Trong ba ngày từ 19 đến 21.4 này, một lễ hội truyền thống mang tên “Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa” sẽ được tổ chức tại đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Có lẽ không một lễ hội nào trên đất nước ta mà hình thức cũng như nội dung của nó lại đặc biệt như lễ hội này. Nó đặc biệt ở chỗ, đây không chỉ đơn thuần là dịp tri ân những người đã từng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc ta suốt mấy trăm năm trước mà qua lễ này, chúng ta khẳng định lại chủ quyền của đất nước mình, cụ thể là chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
|
Bia “Chiến sĩ trận vong”- nơi ghi dấu Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.(Ảnh: T.Đ)
|
Mỗi khi dấy lên câu chuyện Hoàng Sa, người dân luôn nghe câu này: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để khẳng định rằng Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam”. Tuy nhiên, “bằng chứng” đó cũng chỉ dựa vào những cứ liệu lịch sử mà bên nào cũng có thể trưng ra để khẳng định chủ quyền của mình. Có một bằng chứng khác khi trưng ra thì phía bên kia không thể chối cãi được nhưng lâu nay luôn bị khuất lấp bởi sự dửng dưng của các nhà quản lý. Đó là “lễ khao lề tế lính Hoàng Sa”. Từ hàng trăm năm trước, người dân Lý Sơn đã tổ chức lễ này mỗi khi tiễn con em mình lên đường ra đảo Hoàng Sa để bảo vệ vùng lãnh hải của đất nước. Gọi là “tế lính” cũng đúng mà “thế lính” cũng không sai. Những cuộc ra đi của các trai tráng trong làng thời ấy là những cuộc “một đi không trở lại”, vì ra đảo bằng những phương tiện hết sức thô sơ như ghe bầu thì hiếm hoi lắm mới có thể trở về. Vì thế, trước khi đi, dân làng mới làm một buổi lễ “tế lính”. Họ làm những hình nhân thế mạng, những chiếc thuyền làm bằng bè chuối được thả xuống biển sau khi thầy cúng “yểm bùa”. Người ra đi cảm thấy an lòng vì mình đã có “hình nhân” kia thế mạng rồi. Cứ mỗi lần con em lên đường là một lần dân đảo tổ chức lễ. Sự lặp lại thường xuyên ấy đã thành “lệ” hàng năm, dù sau này dân Lý Sơn không còn những cuộc ra đi như trước nữa. Một “lễ khao lề” độc đáo như vậy nhưng mấy chục năm nay nó luôn được đón nhận bằng sự dửng dưng của các nhà quản lý văn hóa. Sự dửng dưng này được chấm dứt khi Hoàng Sa chợt thức dậy trong lòng mỗi người Việt Nam ta sau hàng loạt các sự kiện diễn ra liên quan đến hòn đảo này hồi cuối năm rồi. Đây là lần đầu tiên, “lễ khao lề” do nhà nước cấp tỉnh đứng ra tổ chức ngay tại đảo Lý Sơn, mặc dù mấy trăm năm nay nó vẫn tồn tại và diễn ra hàng năm tại gia đình các tộc họ trên đảo.
|
Thả thuyền bằng bè chuối và hình nhân thế mạng tại “Lễ khao lề” ở Lý Sơn. (Ảnh: T.Đ).
|
Từ hơn 300 năm trước, khi cha ông ta đặt dấu chân mở cõi về vùng đất phương nam đầy nắng gió này thì cũng là lúc Hoàng Sa đã thành máu thịt của chúng ta rồi. Cứ sau mỗi dịp Tết âm lịch hàng năm, khi trời yên bể lặng, một đội quân gần 100 người, gồm những thanh niên ưu tú nhất của đảo Lý Sơn lại lên đường trực chỉ Hoàng Sa. Dấu tích còn lại qua những cuộc ra đi giữ nước suốt mấy trăm năm ấy không chỉ là những tấm bia đã được cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa mà người đời sau có thể gặp một Hoàng Sa hiện hữu ngay trên đảo Lý Sơn. Chưa nơi đâu mà lưu giữ những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa một cách thuyết phục như đảo Lý Sơn này. Bằng chứng ấy đã được hóa thân vào hai hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là Âm linh tự-nơi tổ chức các buổi tế lễ và đưa tiễn con em lên đường ra Hoàng Sa; đó là những ngôi mộ gió-nơi chôn những hình nhân thế mạng những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa ; đó là “lễ khao lề” mang đậm dấu ấn tâm linh; đó là bài tráng ca nói về các cuộc ra đi của những chàng “Kinh Kha” nơi đất đảo mà dân Lý Sơn ai cũng thuộc nằm lòng: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa”.
Một lễ khao lề, những ngôi mộ gió cùng những tráng ca viết về đội quân giữ đảo thuở xưa đã thành những cột mốc biên cương không dễ gì xô ngã.
|