|
Bốc xếp hàng container tại cảng Đà Nẵng. |
Rất nhiều diễn đàn kinh tế miền Trung đã được mở ra trong thời gian qua với những nội dung như: Làm cách nào để đưa kinh tế miền Trung cất cánh, liên kễt phát triển đầu tư thế nào, chọn lọc từ đầu tư ra sao, nhân lực từ đâu ?… Tuy nhiên, muốn đưa nền kinh tế của cả một khu vực phát triển trong trục liên kết bền vững phải xác định được đâu là thủ phủ?
Chưa bao giờ các dự án cao ốc lại phát triển ở Đà Nẵng rầm rộ như thời gian gần đây. Cty cổ phần địa ốc Đông Á đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổ hợp Golden Square với 3 tòa nhà 21, 27 và 38 tầng, Cty Địa ốc Vũ Châu Long vừa khởi công xây dựng tổ hợp Danang Centre cao 35 tầng và tổ hợp Han Riverside với 3 tòa cao ốc 27 tầng bên phía đông sông Hàn, tổ hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ Viễn Đông Meridian cao 48 tầng đang thiết kế tại 84- Hùng Vương, tổ hợp cao ốc do Cty Kreves Development (Hàn Quốc) đầu tư với một loạt cao ốc từ 26- 30 tầng, tổng đầu tư dự án lên tới 200 triệu USD, tổ hợp Olalani Riverside Towers với cụm tháp đôi từ 26-37 tầng. Khu đô thị quốc tế Đa Phước của Daewon với một tòa cao ốc 60 tầng và hàng chục tòa nhà hơn 30 tầng. Dự án Capital Square của VinaCapital vốn đầu tư 325 triệu USD bên cầu sông Hàn là trung tâm thương mại thế giới tại Châu Á… Các cao ốc nở rộ, trong khi Đà Nẵng chỉ có gần 1 triệu dân, với khoảng 20% người có nhu cầu mua căn hộ của các dự án còn các Cty chưa thực sự cần thiết thuê văn phòng, hoặc một số ít thuê với giá rẻ, như tại Vĩnh Trung Plaza chỉ từ 15-21 USD/m2, bằng nửa Hà Nội. Nhu cầu thực tế thấp, vậy tại sao các nhà đầu tư lại nhắm vào Đà Nẵng để phát triển các siêu cao ốc? Nguyên nhân, tại hai đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM, việc đầu tư hạ tầng đang tụt hậu, đất chật, người đông nên các dự án lớn chuyển dần vào Đà Nẵng. Việc Đà Nẵng đang phát triển rầm rộ các cao ốc, trung tâm thương mại, khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort… là dấu hiệu khẳng định thành phố đang tích lũy hạ tầng để tương lại không xa trở thành thủ phủ của kinh tế miền Trung. Với địa thế thuận lợi, Đà Nẵng sẽ là trung tâm nối Nhơn Hội (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam), Chân Mây- Lăng Cô (Huế). Các Cty, DN đầu tư làm ăn tại các khu kinh tế nói trên có thể đặt trụ sở văn phòng tại trung tâm Đà Nẵng. Mặt khác, các chuyên gia quốc tế, các nhà đầu tư làm việc tại các địa phương nói trên có thể về trung tâm Đà Nẵng để nghỉ dưỡng trong các resort, nhiều chuyên gia sẽ chuyển gia đình đến sống tại Đà Nẵng. Lúc đó, với chức năng đầu não nền kinh tế miền Trung, nhu cầu về văn phòng cho thuê, văn phòng ở, căn hộ của các siêu cao ốc đang hình thành bây giờ sẽ thực sự cần thiết, nhanh chóng bị lấp đầy.
TP Đà Nẵng đã chủ động xây dựng “Thành phố công nghệ”, đầu tư cải tạo cảng biển và dịch vụ hậu cần mang tầm vóc quốc tế… đó là bước đón đầu hết sức hợp lý, cầân thiết để Đà Nẵng thực sự trở thành đầu não kinh tế, giải trí, giao thương của miền Trung. Khi đã trở thành đầu não của vùng thì công nghệ thông tin phải thực sự mạnh để có thể thu hút tất cả nhu cầu từ các vùng vệ tinh trong khu vực và chuyển ra thế giới một cách tốt nhất. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng thung lũng “silicon” thì trụ sở của Tập đoàn công nghệ FPT đặt tại Đà Nẵng cũng khẳng định đây là “đầu não” công nghệ thông tin không chỉ của toàn vùng. Về cảng biển, đầu mối quan trọng kết nối với thế thế giới, một thời, miền Trung, ở đâu có biển, ở đó có cảng, khiến cho việc cạnh tranh nhỏ lẻ, đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, chỉ đạt 13% toàn quốc. Bài học đầu tư được rút ra tại các diễn đàn kinh tế miền Trung là phải tập trung phát triển chuyên sâu cho từng địa phương, để cạnh tranh với cảng của Hồng Kông, Singapore… hay vì cạnh tranh nhỏ lẻ giữa các cảng trong khu vực. Nghĩa là các địa phương phải liên kết mạnh mẽ, đầu tư sâu tại một đầu mới để xuất ra thế giới và cạnh tranh với “con cá lớn” trong khu vực. Cảng Đà Nẵng có đủ điều kiện từ địa thế đến độ sâu, hạ tầng để xuất nhập hàng ra thế giới, vì vậy phải được đầu tư chuyên sâu.
Tại một diễn đàn kinh tế tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, theo ông Trương Bá Thanh, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cho rằng miền Trung quá nhiều cảng và xây dựng manh mún, nên giải tán một số cảng nhỏ để đầu tư xây dựng các thương cảng lớn. Còn theo ông Trương Đình Hiển, chuyên viên cao cấp Viện Vật lý Hải Dương thì phải xây dựng thêm cảng chuyên dùng, liên kết các cảng chuyên dùng làm cụm cảng để phát triển một thương cảng, như vậy xây dựng thêm cảng Liên Chiểu, sau đó liên kết cảng Chân Mây, cảng Liên Chiểu với cảng Đà Nẵng thành thành cụm cảng để xây dựng thương cảng Đà Nẵng thật lớn, ngang tầm các cảng quốc tế trong khu vực. Để thực hiện cụm cảng, chính quyền các địa phương cần đàm phán xây dựng một đề án mang tầm chiến lược lâu dài cho toàn vùng.
. Theo báo CA TP Đà Nẵng |