Tại Festival Huế 2008, lần đầu tiên hội thi tiến sĩ võ của triều Nguyễn được tái hiện. Hội thi còn là cuộc hội ngộ và trình diễn của những võ sư hàng đầu VN, "trong vai" những tiến sĩ võ đã được xướng danh trong lịch sử, qua đó xiển dương và giới thiệu cho công chúng, du khách những đặc sắc của võ thuật cổ truyền VN.
Trong suốt 143 năm tồn tại, dù đã tổ chức 39 khoa thi hội tiến sĩ văn, nhưng nhà Nguyễn chỉ tổ chức 3 khoa thi tiến sĩ võ, vào các năm Âật Sửu (1865); Mậu Thìn (1868); Kỷ Tỵ (1869), đều diễn ra dưới triều Tự Đức. Kỳ thi cuối cùng đã diễn ra cách đây 140 năm.
Tổng cộng tiến sĩ võ dưới triều Nguyễn là 10 người, trong đó có 2 người Quảng Nam, 2 Quảng Trị, 3 Thừa Thiên, 2 Bình Định, 1 Quảng Bình. Trong lễ hội lần này, BTC chỉ mô phỏng một phần lịch sử bằng cách chỉ nêu tên 7 người (2 của Thừa Thiên, 2 Bình Định, 1 Quảng Bình, 1 Quảng Nam, 1 Quảng Trị) được lấy đúng tên những người đã đỗ trong lịch sử triều Nguyễn.
Hội thi tiến sĩ võ ngày xưa kéo dài khoảng 50 ngày. Trong khoảng thời gian này, thí sinh phải qua kỳ thi hội, đình gồm các môn binh pháp, trận pháp (thi viết), khảo thí côn gỗ, đao khiên... và bắn súng điểu thương. Tại Festival Huế 2008, BTC không tái hiện cuộc thi tiến sĩ võ một cách chân xác, mà chỉ xây dựng một lễ hội với các tiết mục rước chiếu chỉ, tuyên đọc các môn võ tiến sĩ đã vượt qua trong hội thi. Vì lễ hội tổ chức như một vòng chung khảo, nên BTC sẽ để cho mỗi võ sĩ (đóng vai) biểu diễn một môn sở trường.
BTC đã mời các võ sư ở các tỉnh có phong trào võ cổ truyền mạnh như TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam..., tham gia biểu diễn. Đặc biệt trước khi các tiến sĩ tham dự phần chung khảo thì khoảng 130 cấm vệ quân (do các võ sinh của TT-Huế đóng vai) sẽ biểu diễn các bài côn, thương,... dưới sự điều khiển của một vị tiến sĩ, nhằm thể hiện khả năng huấn luyện quân binh. Lễ hội sẽ khép lại với hình ảnh đám rước tiến sĩ.
. Theo Lao Động
|