Đề án mở rộng diện tích công nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn lên gấp đôi hiện nay đang được Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng để có thể trình Thủ tướng xem xét vào đầu năm 2009.
Theo ông Lê Đình Thọ, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, mặc dù được thành lập sau nhiều khu kinh tế khác nhưng Nghi Sơn hiện là một trong những khu kinh tế có sức hút đầu tư nổi trội nhờ các điều kiện thuận lợi về đường giao thông, đường bờ biển dài có thể xây dựng cảng nước sâu và nhà máy lọc dầu.
Năm 2007, đã có 11 trong tổng số 33 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghi Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD; hiện còn có một số dự án khác đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Cùng với Nghi Sơn, 10 khu kinh tế khác của Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, cũng đang là những điểm sáng về thu hút đầu tư. Sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả của các khu kinh tế đã và đang góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Đến hết năm 2007, các khu kinh tế này đã thu hút được 238 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 9,9 tỷ USD. Trong số này có 62 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 3 tỷ USD. Hầu hết các dự án đều có quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước như lọc hóa dầu, cảng biển, sản xuất thép, kho xăng dầu.
Hiện nay, dẫn đầu về thu hút đầu tư là khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), với 90 dự án có tổng vốn đăng ký 4,4 tỷ USD, tiếp đến là các khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Nghi Sơn, Nhơn Hội (Bình Định), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Dự kiến trong năm nay, Chính phủ sẽ cho phép thành lập thêm khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) và Nam Phú Yên (Phú Yên), nâng tổng số khu kinh tế ở Việt Nam lên 13.
Tuy nhiên, giống như khu công nghiệp và khu chế xuất, các khu kinh tế cũng đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi cộm nhất là vấn đề di dân, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ và nguồn nhân lực thiếu cũng đang là rào cản làm chậm tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư.
Để các khu kinh tế hoạt động hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sớm xây dựng một quy hoạch tổng thể, có những quy định cụ thể về tiêu chí thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; thể chế hóa các cơ chế, chính sách đang áp dụng cho các khu kinh tế, và đặc biệt cần ưu tiên hỗ trợ vốn cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế.
Ước tính, nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng tại 13 khu kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2015 vào khoảng 39.000 tỷ đồng.
. Theo TTXVN |