Nếu chỉ dựa vào tiềm năng thì miền Trung là dải đất có khả năng dạt đến tốc độ phát triển kinh tế cao không thua kém hai đầu đất nước. Song, thực tế cho đến nay “khúc ruột” miền Trung và Tây Nguyên vẫn triền miên nằm trong tình trạng “eo”.
|
Cảng Quy Nhơn, một trong những cảng biển lớn của khu vực miền Trung.
|
Theo ông Aryeh Sternberg, nguyên Tổng Điều hành tại Việt Nam của Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Scott (Hoa Kỳ) thì Miền Trung là một vùng đất đầy “ấn tượng”, khi bước chân đến Việt Nam để thực hiện dự án nghiên cứu khả thi cảng biển Chân Mây vào năm 1999. Ấn tượng ở đây, theo ông là thắng cảnh thiên nhiên, tiềm năng kinh tế và tính cách con người. Sự hiếu khách và nhiệt tâm trong lao động là đặc điểm của người dân miền Trung mà bất kỳ một ai đến đây cũng phải thừa nhận. Miền Trung có động Phong Nha, Kinh thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, bãi biển Nha Trang… là những danh thắng ít có du khách bỏ qua. Đặc biệt về tiềm năng kinh tế, quả là phong phú. Những cánh rừng đại ngàn cà phê, cao su ở Tây Nguyên; một dải bờ biển dài hơn ngàn cây số ở duyên hải có trữ lượng tôm cá lớn; những trục đường giao thông thông thương với các nước trong khu vực và nhất là hệ thống cảng biển, vô cùng dồi dào. Dọc duyên hải Trung phần, tỉnh nào cũng có những vị trí tuyệt vời để xây dựng cảng biển. Ngoài các cảng lớn đang phát huy hiệu quả như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Dung Quất, Nha Trang… miền Trung còn có tiềm năng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.
Trong những năm qua, Chính phủ đã xúc tiến đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, Đóng vai trò chủ đạo ở khu kinh tế này là Cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong. Đây là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của nước ta được tiến hành xây dựng. Không chỉ riêng Vịnh Vân Phong mà trước đó, vào năm 1999, Bộ GTVT đã lập phương án trình Thủ tướng Chính phủ 3 địa điểm để chọn lựa xây dựng cảng trung chuyển đó là Vịnh Chân Mây, Vịnh Liên Chiểu và Vịnh Vân Phong. Cả 3 vịnh nêu trên đều thuộc miền Trung và được coi là những tiềm năng có thể hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, mỗi địa điểm đều có lợi thế và hạn chế riêng. Đối với Vịnh Vân Phong có lợi thế về độ sâu tự nhiên, khu vực vịnh được bao che bởi những dãy núi cao liên tiếp nên mặt vịnh luôn êm ả, bình lặng. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng ở đây kém và thiếu nguồn nước ngọt tự nhiên. Vịnh Chân mây khắc phục được những nhược điểm của Vân Phong, lại có một lợi thế nổi trội là nằm trên trục hành lang kinh tế Đông- Tây . Tuy nhiên độ sâu tự nhiên lại thua Vân Phong và là vùng chịu nhiều ảnh hưởng thời tiết gió mùa… cuối cùng vịnh Vân Phong đã được chọn. Cuối tháng 4 năm 2006, Chính phủ có quyết định thành lập Khu Kinh tế Vân Phong với mục tiêu xây dựng nơi đây thành một khu kinh tế tổng hợp và là cảng trung chuyển container quốc tế. Trong tương lai không xa các tàu thuyền quốc tế sẽ cập cảng Vân Phong đưa hàng trực tiếp đến Việt nam rồi các tàu Việt Nam sẽ vận chuyển hàng từ đây đến các cảng trong nước. Ngược lại, các cảng hiện có của Việt Nam sẽ không còn dựa vào các cảng trung chuyển trong khu vực mà sử dụng tàu con vận chuyển hàng đến Vân Phong rồi hàng sẽ được bốc lên các tàu tuyến trực tiếp vận chuyển đến các cảng đích. Trong những năm qua, do hạn chế về mặt năng lực, nên hơn 90% hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển sang Việt Nam và ngược lại đều do các công ty vận tải biển nước ngoài đảm nhận. Việc xây dựng cảng container hiện đại có khả năng tiếp nhận các tàu tuyến trực tiếp sẽ đem lại cho nước ta cơ hội phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.
Ngoài cảng biển miền Trung còn có tiềm năng về đường bộ và đường hàng không. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có đến 6 cảng hàng không trực thuộc Cụm cảng hàng không miền Trung. Đó là chưa kể Cảng hàng không Chu Lai là vệ tinh của sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Các cảng hàng không ở đây đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp hiện đại. Trong đó cảng hàng không Đà Nẵng là cảng quốc tế thứ ba của nước ta sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, sân bay Quốc tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển các tuyến bay mới đi Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ và ngược lại. Bên cạnh đó, sân bay Phú Bài cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao lưu hàng không quốc tế, nhằm tiến tới nâng cấp sân bay này trở thành sân bay quốc tế thứ 2 của miền Trung.
Nếu chỉ dựa vào tiềm năng thì miền Trung là dải đất có khả năng đạt đến tốc độ phát triển kinh tế cao không thua kém hai đầu đất nước. Song, thực tế cho đến nay, “khúc ruột” miền Trung và Tây Nguyên vẫn triền miên nằm trong tình trạng “eo”. Theo các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân dẫn đến miền Trung phát triển chậm chủ yếu vẫn là do thiên tai phá hoại quá lớn.
Tại dải đất bên núi, bên biển này hàng năm có ít nhất chục trận bão lũ lớn hoành hành. Mùa màng thất bát, sản xuất đình trệ, cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị… đều chịu sự tàn phá rất nặng nề của mưa lũ. Trung bình mỗi năm thiệt hại do lũ lụt gây ra lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều trục đường miền núi bị thiệt hại chưa kịp khắc phục thì trận lũ năm sau lại tiếp tục tàn phá. Chính phủ cũng đã có chương rình phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giảm nhẹ, thiên tai vẫn đeo đẳng làm cho miền Trung bị hạn chế sức phát triển. Nếu không bị thiên tai tàn phá, chắc chắn miền Trung là một vùng đất giàu và gấp nhiều lần so với hiện nay.
. Theo báo GTVT
|