Cùng miền Trung làm giàu
15:17', 23/4/ 2008 (GMT+7)

Furama một trong những khu Resort đẹp nhất miền Trung

Nói về miền Trung, gần đây người ta nghĩ đến những khu resort, khu công nghiệp mới, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... Hình ảnh miền Trung đã thay đổi khi có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đến làm ăn, cùng miền Trung làm giàu.

Số công ty ở miền Trung tiếp tục tăng trưởng mỗi năm từ 10-12%, trong đó có nhiều công ty ở "nơi xa" đến miền Trung khởi nghiệp.

Thêm công ty, thêm việc làm

Những năm cuối thập niên 1990, vùng đất Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một trảng cát dài ngút tầm mắt. Vùng đất bạc ven biển phía bắc Quảng Nam này qui hoạch làm khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh. "Đúng lúc Đồng Tâm muốn vươn ra khỏi lãnh địa Tây Nam bộ. Nhưng nơi đô thị công nghiệp khác mặt bằng khó khăn, giá đất lại cao, vận chuyển xa nên lãnh đạo đau đầu bài toán mở rộng sản xuất miền Trung, phía Bắc và Đông dương" - ông Tôn Thất Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm miền Trung, kể lại. Đến Quảng Nam, những câu hỏi trên được giải đáp. Tuy nhiên khó khăn về lao động yếu và thiếu, thị trường nhỏ, hạ tầng, thiên tai, chính sách chưa được cởi trói...

Ông Tuấn nhớ lại: "Làm việc với công ty, lãnh đạo địa phương luôn tận tình và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Đồng Tâm mở nhà máy". Lời hứa đó đã níu chân Đồng Tâm ở vùng đất này. Giữa tháng 5.1999, Nhà máy gạch men và ngói màu Đồng Tâm là DN đầu tiên khởi công xây dựng với vốn đầu tư 375 tỉ đồng. Trong mười tháng, vừa xây dựng vừa lắp đặt dây chuyền công nghệ Ý, đào tạo cấp tốc 800 lao động địa phương. Đây là một kỷ lục về thời gian hoàn thành dự án ở Quảng Nam lúc đó. Năm 2002, Đồng Tâm tiếp tục mở rộng sản xuất đầu tư 16 tỉ đồng xây dựng nhà máy bao bì cung cấp toàn hệ thống...

Bà Huỳnh Thị Tiếp (bán quán nước gần khu công nghiệp) tâm sự: "Nhờ nhà máy mọc lên, con trai mới có việc làm, ổn định cuộc sống. Nếu không làm công nhân, nó không bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì cũng làm thợ "đụng" ở vùng đất này".

Ngân hàng chen chân ở miền Trung

Cách đây 5-7 năm, thị trường ngân hàng (NH) miền Trung chỉ là sân chơi của các NH quốc doanh. Năm 2002, Đông Á là một trong số ít NH TMCP có mặt tại thị trường bàn đạp Đà Nẵng. Ông Nguyễn An - giám đốc NH Đông Á chi nhánh Đà Nẵng - nói chiến lược "đồng hành cùng DN vừa và nhỏ” đã đưa Đông Á có một thị phần nhất định. Khi Đông Á mở ra thì nhận rất nhiều dự án có triển vọng và được vay vốn ngay. Ông Nguyễn Trường Quang - giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Trường Quang - cho biết: "DN lúc đó rất khát vốn, Đông Á xem qua dự án đã kịp thời bơm vốn. Giúp đỡ DN làm ăn tận tình nên DN gắn với NH".

Trong khi thẻ ATM ở TP.HCM, Hà Nội lúc đó mỗi người dễ dàng sở hữu nhưng ở miền Trung thủ tục khá khó, thị trường ATM còn trống. Đông Á nhanh chân xông vào. Chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, ai cũng có thẻ ATM ngay. "Nhu cầu tăng chục lần, Đông Á phải điều máy dập thẻ ATM ra Đà Nẵng để kịp cấp cho khách hàng". Sau năm năm hoạt động, Đông Á đã chiếm 50% thị phần thẻ ATM miền Trung và đứng thứ hai về huy động vốn, cho vay khối NH TMCP ở Đà Nẵng.

Trong vòng năm năm trở lại đây, miền Trung chứng kiến sự "đổ bộ" của các NH TMCP, bảo hiểm. Nội thành Đà Nẵng khoảng 500m có một điểm giao dịch. Hiện có 46 chi nhánh NH với gần 200 điểm giao dịch, hệ thống máy rút tiền thẻ ATM đặt khắp nơi. "Sacombank có mặt tại miền Trung từ 2002 vì không muốn chậm chân ở thị trường đang phát triển và rộng mở các dịch vụ mới" - bà Hồ Thị Kim Nga, giám đốc Sacombank chi nhánh Đà Nẵng, cho biết. NH này hiện phủ kín 18 tỉnh, thành miền Trung với 48 điểm giao dịch. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh số ở Đà Nẵng của Sacombank là 200%/năm. Sacombank nhắm vào thị phần vay tiêu dùng và mua nhà cửa với thủ tục thoáng, nhanh gọn. Người dân miền Trung đã tiếp cận được với những sản phẩm mới, phong phú từ hệ thống NH TMCP.

Miền Trung resort

Nhắm đến khai thác du lịch miền Trung sớm nhất là Saigontourist. "Miền Trung có thế mạnh du lịch biển, văn hóa lịch sử, sinh thái, tạo ra bức tranh đa sắc sản phẩm du lịch. Chúng tôi không thể không có mặt" - ông Nguyễn Hữu Thọ, tổng giám đốc Saigontourist, giải thích chiến lược xây dựng chuỗi khách sạn, khu du lịch (KDL) thương hiệu Saigontourist tại miền Trung.

Năm 1988, giữa lúc du lịch, resort là những từ xa lạ, được ví là xa xỉ, chưa được nước ngoài chú ý, Saigontourist tiến hành xây dựng KDL Sài Gòn - Mũi Né (tỉnh Bình Thuận). Ông Trần Ngọc, giám đốc KDL Sài Gòn - Mũi Né, nhớ lại: "Thời đó đây là một vùng đất cát. 2,7ha trải dài cát trắng, xương rồng và dương liễu".

Từ vùng đất cát, lợi thế cộng với những ưu đãi về chính sách đầu tư, hiện vệt bờ biển này đã biến thành "thành phố resort" với hơn 100 KDL. Người dân sống khá giả khi du lịch phát triển. Sài Gòn - Mũi Né tăng trưởng đều đặn hơn 10%/năm và đầu tư thêm hơn 27 tỉ đồng. Từ bước chân còn tập tễnh vào vùng đất mới miền Trung, sự thành công của Sài Gòn - Mũi Né đã hướng chiến lược của Saigontourist đầu tư chuỗi khách sạn, KDL lên đến vài trăm tỉ đồng. Đó là Sài Gòn - Kim Liên, Sài Gòn - Kim Liên resort (Nghệ An), Sài Gòn - Quảng Bình, Sài Gòn - Morin (Huế), Sài Gòn - Tourane (Đà Nẵng), Sài Gòn - Quy Nhơn (Bình Định), Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Ninh Chữ (Ninh Thuận). Tổ hợp du lịch của Saigontourist đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên.

"Chúng tôi hi vọng tương lai không xa, du lịch miền Trung sẽ được nâng lên tầm cao mới. Vấn đề quan trọng phụ thuộc tầm nhìn, hành động của chúng ta" - ông Nguyễn Hữu Thọ khẳng định. Saigontourist quyết định đầu tư thêm khách sạn Sài Gòn - Ban Mê (Đắc Lắc), Sài Gòn - Phú Yên, Sài Gòn - Đà Lạt, Sài Gòn - Đông Hà (Quảng Trị), Sài Gòn - Cam Ranh, nâng cấp khách sạn Saigon Tourane.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều công trình được tu bổ phục vụ Festival Huế 2008  (17/04/2008)
Những cột mốc không dễ gì xô ngã  (13/04/2008)
Lăng Cô sẽ sớm lọt vào CLB “Những vịnh biển đẹp nhất thế giới”  (09/04/2008)
Con đường Yersin đi qua  (08/04/2008)
Bài học cho các KCN ở miền Trung  (06/04/2008)
Đưa thi hài vua Hàm Nghi về nước  (02/04/2008)
“Miền Trung- Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”  (28/03/2008)
Nghệ An: Sắp xây nhà máy thủy điện Hủa Na 180MW  (25/03/2008)
“Cây quế miền Trung từng làm sứ giả”  (24/03/2008)
Miền Trung vùng đất ấn tượng  (24/03/2008)
43 triệu USD xây khu du lịch sinh thái Gami Hội An  (17/03/2008)
Khu kinh tế miền Trung nhiều triển vọng phát triển  (16/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Quỹ học bổng mang tên một nhà thơ  (11/03/2008)
8.800 tỷ đồng xây dựng hầm đèo Cả  (02/03/2008)