Không gian và thời gian phố cổ Hội An
20:24', 12/5/ 2008 (GMT+7)

Một góc Phố Cổ Hội An. (Ảnh:Internet)

Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ được các di tích đang xuống cấp, giữ được hồn phố cổ với không gian và thời gian đã có hàng trăm năm.

Ðến Hội An, chúng tôi có cảm giác như được sống trong khung cảnh một đô thị - thương cảng sầm uất xưa nườm nượp thương thuyền từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản kéo đến. Những dãy phố rêu phong cổ kính có sức cuốn hút kỳ lạ bởi kiến trúc rất độc đáo. Chùa Cầu được dựng trên một cái cầu theo kiến trúc Nhật Bản, các hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Ðông theo kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc của người Việt được thể hiện qua những đền, đình, chùa, miếu và hàng trăm ngôi nhà cổ hình ống xuyên suốt từ phố này sang phố khác với những rường, cột, vì, kèo chạm trổ cầu kỳ, những con mắt cửa sổ độc đáo.

Ðêm phố cổ thật huyền ảo. Không gian tĩnh lặng đến lạ kỳ, không một tiếng động cơ xe máy, ô-tô, không ồn ào náo nhiệt chỉ có tiếng gió xào xạc và văng vẳng những khúc dân ca trữ tình quyến rũ. Vào đêm 14 âm lịch hằng tháng các khu phố cổ thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện càng làm nổi bật hình ảnh thơ mộng của phố cổ xưa. Những chiếc đèn hình tròn, lục lăng treo dưới mái hiên, hai bên cửa ra vào treo đèn quả trám hoặc ống dài theo kiểu Nhật Bản. Có rất nhiều cửa hàng bày bán các loại đèn lồng làm đồ lưu niệm. Các loại vỏ bọc ngoài khác nhau tạo ra những ánh sáng đèn khi là mầu đỏ, khi là mầu vàng tươi hoặc mầu huyết dụ. Trong ánh sáng đèn lồng lung linh huyền ảo chúng tôi gặp những cô gái mặc áo dài kiểu xưa cặm cụi làm việc, những cụ già ung dung tự tại trước bàn cờ tướng. Và thật thú vị, trong đêm dạo phố được nếm đủ món ăn đặc sản của Hội An như: Quảng, cao lầu, hoành thánh, bánh xèo, lường phảnh, bánh bo, bánh vạc, xíu mà, tàu xá... Ði trong đêm hoa đăng du khách cảm giác "hồn" phố xưa hiện về từ hàng trăm năm trước.

Không phải ngẫu nhiên mới đây Viện Văn hóa - Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Trường đại học Grais Vald và Công ty Moskito (CHLB Ðức) tổ chức tại đây hội thảo khoa học Quản lý di sản văn hóa thế giới và phát triển du lịch. Các nhà khoa học đều thừa nhận Hội An đã giữ gìn hầu như nguyên vẹn văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị - cảng xưa. Theo TS Từ Thị Loan: Hội An đã tích cực bảo vệ di sản để phát triển du lịch. Lượng khách quốc tế đến ngày càng đông, việc sửa chữa trùng tu các ngôi nhà, các công trình kiến trúc cổ là nguyên nhân khiến các làng nghề phát triển trở lại. Nghề gốm Thanh Hà ngày càng mở rộng để cung cấp gạch ngói lợp cho các ngôi nhà cổ, còn cho các khu vực chung quanh. Làng nghề mộc và nghề nề Kim Bồng cũng hồi sinh và ngày càng nổi tiếng nhờ việc chạm khắc, trang trí, tu sửa các di tích đình, chùa, miếu, các ngôi nhà cổ. Làng rau Trà Quế, nghề yến Thanh Châu cũng không ngừng mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách.

PGS,TS Nguyễn Tri Nguyên nhận xét về lối sống, nếp sống của người dân Hội An: Dường như con người ở đây mềm dẻo hơn, hiền hòa, hiếu khách và cởi mở hơn. Không bị chèo kéo một cách khiếm nhã, thô bạo nên du khách thoải mái đi dạo. Ở đây đã tạo ra không gian tự nguyện tự giác của cộng đồng cùng với chính quyền xây dựng nếp sống văn minh để thể hiện lòng mến khách của mình. Người ta đã gìn giữ các lễ hội truyền thống. Lịch lễ hội cổ truyền của Hội An thu hút du khách suốt cả năm. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa vật thể và phi vật thể chính là điều độc đáo của Hội An đã tạo dựng không gian và thời gian phố cổ xưa hiển hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày không phải như nhiều nơi khác khi chỉ có riêng di tích cho nên chỉ có thể tái hiện nó bằng phương pháp sân khấu hóa.

Nhiều ngôi nhà rêu phong với vẻ đẹp cổ kính đang bị thiên tai, mối mọt phá hại, xuống cấp. Chủ nhà 104 đường Bạch Ðằng cho biết: Khi mưa lũ gia đình phải chuyển đi nơi khác. Mấy cái cột và cửa gỗ bị mối ăn giờ lại bị ngâm nước ruỗng ra làm cho nhà bị lún và nghiêng. Chủ nhà số 101 Nguyễn Thái Học cho biết: Căn nhà xuống cấp nghiêm trọng do mối mọt và lũ lụt nhưng chưa có kinh phí tu bổ... Ðợt lũ lụt năm trước cả khu phố cổ ngập trong nước, nhiều nhà ngả nghiêng xiêu vẹo phải dùng nhiều cây gỗ chống đỡ. Chúng tôi đến làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích TP Hội An được biết: Hiện có 15 di tích nằm trong danh mục tu bổ khẩn cấp và các ngôi nhà số 26, 12/3 đường Bạch Ðằng, số 3 Châu Thượng Văn, 11 và 186 đường Trần Phú phải di dời tại chỗ từ nhà trước ra nhà sau hoặc các gian có kết cấu chịu lực tốt. Những ngôi nhà số 10/11, 77, 96, 103, 126/2 Trần Phú và số 21, 24 Lê Lợi được xếp hạng di tích đặc biệt cũng bị hư hại nặng do bị ngâm nước lũ quá lâu.

Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An Nguyễn Chí Trung nói: "Hơn 1.000 ngôi nhà cổ ở đây có tới hơn 90% là thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Trong việc bảo vệ di tích cái khó là dân cứ chần chừ vì muốn Nhà nước đầu tư 100%. Trùng tu theo nguyên trạng sẽ tốn kém rất nhiều mà dân lại thiếu tiền... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng huy động kinh phí bằng nhiều nguồn để tiếp tục tu bổ, chống đỡ bằng mọi giá với các phương án trùng tu cụ thể phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và trường hợp khác nhau". Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến Hội An để cùng với chính quyền và nhân dân thành phố tìm các giải pháp bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ.

Cùng với nhịp điệu phát triển của đất nước, Hội An từ thị xã được nâng cấp lên thành phố trong đó có các phường nội thị, xã nông thôn và cả xã đảo với 120 nghìn dân sẽ được đầu tư tốt hơn để cải thiện hạ tầng cơ sở, môi trường... Áp lực dân cư trong đô thị cổ cũng giảm tạo điều kiện bảo vệ, tôn tạo di sản tốt hơn. Năm qua, thành phố đón hơn một triệu khách du lịch đó là một điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo về môi trường, về sự ảnh hưởng đến các di tích. Mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt người qua Chùa Cầu chắc chắn cũng làm cho chiếc cầu luôn bị quá tải. Mật độ kinh doanh buôn bán quá đông dọc các phố cổ cũng dễ gây ô nhiễm môi trường. Cho nên thành phố chủ trương giảm mật độ dân cư ra ngoài các khu phố cổ bằng cách mở rộng các điểm du lịch ra sông, eo biển và chung quanh thành phố. Một vấn đề mới đặt ra cho thành phố là hiện nay đang diễn ra việc mua bán chuyển nhượng những ngôi nhà cổ.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được xây dựng từ thế kỷ 16, hiện vẫn còn giữ được nguyên trạng. Một quần thể di tích kiến trúc cổ có tới 1.360 di tích, danh thắng gồm công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, cầu, bến cảng, chợ...

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết thêm: Theo thống kê sơ bộ đã có 21 ngôi nhà cổ trên tuyến đường Trần Phú của phố cổ đã bị chuyển nhượng mua bán. Số nhà cổ này có tuổi trung bình là 150 năm. Nhiều ngôi nhà cổ do người từ các địa phương khác đến mua lại hoặc những người giàu có sở tại mua để làm cơ sở kinh doanh. Ðiều này khiến chính quyền thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ "phần hồn" của di tích bởi toàn bộ kiến trúc bên trong, không gian thờ tự và nếp sinh hoạt của người dân trong những ngôi nhà cổ đã bị thay đổi, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể không còn hòa quyện, song hành ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống di sản văn hóa Hội An. Trước thực trạng này, được biết lãnh đạo thành phố đã đề xuất một cơ  chế tài chính đặc thù là Nhà nước sẽ mua lại những ngôi nhà cổ và có thể cho đại diện của gia đình chủ cũ thuê lại tiếp tục sinh sống, bảo quản. Số tiền này không khó giải quyết nếu được phép sử dụng từ nguồn thu du lịch. Bên cạnh đó thành phố cũng chủ trương người Hội An gốc mua nhà cổ để kinh doanh phải thực hiện đúng quy hoạch. Ngoài ra thành phố cũng có quy định kịp thời để tránh tình trạng các nhà vườn ở khu vực ngoại ô cũng sẽ bị chia lô để bán, phá vỡ cảnh quan, môi trường của đô thị cổ.

Việc bảo vệ, tôn tạo di tích và phần hồn của phố cổ Hội An còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng những gì Hội An đang cố gắng làm và quyết tâm đã đem đến cho chúng tôi niềm tin chắc chắn: Phố cổ Hội An sẽ được giữ nguyên trạng trong cuộc sống hiện đại. Không gian và thời gian phố cổ từng có trong lịch sử vẫn luôn hiện hữu ở quanh chúng ta.

. Theo Nhân Dân điện tử

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đà Nẵng- Thủ phủ kinh tế miền Trung  (08/05/2008)
Bạch Mã, khu du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng   (02/05/2008)
Phát triển miền Trung - Cái cần là một lối tư duy  (01/05/2008)
Doanh nghiệp miền Trung tìm hướng liên kết phát triển  (25/04/2008)
Tiếp sức cho nông dân miền Trung  (24/04/2008)
Cùng miền Trung làm giàu  (23/04/2008)
Nhiều công trình được tu bổ phục vụ Festival Huế 2008  (17/04/2008)
Những cột mốc không dễ gì xô ngã  (13/04/2008)
Lăng Cô sẽ sớm lọt vào CLB “Những vịnh biển đẹp nhất thế giới”  (09/04/2008)
Con đường Yersin đi qua  (08/04/2008)
Bài học cho các KCN ở miền Trung  (06/04/2008)
Đưa thi hài vua Hàm Nghi về nước  (02/04/2008)
“Miền Trung- Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”  (28/03/2008)
Nghệ An: Sắp xây nhà máy thủy điện Hủa Na 180MW  (25/03/2008)
“Cây quế miền Trung từng làm sứ giả”  (24/03/2008)