Nhà dân tộc học, Giáo sư George Condominas:
“Cây quế miền Trung từng làm sứ giả”
15:28', 24/3/ 2008 (GMT+7)

Giáo sư G.Condominas. (Ảnh: T.Đ)

Mới đây, một số nhà nghiên cứu văn hóa ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được tiếp kiến nhà dân tộc học lừng danh người Pháp, Giáo sư George Condominas trong chuyến đi điền dã hết sức bất ngờ của ông tại vùng rừng hai tỉnh này. Ông đi tìm hiểu về cây quế.

Giáo sư G.Condominas từng nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về dân tộc M’nông Gar thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Lắc. Ông là một trong rất ít nhà dân tộc học trên thế giới dành trọn đời mình chỉ để nghiên cứu về một dân tộc. Mới đây, ông đã chuyển từ Pháp về Việt Nam hàng nghìn hiện vật liên quan đến dân tộc M’nông Gar để trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học VN. Những tưởng Giáo sư G.Condominas sẽ khép lại việc nghiên cứu khoa học của mình bằng tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng” nói về dân tộc M’nông Gar thì ở tuổi 87, ông lại lặn lội về miền Trung để tìm hiểu về cây quế. Ông tỏ ra “quyết tâm” với loại đặc sản này: “Quỹ thời gian của tôi gần như đã cạn nên tôi dẫn theo con trai mình đây để nó làm nốt những việc còn lại”.

Giáo sư G.Condominas tìm hiểu cây quế để giải mã vì sao trong một thời kỳ khá dài nó là sứ giả bắt nhịp cầu, nối miền Trung VN với thế giới của người Ả Rập và các nước phương Tây. Ngoài lý do kể trên, Giáo sư G.Condominas còn có một kỷ niệm riêng với cây quế Trà Bồng. Bố ông-Luis Condominas- từng làm quan một, chỉ huy một trung đội lính khố xanh tại huyện lỵ này thời Pháp thuộc và bị phát xít Nhật bắt khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Dù làm quan “chuyên nghiệp”, song ông Luis  lại nghiên cứu khá kỹ về cây quế ở vùng đất này. Trong nhiều công trình được công bố, ông Luis đã đề cập khá nhiều đến những cuộc giao thương giữa người Ả Rập, người Bồ Đào Nha đến Trà Bồng để mua quế. Rất tiếc là khi Nhật hất cẳng Pháp năm 1945, toàn bộ những tài liệu mà ông Luis nghiên cứu về cây quế đã bị người Nhật tịch thu mang về nước. Giáo sư George Condominas muốn lần theo dấu chân của cha mình từ hơn 60 năm trước để tìm hiểu vì sao loại cây đặc sản này lại có mặt trong các bếp ăn của người Hồi giáo ở Tây Á? Vì sao cùng với trầm hương, mật ong rừng thì cây quế đã thành “sứ giả” nối mạng vùng đất miền Trung với thế giới từ nhiều thế kỷ trước? Vai trò của cây quế như thế nào trong các mối giao thương?

Giáo sư G.Condominas đã về Trà Bồng và thăm điện Trường Bà-nơi thờ tự, tế lễ của người dân trong vùng và nhận ra rằng, qua cách bài trí và các “thần” được thờ trong điện, chứng tỏ tại vùng đất này đã in dấu của nhiều dòng văn hóa thuộc các dân tộc Chăm, Việt, Hoa. Trong lúc vị giáo sư còn đang phân vân về một con đường mua bán quế giữa người Hồi giáo và Trà Bồng từ nhiều thế kỷ trước thì nhà nghiên cứu văn hóa-TS Nguyễn Đăng Vũ, đã cung cấp cho giáo sư một bức tượng mà ông nhặt được trong khuôn viên của điện Trường Bà. Xem các đặc điểm của bức tượng, Giáo sư G.Condominas khẳng định ngay rằng đây là bức tượng của người Hồi giáo, càng khẳng định những tài liệu của bố ông viết về “con đường quế” này từ nhiều thế kỷ trước là chính xác.

Sở dĩ cây quế Trà My và Trà Bồng được các thương thuyền Ả Rập và Bồ Đào Nha để mắt đến là nhờ vào chất lượng khá đặc biệt của nó. Đó là loại quế mọc hoang ngoài rừng nên tinh dầu của nó có tính đặc trưng. Điều đó làm nên thương hiệu cho cây quế ở đây. Rất tiếc là mấy chục năm qua, cây quế hoang dại ấy đã được các nhà “khuyến nông” thay thế bằng loại quế được nhập từ nơi khác về vì nó chóng lớn!

Sau khi đi thực địa tại các rừng quế ở Trà Bồng, Giáo sư G.Condominas phân vân: “Thật là tiếc nếu như chúng ta không giữ gìn được giống của cây quế hoang dã ngày xưa. Chính nó mới đóng vai trò “sứ giả” để nối mạng vùng đất này với thế giới”. Một nhà máy chế biến tinh dầu quế sẽ được xây dựng tại Trà Bồng nhưng “cây quế hoang dã” thì chưa thấy có kế hoạch phục hồi.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung vùng đất ấn tượng  (24/03/2008)
43 triệu USD xây khu du lịch sinh thái Gami Hội An  (17/03/2008)
Khu kinh tế miền Trung nhiều triển vọng phát triển  (16/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Quỹ học bổng mang tên một nhà thơ  (11/03/2008)
8.800 tỷ đồng xây dựng hầm đèo Cả  (02/03/2008)
Mỗi ngày nhìn lên đồng hồ đếm ngược!  (26/02/2008)
Hà Tĩnh: Hàng vạn nông dân điêu đứng vì rét hại  (19/02/2008)
Miền Trung cần cái bắt tay thật chặt  (10/02/2008)
Ở nơi không có Tết  (01/02/2008)
Về Ia Mlăh xem đâm trâu  (25/01/2008)
Du lịch làng nghề trên “Con đường di sản”  (24/01/2008)
Festival Huế 2008 - "Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển”  (23/01/2008)
Phú Yên: Công bố quy hoạch Cảng Hàng không Tuy Hòa  (22/01/2008)
Tết sớm với người Cà Dong  (14/01/2008)