổi đôi mươi ngày ấy vừa đặt chân đến Việt Nam đã chứng kiến ngay cảnh máu chảy đầu rơi hết sức tàn khốc của cuộc chiến tranh. Giấc mộng đi “bảo vệ thế giới tự do” được anh nuôi dưỡng từ bên Mỹ đã tan thành mây khói. “Lòng tin của tôi đã bị phản bội”. Mai thú nhận khi nhắc lại ký ức từ 40 năm trước. Tôi nói với Mai rằng, cuộc chiến tranh nào mà chẳng chết chóc, cứ gì phải chịu ám ảnh dai dẳng như thế? Mai như bị “tổn thương” trước câu hỏi có vẻ xách mé này: “Liệu anh có còn là con người không nếu như lương tri anh không còn sót lại một chút day dứt nào về cuộc chiến phi lý ấy?”. “Nhưng ông có dính dáng gì đến cuộc tắm máu ở Sơn Mỹ ngày ấy đâu mà trở thành người mắc nợ vùng đất này?”. “Tôi đang trả nợ cho những người bạn của tôi đã không có cơ hội trở lại Sơn Mỹ. Hoặc là họ đã chết trong cuộc chiến từ hơn 35 năm trước, hoặc là họ đã không cởi bỏ được những mặc cảm tội lỗi để dũng cảm trở lại Sơn Mỹ như tôi”. Giờ thì tôi hiểu Mai hơn. Chỉ có những ám ảnh tội lỗi, những giày vò thường trực như thế mới có thể giúp ông đủ sức lực lẫn lòng kiên nhẫn để trở lại Việt Nam, trở lại Sơn Mỹ rồi làm những công việc hết sức bất ngờ và cũng thật đáng yêu.
|
Mai đi kiểm tra nguồn vốn cho vay sản xuất tại xã Nghĩa Phú. Ảnh: T.Đ
|
Diễn viên bất đắc dĩ
Trở lại với câu chuyện của 10 năm trước. Vì hãng truyền hình CBS đã “độc quyền” thông tin về chuyến trở lại đặc biệt của hai viên phi công Mỹ nên tất cả các hãng truyền hình lớn khác như NHK, CNN đều đứng “chầu rìa”. Đạo diễn Trần Văn Thủy, dù không bị “gây khó”, song ông lại không chọn hai viên phi công kia làm nhân vật của mình mà lại chọn Mai. Mai nhớ lại: “Trong một buổi tối ngồi tán gẫu với ông Thủy, bất chợt ông hỏi tôi: “Thế Mai có biết chơi đàn không?”. Tôi gật đầu rồi mở túi lôi cây violon ra “kéo” luôn. Ông Thủy ôm chầm lấy tôi và nói: “Xong rồi!”. Lúc đó tôi chẳng hiểu ông ấy nói như thế là có ý nghĩa gì, nhưng đến khi tôi trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” cho ông thì tôi đã hiểu. Đó là cái tứ cho cả bộ phim của ông sau này: “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, bộ phim đã được trao giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Thái Lan năm 1999”. Kể từ khi Mai trở thành “công dân danh dự” của Sơn Mỹ, hễ mỗi khi trở lại mảnh đất này là ông mang theo cây đàn violon. Tôi thật sự bất ngờ khi biết rằng Mai bắt đầu chơi đàn năm ông đã 41 tuổi. “Tôi tình cờ nhặt được cây violon đã cũ và hì hục tân trang lại. Phải mày mò từng nốt nhạc suốt một năm sau đó thì bắt đầu chơi được những bản nhạc đầu tiên. Bản nhạc “Ashocan farwell” (vĩnh biệt Ashocan) là nỗi lòng quặn thắt của người phụ nữ tiễn chồng ra trận trong cuộc nội chiến nước Mỹ từ hơn 200 năm trước. Tôi đã chơi bản nhạc này trong bộ phim “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai””. Mai đã thuật lại chuyện ông đã đến với âm nhạc rồi thành “minh tinh màn bạc bất đắc dĩ” bằng một giọng buồn buồn. Tôi vờ thắc mắc: “Nhưng “Vĩnh biệt Ashocan” thì có dính dáng gì đến Sơn Mỹ mà ông “kéo” bản nhạc ấy mỗi lần đến đây?”. “Bạn chưa tiếp xúc với nội dung của bản nhạc ấy nên không tường tận được những sợi dây mà nó sẽ kết nối giữa Sơn Mỹ với nước Mỹ đâu. Bất cứ một cuộc chiến nào, dù là nội chiến hay xâm lược thì người chịu thiệt trước tiên vẫn là phụ nữ. Họ nhận hết về mình mọi giông bão và đau thương từ cuộc chiến ấy. Sự chờ đợi mỏi mòn người thân ra trận của phụ nữ Mỹ thì có khác gì sự chờ đợi của phụ nữ Sơn Mỹ nào?”. Tôi gật đầu chia sẻ với ông về cách lập luận ấy. Dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng Mai “nhập” vai rất nghề! Hình như ông đã hóa thân vào vùng đất ấy mà không cần phải “diễn” nữa.
|
Mai cùng những phụ nữ sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh: T.Đ
| Trở thành hội viên phụ nữ
Mấy chị lãnh dạo ở Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi nói rằng, ông Mai đã thành hội viên của hội phụ nữ Việt Nam cách nay đã lâu. Hỏi vì sao ông ấy là đàn ông mà lại thành hội viên phụ nữ? Một cán bộ của Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ông Mai đã gắn với cuộc sống của hàng trăm gia đình phụ nữ nghèo của Sơn Mỹ và Quảng Ngãi suốt mười mấy năm qua. Ông đã giúp họ vượt cạn khỏi cảnh cơ hàn từ những đồng tiền mà ông cùng với tổ chức Madison Quakers vận động được bằng những việc làm cụ thể tại nhiều vùng quê của Quảng Ngãi, nhất là vùng đất Sơn Mỹ. Ông quá xứng đáng để trở thành hội viên danh dự của Hội chúng tôi!”. Mai không “công khai” với tôi về số tiền mà ông cùng với tổ chức Madison Quakers đã giúp cho chị em phụ nữ Quảng Ngãi suốt mười mấy năm qua, song tôi biết chắc rằng đó là những đồng tiền thấm đẫm nghĩa tình mà những người bạn Mỹ đã san sẻ với chị em phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi. “Mỗi chị được giúp chừng vài triệu, có đáng gì đâu mà!”. Mai lại cố giấu những việc làm chí tình ấy của mình. Hội phụ nữ các xã làm đơn vị trung gian tiếp nhận số tiền của Madison Quakers do Mai chuyển về. Sau đó họ phân bổ về các địa chỉ được chọn lựa kỹ càng. Có chị dùng số tiền đó vào việc chăn nuôi, cũng có người dùng để buôn bán hoặc mua lưới đánh cá hay chế biến nước mắm. Điều đáng nói là số tiền trên sẽ không tính lãi, hễ đúng hạn là người vay sẽ trả để chuyển cho chị em khác. Cứ tua vòng như thế, chị nào có hoàn cảnh khó khăn cũng đều được vay. Nhiều người từ số vốn ban đầu chỉ một con bò, sau 5 năm đã có cả đàn bò.
Theo chân Mai, tôi về Nghĩa Phú, xã ven biển của huyện Tư Nghĩa, một trong 16 địa phương trong tỉnh được vay vốn từ tổ chức Madison Quakers. Thoáng thấy ông Mai, đám trẻ con trong làng reo lên như đợi mẹ chợ về. Nhìn ánh mắt của lũ trẻ và các chị phụ nữ nghèo dành cho Mai đủ để biết ơn nghĩa sâu nặng mà làng chài ấy tặng riêng cho người đàn ông đặc biệt này. Mai đến từng nhà, sục vào tận các chuồng heo nồng nặc mùi xú uế để “xoa đầu” từng con vật bé bỏng. Hết nhà này đến nhà khác, Mai đi kiểm tra, hỏi han từng người về điều kiện sống, về hiệu quả của đồng vốn. Ông lắng nghe và ghi chép cẩn thận như một cán bộ phụ nữ thực thụ. Mai nói: “Hễ thấy chị nào bớt khổ cực một chút là lòng tôi vơi đi một phần trĩu nặng”.
Tôi tin như thế dù biết rằng những làng quê từng đi qua chiến tranh này, khổ cực luôn là bạn đồng hành của những người phụ nữ.
|