Doanh nghiệp miền Trung tìm hướng liên kết phát triển
15:14', 25/4/ 2008 (GMT+7)

Diễn đàn kinh tế miền Trung 2008

Trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang gặp khó khăn bởi vấn nạn lạm phát, sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp càng trở nên bức thiết.

Bỏ 98 xu để tranh… 2 xu!

“Tập trung phân tích các mô hình liên kết phát triển đã thành công trên thực tế (liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực và liên kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm lớn của cả nước như TP.HCM, Hà Nội… với miền Trung - Tây Nguyên), trao đổi thẳng thắn về những khó khăn vướng mắc gặp phải trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Trên cơ sở đó, kiến nghị hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, làm rõ vai trò cả các bên liên quan trong quá trình hợp tác - phát triển này!”.

Đó là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đặt ra trong thư gửi các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế miền Trung năm 2008 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN tổ chức ngày 24.4 tại Furama Resort với chủ đề “Doanh nghiệp (DN) miền Trung: Hợp tác - phát triển”.

Theo ông Lê Hoàng, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tiếp nối lời kêu gọi “Liên kết để phát triển” đã được đưa ra tại diễn đàn lần thứ nhất tổ chức tại Hội An (Quảng Nam, tháng 4.2007), chủ đề của diễn đàn lần này nhấn mạnh đến sự liên kết trong cuộc làm ăn của khoảng 40.000 DN hiện có trong khu vực.

“Hình ảnh rõ nét, sống động nhất của sự liên kết kinh tế các địa phương miền Trung - Tây Nguyên chính là sự liên kết của các DN trong cuộc vật lộn với khó khăn từng ngày hiện tại và cả sự phồn vinh trong tương lai. Sự hợp tác đó càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang gặp khó khăn bởi vấn nạn lạm phát!” - ông Lê Hoàng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN Đoàn Duy Khương chỉ rõ, do giống nhau về nhiều mặt nên chiến lược phát triển kinh tế của các tỉnh miền Trung hầu như rất ít khác biệt. Thị trường cả đầu vào và đầu ra cho sản xuất, kinh doanh vốn đã nhỏ hẹp lại bị chia cắt và chia sẻ. Nguồn lực đầu tư phân tán nên không đủ sức tạo chuyển biến lớn, sản phẩm khó có sức cạnh tranh. Do vậy, các DN miền Trung hầu hết còn ở quy mô nhỏ, thị trường hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu lớn. Nguồn nhân lực có trình độ bị thu hút vào những trung tâm kinh tế ở miền Nam.

Hiện toàn khu vực có 631 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, chiếm 11,7% cả nước. Nhưng nếu so với TP.HCM thì tổng vốn FDI của cả miền Trung chỉ bằng 40%, trong đó vốn thực hiện chỉ bằng 15%; tương tự, so với Hà Nội thì tỷ lệ đó cũng lần lượt là 54% và 28%. Lượng hàng qua các cảng biển ở miền Trung chỉ bằng 13% so với miền Bắc và 6% so với miền Nam

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho hay, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề liên kết, hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng và Quảng Nam đã đạt sự thống nhất một số vấn đề về thu hút đầu tư, tổ chức các sự kiện lớn tầm quốc gia và quốc tế, hợp tác đào tạo… Ngành du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, TT-Huế cũng tích cực triển khai một số chương trình liên kết hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch...

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận kết quả của những sự liên kết, hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Ông cho rằng, việc đánh thức và khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành và cả khu vực để phát triển không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn phải là trách nhiệm của cả cộng đồng DN trong vùng.

Ông Đoàn Duy Khương đưa ra một ví dụ khiến nhiều cử toạ phải “choáng”. Đó là, giá mỗi tách café ở Mỹ, châu Âu là 2 USD, nhưng hàm lượng giá trị của café thô VN trong đó chỉ… 2 xu, còn 98 xu là giá trị gia tăng thuộc về các nhà nhập khẩu, chế biến café nhân của VN để cung ứng cho các thị trường đó. Vậy mà, thay vì tìm cách chiếm thị phần trong 98 xu giá trị gia tăng thì nhiều DN VN nói chung, DN miền Trung - Tây Nguyên nói riêng lại đang tranh nhau cái thị phần 2 xu nhỏ bé của nguyên liệu thô!

Cần định vị đúng kinh tế, DN miền Trung trong hội nhập

Ngược lại, dưới góc độ của DN, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 (Đà Nẵng) cho rằng, chính quyền các địa phương và các ngành hữu quan trung ương còn hạn chế trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, làm đầu mối giúp các DN miền Trung – Tây Nguyên liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương trong sự phát triển chung của khu vực.

Cho đến nay, việc liên kết để phát triển thị trường hàng hoá, thương mại, dịch vụ du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, mở rộng quan hệ hợp tác về phía Tây vẫn chưa được triển khai. Chưa tổ chức được các tour, tuyến du lịch gắn kết các khu, điểm du lịch trọng điểm của các tỉnh trong vùng với nhau nhằm khai thác, thu hút khách… Để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ đặc lực từ Bộ KH-ĐT, UBND các tỉnh, thành trong khu vực với nhưng chính sách hợp lý, thông thoáng tạo môi trường hành lang pháp lý thuận lợi cho DN.

Theo TS Lê Đăng Doanh, để đánh giá đúng tầm quan trọng và tương lai kinh tế miền Trung, không thể chỉ xuất phát từ tiềm lực các tỉnh mà phải phát huy mạnh mẽ các lợi thế to lớn như là cửa ngõ và cầu nối cho Myanmar, Đông Bắc Thái Lan và Lào qua Hàng lang kinh tế Đông – Tây để kết nối với các trung tâm kinh tế năng động nhất châu Á là Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và vùng Viễn Đông với vai trò làm dịch vụ cảng, hậu cần. Hàng hoá từ khu vực trên qua các cảng miền Trung sẽ không cần qua eo biển Malacca quá đông đúc và cảng Bangkok đã quá tải, có thể giảm 1 ngày đêm vận tải, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc.

“Rõ ràng phải gắn kinh tế miền Trung với hai vùng rộng lớn Đông Bắc Á và Tiểu vùng Mêkông để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế miền Trung. Trong thế kỷ 21, Đông Bắc Á sẽ trở thành trung tâm tăng trưởng của thế giới. Việc miền Trung trở thành mắc xích nối giữa Đông Nam Á và Bắc Á sẽ thay đổi vị thế của miền Trung không chỉ đối với nước ta mà còn trở thành một khâu quan trọng cho cả khu vực. Nhìn rộng ra, mức độ hội nhập và toàn cầu hoá của miền Trung sẽ nhanh chóng được nâng cao và vượt xa mức bình quân của cả nước!” – TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Do vậy, ông cho rằng các tỉnh miền Trung cần đề nghị việc phân cấp, tự chịu trách nhiệm cao hơn nhiều so với hiện nay để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc đón bắt các cơ hội sắp tới. Không thể thụ động, trông chờ sự năng động và mẫn cán của các bộ, cục cấp TƯ phát hiện và giải quyết các vấn đề phát triển đặc thù của mình, các tỉnh miền Trung cần năng động, chủ động đề xuất, thuyết phục để có được mức độ tự chịu trách nhiệm cao hơn các tỉnh miền núi khác.

Đồng thời, để biến miền Trung thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế, các tỉnh trong khu vực cũng phải rất chủ động truyền bá hình ảnh và vai trò mới mẻ của mình, thuyết phục về những lợi ích to lớn mà miền Trung có thể đem lại. Không nên suy nghĩ theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần phải có một quá trình triển khai kiên trì, lâu dài, chịu thương chịu khó.

“Quá trình vận động, thuyết phục đó cũng là quá trình xích gần lại với nhau, hiểu biết nhau sâu sắc hơn giữa DN miền Trung với nhau và với DN của các nước đối tác cũng như giữa các quan chức với nhau. Không thể xây dựng mối quan hệ hợp tác tin cậy mà không hiểu biết pháp luật, văn hoá, con người!” – TS. Lê Đăng Doanh nói.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp sức cho nông dân miền Trung  (24/04/2008)
Cùng miền Trung làm giàu  (23/04/2008)
Nhiều công trình được tu bổ phục vụ Festival Huế 2008  (17/04/2008)
Những cột mốc không dễ gì xô ngã  (13/04/2008)
Lăng Cô sẽ sớm lọt vào CLB “Những vịnh biển đẹp nhất thế giới”  (09/04/2008)
Con đường Yersin đi qua  (08/04/2008)
Bài học cho các KCN ở miền Trung  (06/04/2008)
Đưa thi hài vua Hàm Nghi về nước  (02/04/2008)
“Miền Trung- Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”  (28/03/2008)
Nghệ An: Sắp xây nhà máy thủy điện Hủa Na 180MW  (25/03/2008)
“Cây quế miền Trung từng làm sứ giả”  (24/03/2008)
Miền Trung vùng đất ấn tượng  (24/03/2008)
43 triệu USD xây khu du lịch sinh thái Gami Hội An  (17/03/2008)
Khu kinh tế miền Trung nhiều triển vọng phát triển  (16/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)